FRANCHISING
& LICENSING VIETNAM
FOLLOW US ON
Bạn đang quan tâm 0 thương hiệu   Gửi yêu cầu tư vấn

CEO Phúc Sinh nói về ác mộng cà phê 2023: Lần đầu tiên cà phê giá rẻ từ Việt Nam không còn vô tận, traders và môi giới kiệt sức, loạt kho phá sản

Là nhà xuất khẩu cà phê trong top 4 tại Việt Nam, ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc CTCP Phúc Sinh – vừa có những chia sẻ về ngành cà phê, đặc biệt sau 1 năm nhiều biến động như 2023.

“Nhớ lại cuối năm 2022, ai làm ngành cà phê cũng mong một năm mới tươi sáng, giá cà phê lúc đó bắt đầu tốt lên. Sau những năm lẹt đẹt ở mức 1.200 – 1.400 USD/tấn thì giá cà phê thế giới đã tăng lên 1.900 – 2.000 USD/tấn. Ai cũng vui, người nông dân là vui nhất vì họ bán được giá tốt hơn rất nhiều”, ông Thông nhớ lại.

Tá hỏa: Nguồn cung cà phê từ Việt Nam không "vô tận"

Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới đã nhiều năm nay và cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam với giá rẻ. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam. Các hãng nổi tiếng của châu Âu và Mỹ bán cà phê giá tốt và rất tốt với chi phi đầu vào là Robusta giá rẻ từ Việt Nam.

Chính vì nguồn cung dồi dào và giá rẻ cho nên các nhà mua cà phê trên thế giới rất vui vẻ và họ coi như nguồn cung đó là vô tận.

Sau Tết âm lịch, nguồn cung cà phê vẫn dồi dào và giá cà phê tiếp tục biến động, từ 42.000 đồng/kg tăng lên 48.000 đồng/kg. Lần đầu tiên sau 15 năm, giá cà phê mới tăng lên mức này. Trước đó, những người trồng cà phê bán với giá bình quân 34.000 đồng/kg.

Nông dân và các nhà cung cấp nhỏ bán ra ồ ạt với số lượng lớn và đến khi giá cà phê lên mức 50.000 đồng/kg thì gần như nông dân đã bán sạch bách. Các thương lái, nhà cung cấp nhỏ cũng bán sạch kho của họ.

“Chẳng những nhà mua cà phê lớn nghĩ vậy mà các traders lớn hay hầu hết nhà xuất khẩu của Việt Nam đều nghĩ còn nhiều cà phê. Bao nhiêu năm nay cà phê không có giá cao như vậy, nên họ bán số lượng lớn. Ai cũng có một nhận định: Việt Nam làm sao hết cà phê được!”, ông Thông kể lại.

Nhưng sau tháng 5/2023, tình hình nguồn cung cà phê bắt đầu khan hiếm. Mua cà phê khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên khi nói đến chuyện Việt Nam năm nay khan cà phê thì mọi nhà xuất khẩu đều không tin.

Đến đầu tháng 6/2023, những người mua bắt đầu gây sức ép lên các nhà xuất khẩu và lúc này cả thị trường mới tá hỏa: Việt Nam không có cà phê.

Vì sao?

Lần đầu tiên trong 25-30 năm qua, rất nhiều cuộc khảo sát về vùng nguyên liệu cà phê được tiến hành. Gần như các kho hàng cà phê trống rỗng, không có lấy một vài bao! Và bao nhiêu câu hỏi tại sao lại xảy ra chuyện này?

“Trong hơn 20 năm làm nghề, chúng tôi cũng lần đầu thấy các giám đốc mua hàng, traders và nhà môi giới cà phê kiệt sức. Họ vật lộn với các sức ép từ sếp của họ và người mua mà họ đã ký hợp đồng ”, đại diện Phúc Sinh cho biết.

Giải thích cho việc không có cà phê này, ông Thông nhấn mạnh cần hiểu rằng Việt Nam đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua và bất động sản là một trong những lĩnh vực phát triển nhất. 10 năm qua, giá đất từ 200 - 300 triệu đồng ha thì giờ là 2 - 3 tỷ đồng/ha. Mỗi năm, dân cà phê bán một ít đất trồng thì 10 năm là số lượng lớn gộp lại, khiến diện tích trồng cà phê giảm đi nhiều.

Thứ hai, sau đại dịch Covid-19 thì ít người đi làm nông nghiệp, giá nhân công lại tăng và cuối cùng yếu tố thời tiết thay đổi cũng kéo theo biến động lớn về mùa màng. 3 yếu tố trên đã làm cho sản lượng cà phê giảm rõ rệt.

Qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng thấy các nhà xuất khẩu và nhà cung cấp cà phê rất khó khăn, họ bị áp lực dây chuyền từ các nhà mua cà phê lớn.

Lời cảnh tỉnh về câu chuyện “ngáo giá”

Sang năm 2024, ngành cà phê theo Phúc Sinh tiếp tục có nhiều chuyện không ai ngờ tới. Khi khảo sát, mọi người đều đồng ý là năm nay 2023/2024 được mùa và lại theo một quy trình cũ: Tất cả các bên tham gia kinh doanh cà phê bắt đầu bán trước hàng trăm ngàn tấn. Từ giá 50.000 đồng/kg, nông dân, nhà cung cấp trên vùng nguyên liệu bán cà phê với số lượng lớn, rồi giá lên 52.000 đồng/kg và 54.000 đồng/kg.

Giá cà phê tăng liên tục đã sinh ra lòng tham lớn, nông dân không giao hàng cho thương lái chốt với mình. Nhiều thương lái bán khống, không có hàng giao tiếp tục “xù” nhà kho, nhà xuất khẩu, đẩy ngành cà phê vào tình trạng hỗn loạn. Tại Tây Nguyên, đã có nhiều người phá sản, nhiều kho cà phê và công ty phá sản.

“Ai cũng than không lấy được hàng, các công ty xuất khẩu mua cà phê trước có hàng ngàn, hàng chục ngàn tấn ký hợp đồng và có cọc tiền, nhưng các nhà cung cấp không giao hàng, đẩy tình trạng kinh doanh cà phê lên cực điểm khó khăn. Ngành cà phê nóng như lửa đốt, bao nhiêu công ty uy tín giờ khóa máy, không giao hàng và xù hợp đồng ”, ông Thông nhớ lại.

Điều này nếu xảy ra sẽ phá vỡ hệ thống kinh doanh ngành cà phê đã được xây dựng hàng chục năm. Sẽ có nhiều công ty cung cấp cà phê trên vùng nguyên liệu tiếp tục phá sản, kéo theo nhà xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, phá sản theo.

Và khi giá cà phê tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới các nhà rang xay nhỏ lẻ. Bởi, ngành cà phê rang xay cũng cạnh tranh dữ dội, trong đó nhiều nhà rang xay tầm nhỏ và trung phải bán thấp để vào được siêu thị, hệ thống bán lẻ. Chi phí đầu vào tăng gấp đôi nhưng giá bán ra lại không tăng – đó chính là lúc sự kết thúc bắt đầu đối với ngành rang xay vừa và nhỏ - ngành mà bao năm dựa vào cà phê giá rẻ robusta Việt Nam.

“Khi nhìn lại cả chặng đường 20 năm của ngành cà phê thì chúng ta thấy, các công ty rang xay và phân phối cà phê lớn trên thế giới đã tận dụng việc kiếm lợi nhuận khổng lồ từ cà phê giá rẻ Việt Nam. Sau khi kiếm lợi nhuận lớn hàng chục năm, họ còn bắt các nhà bán cho họ từ nhà xuất khẩu đến các traders phải cho họ thanh toán chậm từ 150 ngày đến 360 ngày. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật 100% ”, ông nhấn mạnh.

Trong chuyện giao hàng cũng vậy. Khi mùa màng bội thu và nhu cầu tiêu thụ kém, họ sẵn sàng ép các nhà xuất khẩu giao trễ dù nhà xuất khẩu đã mua đầy kho. Họ ép giao trễ cho họ từ 3 tháng đến cả năm trời. Nếu cứ giao, họ sẽ không thanh toán và nói khó là kho họ đầy, người tiêu dùng xứ họ đang giảm chi tiêu. Nhưng khi xảy ra chuyện ngược lại, nếu họ cần hàng thì họ thúc bách chúng ta khủng khiếp.

Kinh doanh vốn đã khó, giờ còn khó hơn bao giờ hết. Các công ty xuất khẩu chả làm được gì cả ngoài việc chấp nhận và không có bồi thường thiệt hại.

“Tuy nhiên cuộc sống luôn có lý do riêng của nó. Sau năm 2023, các nhà mua nhận ra rằng Robusta Việt Nam không còn vô tận, họ phải thực sự quan tâm đến Việt Nam – nơi sản xuất cà phê. Và câu trả lời là để phát triển lâu dài bền vững ngành cà phê, chúng ta cả người mua và người bán phải thực sự quan tâm đến cà phê, người trồng cà phê và diện tích trồng. Các công ty cà phê lớn trên thế giới bớt tham lam, cùng chung tay với nhà xuất khẩu và nông dân trồng cà phê thì mới có thể phát triển bền vững ngành này ”, ông chốt lời.

(Theo CafeF)

Tin khác