Giảm giá hơn 300 mặt hàng
Theo Wall Street Journal, hôm 28-8, Amazon thông báo giảm giá hàng loạt thực phẩm có khối lượng giao dịch cao như chuối, trứng gà, bơ, thịt bò xay, cá hồi... ở 470 cửa hàng Whole Foods trên toàn quốc. Mức giảm giá cao nhất lên đến 43%.
Một nhân viên của cửa hàng Whole Foods ở New York cho biết có hơn 300 mặt hàng được giảm giá. 28-8 là ngày Amazon hoàn tất tiến trình thương vụ thâu tóm Whole Foods với giá 13,7 tỉ đô la Mỹ và chính thức xác lập quyền sở hữu đối với chuỗi cửa hàng này với tư cách là công ty mẹ.
Bằng cách tung ra chương trình giảm giá, Amazon đang viết lại luật chơi trong ngành bán lẻ thực phẩm.
Trong khi Amazon chưa thực sự cần thu lợi nhuận từ chuỗi cửa hàng thực phẩm Whole Foods thì doanh thu thực phẩm lại đóng vai trò quan trọng đối với các đối thủ truyền thống chẳng hạn như chuỗi siêu thị Wal-Mart hay chuỗi siêu thị Kroger.
Mảng kinh doanh bán lẻ thực phẩm mang tính cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi phải có những khoản vốn đầu tư lớn để chỉ thu về các mức biên lợi nhuận thấp. Thành công của tập đoàn bán lẻ thực phẩm chủ yếu là nhờ lôi kéo lượng lớn khách hàng đến các cửa hàng và siêu thị nằm ở các vị trí thuận lợi của họ bằng cách đưa ra những mức giá bán rẻ.
Bằng cách giảm giá hàng loạt mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở chuỗi cửa hàng Whole Foods, Amazon đang phát đi thông điệp tập đoàn này sẽ cạnh tranh quyết liệt để giành được lưu lượng khách hàng lớn.
Các cựu lãnh đạo Amazon cho rằng dù Amazon thua lỗ nhưng tập đoàn này hy vọng chiến lược giảm giá có thể thu hút khách hàng đến các cửa hàng của Whole Foods, giành được sự trung thành của họ và cuối cùng khiến họ phải chi tiêu mua sắm nhiều hơn. “Amazon đang sử dụng đúng chiến lược mà họ luôn sử dụng trước đây khi cạnh tranh với các cửa hàng bán sách và các nhà bán lẻ khác. Amazon làm tiêu hao nguồn doanh thu của đối thủ bằng cách giảm giá bán để tiêu diệt họ dần dần”, Chris McCabe, cựu chuyên gia thẩm tra thực thi chính sách và đánh giá hiệu quả hoạt động của Amazon, nhận định.
Áp lực đè nặng lên các đối thủ
![]() |
Amazon giảm giá hơn 300 mặt hàng ở chuỗi cửa hàng Whole Foods, trong đó, có nhiều mặt hàng giảm giá hơn 30%. Ảnh: CNBC |
Thương vụ Amazon thâu tóm Whole Foods đã làm dấy lên làn sóng lo ngại trong ngành kinh doanh thực phẩm, khiến giá cổ phiếu của các công ty bán lẻ thực phẩm giảm 20% trong năm nay. Chỉ trong vòng bốn ngày kể từ khi Amazon thông báo kế hoạch giảm giá ở chuỗi cửa hàng Whole Foods cho đến khi thực hiện kế hoạch, vốn hóa thị trường của sáu tập đoàn bán lẻ thực phẩm lớn ở Mỹ bao gồm Wal-Mart, Kroger, Target, Sprouts, Costco, Supervalu đã bốc hơi tổng cộng gần 12 tỉ đô la Mỹ.
Wal-Mart vẫn tự tin vào chiến lược của mình và đang chi hàng tỉ đô la để giảm giá bán nhiều mặt hàng, Randy Hargrove, người phát ngôn của Wal-Mart nói. Tập đoàn bán lẻ này đang tu bổ các siêu thị và cung cấp dịch vụ nhận hàng đối với các đơn hàng đặt mua trên mạng ở 1.100 trong số gần 4.600 siêu thị của Wal-Mart.
Trong quá khứ, Wal-Mart từng ứng biến nhanh chóng để đối phó các thách thức đến từ Amazon. Gần đây, Wal-Mart đã mua lại hàng loạt công ty khởi nghiệp bao gồm công ty thương mại điện tử Jet.com với giá 3,3 tỉ đô la Mỹ và đang thử nghiệm dịch vụ giao hàng trong ngày. “Amazon hoạt động thực sự hiệu quả. Chúng tôi chắc chắc phải dành sự tôn trọng đối với họ và chúng tôi có kinh nghiệm cạnh tranh với Whole Foods”, Steve Schmitt, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ đầu tư của Wal-Mart, nói trong cuộc trò chuyện với các cổ đông vào hồi đầu tháng 8.
Trước đó, các lãnh đạo của Kroger, chuỗi siêu thị truyền thống lớn nhất nước Mỹ, cho biết họ sẽ không thay đổi chiến lược sau khi Amazon tấn công vào mảng kinh doanh thực phẩm. Song giờ đây, họ đang đứng trước các đòi hỏi cấp thiết đó là mở rộng điểm nhận hàng đặt mua trực tuyến và đầu tư công nghệ để thiết kế tốt hơn các chương trình khuyến mãi đến người mua sắm.
Vốn hóa thị trường của Kroger đã bốc hơi 7 tỉ đô la Mỹ kể từ khi chuỗi siêu thị này công bố triển vọng tài chính ảm đạm vào tháng 6-2017. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Kroger đã giảm 36%.
Tin tức về thương vụ Amazon thâu tóm Whole Foods cũng gây tổn thương cho giá cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Target.
Amazon tập trung vào tầm nhìn dài hạn khi tấn công vào mảng kinh doanh thực phẩm với cam kết đưa ra những khoản đầu tư mạnh mẽ để xác lập ngôi vị thống lĩnh thị trường.
Cải thiện cảm nhận của khách mua sắm
Trong mắt người tiêu dùng, thương hiệu Whole Foods đồng nghĩa với giá đắt. Dù kế hoạch kinh doanh thực phẩm của Amazon chưa rõ ràng nhưng bước đi đầu tiên của tập đoàn này là lôi kéo khách hàng vào chuỗi cửa hàng Whole Foods bằng cách rũ bỏ cảm nhận này thông qua chiến thuật giảm giá và cung cấp thêm các ưu đãi khác cho khách hàng.
Theo cuộc khảo sát 2.900 khách hàng mua sắm thực phẩm do Ngân hàng Morgan Stanley thực hiện vào tháng trước, Whole Foods là một trong chuỗi cửa hàng thực phẩm nhận được các cảm nhận giá bán ở mức tệ nhất trong số 13 nhà bán lẻ thực phẩm có quy mô toàn quốc vì Whole Foods thường đưa ra các mức giá bán cao cho các thực phẩm được sản xuất bằng phương thức hữu cơ và tự nhiên.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy đa số khách hàng của Whole Foods có mức thu nhập trên 125.000 đô la Mỹ/năm, cao gấp đôi mức thu nhập của các khách hàng mua sắm ở chuỗi siêu thị Kroger.
Whole Foods bắt đầu giảm giá bán vào năm 2015 khi doanh thu sụt giảm nhưng các chương trình khuyến mãi ít mang lại hiệu quả. Lượng khách hàng của chuỗi cửa hàng này không cải thiện rõ rệt vì các mức giảm giá chưa đủ lớn và hấp dẫn như chương trình giảm giá vừa tung ra vào ngày 28-8. Tuy vậy, người Mỹ vẫn muốn ăn những thực phẩm có chất lượng tốt hơn và thương hiệu Whole Foods vẫn được xem là biểu tượng của chất lượng.
Theo chuyên gia ngành bán lẻ Greg Portell ở Công ty tư vấn quản lý A.T. Kearney, giảm giá bán là động thái đầu tiên và dễ dàng nhưng điều quan trọng hơn là liệu Amazon có thể tìm ra được cách sử dụng dữ liệu và các thuật toán để đưa ra các mức giá bán thực phẩm hơn các đối thủ khác cũng như xác định tốt hơn những mặt hàng mà khách hàng muốn mua.
Nếu Amazon có thể xác định được khách hàng của Whole Foods sẵn sàng mua cà chua hữu cơ và thịt bò từ các chú bò được nuôi bằng cỏ, tập đoàn này có thể lôi kéo khách mua sắm ghé các cửa hàng của Whole Foods thường xuyên hơn.
(Theo TBKTSG Online)