Xoay xở xử lý đơn hàng
Bốn máy tính bảng của các công ty giao đồ ăn khác nhau nằm chen chúc trên quầy thu nhân ở nhà hàng Proposition Chicken tại San Francisco, bang California, Mỹ. Mỗi máy tính bảng sẽ phát ra tiếng chuông riêng khi có đơn hàng gọi món.
Khi có tiếng chuông vang lên, nhân viên thu ngân sẽ xem nó phát ra từ máy tính bảng nào, rồi sau đó, đánh lại lệnh đặt mua đó vào hệ thống đặt lệnh mua của nhà hàng để yêu cầu nhà bếp bắt đầu chế biến món ăn.
“Không khí rất khẩn trương. Mọi người cần được huấn luyện và thạo việc để xử lý các lệnh đặt mua đồ ăn đến từ các máy tính bảng iPad khác nhau, từ các thực khách đang xếp hàng và từ tiếng chuông điện thoại”, ông Maxwell Cohen, chủ nhà hàng Proposition Chicken, nói.
Nhà hàng Presidio Pizza Company ở San Francisco, bang California cũng trong tình cảnh tương tự khi có đến 5 máy tính bảng của các công ty giao đồ ăn đặt trên quầy thu ngân của nhà hàng.
Việc xoay xở xử lý đơn hàng ở nhà hàng của Cohen phản ánh một thách thức đối với ngành giao đồ ăn đang phát triển nở rộ với những tên tuổi như Grubhub, UberEATS (thuộc công ty công nghệ Uber) và DoorDash. Trong khi thực khách có thể tìm và đặt món ăn chỉ bằng một cú nhấp chuột, công nghệ giao đồ ăn có thể làm rối rắm công việc bên trong các nhà hàng.
Ngành giao đồ ăn theo yêu cầu đã phát triển bùng nổ ở Mỹ trong những năm qua với gần 40 start-up nhận được những khoản vốn đầu tư ban đầu kể từ năm 2011, theo Công ty phân tích dữ liệu CB Insights.
Tính từ đầu năm đến tháng 6-2017, các nhà hàng ở Mỹ đã kiếm được doanh thu trị giá 16,5 tỉ đô la Mỹ nhờ kênh bán hàng thông qua các công ty giao đồ ăn.
Ngưng hợp tác vì chi phí cao
Ông Cohen rất thích khoản doanh thu phụ từ các công ty giao đồ ăn, đang chiếm 10-15% tổng doanh thu của chuỗi nhà hàng của ông. Tuy nhiên, ông sẽ không nhận đơn hàng từ các công ty giao đồ ăn nữa khi mở một nhà hàng mới ở thành phố Oakland, bang California. Lý do là các lệnh gọi món ăn của thực khách ngay tại nhà hàng mang lại lợi nhuận cao hơn và cũng giúp nhà hàng ít “đau đầu” hơn vì thông thường, nhà hàng phải trích hoa hồng 10-30% giá trị đơn hàng mua đồ ăn cho các công ty giao đồ ăn và phải tuyển thêm nhân sự để xử lý các đơn hàng này.
Brian Reccow, một đối tác của nhà hàng Presidio Pizza Company ở San Francisco, cho biết ông sẽ dẹp bỏ các máy tính bảng của các công ty giao đồ ăn trên quầy thu ngân của nhà hàng. Mặc dù doanh thu tăng nhờ các đơn hàng từ các công ty giao đồ ăn nhưng chi phí cũng tăng theo nên lợi nhuận không cải thiện đáng kể, ngoại trừ việc nhà hàng được quảng bá tốt hơn.
Theo phân tích của Reuters, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót 2,5 tỉ đô la Mỹ vào các công ty giao đồ ăn theo yêu cầu ở Mỹ vào năm ngoái. Tuy nhiên, sự hăng hái của các nhà đầu tư đang suy giảm và thị trường giao đồ ăn theo yêu cầu tiếp tục siết chặt khi các đấu thủ nhỏ bị thâu tóm hoặc phải đóng cửa, theo Công ty CB Insights.
Gửi đơn hàng đến thẳng nhà hàng
Brook Porter, một đối tác ở quỹ đầu tư mạo hiểm G2VP ở Thung lũng Silicon, cho biết các công ty giao đồ ăn nên tập trung vào một loại đồ ăn nào đó hoặc một phân khúc nào đó của thị trường để nổi bật lên so các công ty khác. “Hoặc bạn cần phải có một số ưu thế quan trọng về công nghệ, cho phép cắt giảm chi phí hoạt động và giao đồ ăn”, Porter nói.
Trong quí 4-2016, công ty giao đồ ăn nhanh Grubhub và công ty con của nó Seamless chiếm hơn 50% tổng doanh thu của các công ty giao đồ ăn hàng đầu ở Mỹ, theo Công ty phân tích thị trường 1010data. Xếp ở các vị trí tiếp theo là Eat24, UberEATS và DoorDash.
Stan Chia, Giám đốc điều hành của Grubhub, cho biết trong tương lai, các đơn hàng đặt mua của các công ty giao đồ ăn sẽ được thẳng đến các máy tính của nhà hàng, thay vì thông qua các máy tính bảng của họ đặt ở nhà hàng.
NCR Corp, một nhà cung cấp phần mềm bán hàng mà các nhà hàng sử dụng để xử lý các đơn hàng, gần đây đã thông báo các thỏa thuận hợp tác với Grubhub và Doordash.
Đó là một quy trình tự động chính xác như những gì Charles Bililies, chủ nhà hàng Souvla ở San Fracisco cần. Ông hợp tác với với một công ty giao đồ ăn duy nhất, đó là Square Inc's Caviar, đối tác đã mang lại 25% doanh thu cho nhà hàng và gửi các đơn đặt hàng thẳng đến nhà bếp của nhà hàng. “Trước đây, chúng tôi thực sự hợp tác với nhiều nền tảng trực tuyến giao đồ ăn cùng lúc và đối với chúng tôi, điều này chỉ khiến công việc quá tải”, ông nói.
(Theo TBKTSG Online)