Bản báo cáo ‘2017 Top 500 Analysis Report’ của hãng nghiên cứu thị trường Internet Retailer cho biết trong số 500 công ty bán hàng lớn nhất trên mạng chỉ có ba là chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, so với con số năm công ty của năm 2016. Giá trị của những đồng tiền ảo có khuynh hướng mỗi ngày một cao và lên xuống thất thường làm cho loại tiền kỹ thuật số này khó lòng xâm nhập được vào thị trường bán lẻ cũng như được phổ biến trong các loại hình dịch vụ. Trên thực tế, tiền ảo đang trở thành một thứ tài sản để đầu tư với nhiều sự may rủi, một thứ để dự trữ chứ không phải là một loại tiền tệ để thanh toán. Nhưng xem ra châu Á, bắt đầu từ Nhật Bản, đang làm cho đồng bitcoin trở nên phổ biến, không chỉ trên môi trường mạng mà cả nơi các cửa hàng bách hóa.
Sàn giao dịch trở thành nhân tố quyết định
Trang thông tin Bitcoin.com cho biết chuỗi cửa hàng truyền thống Marui nổi tiếng ở Nhật Bản bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng bitcoin kể từ ngày 7-8. Marui, được thành lập từ năm 1931 và nay gồm 31 cửa hàng thời trang cao cấp, được Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) xếp vào nhóm bảy công ty bán hàng hấp dẫn nhất. Vì thế, việc công ty này chấp nhận thanh toán bằng bitcoin là một bước tiến đáng kể nơi đất nước hoa anh đào. Marui là chuỗi cửa hàng lớn tại Tokyo và các thành phố khác, thu hút rất nhiều người trẻ trong lứa tuổi từ 20 đến 35 đến mua sắm. Tập đoàn thời trang này cho biết họ đang hợp tác với sàn giao dịch bitcoin lớn nhất Nhật Bản – BitFlyer – để bắt đầu giai đoạn thử nghiệm sử dụng bitcoin từ ngày 7-8 đến ngày 31-10 tại cửa hàng Shinjuku Marui Annex.
Thực ra bitcoin đã trở nên quan trọng tại Nhật Bản ngay khi các nhà làm luật cho biết sẽ biến nó thành một thứ tiền tệ hợp pháp thay vì chỉ là một nguồn dự trữ trước đây. Nhật Bản là thị trường kinh tế lớn thứ nhì châu Á, và khi các nhà kinh doanh sẵn sàng sử dụng đồng tiền ảo như một thứ tiền tệ phổ thông thì những đồng bitcoin trở thành thứ để giao dịch. Theo Nikkei Asia Review, hai tập đoàn bán lẻ lớn tại đây là Bic Camera và Recruit Lifestyle sẽ chấp nhận thanh toán bằng bitcoin nơi các cửa hàng của họ. Người mua đến cửa hàng của Bic Camera có thể thanh toán bằng bitcoin cho các món hàng có giá trị lên đến 100.000 yen Nhật, vào khoảng 900 đô la Mỹ và sẽ nhận được điểm thưởng. Còn Recruit Lifestyle thì liên kết với thị trường chứng khoán Coincheck để cung cấp bitcoin cho tất cả các cửa hàng của công ty thông qua phần mềm ứng dụng thanh toán tại điểm bán hàng (POS) mang tên AirRegi.
Cơ hội đang đến với hai sàn giao dịch bitcoin lớn nhất của Nhật Bản là BitFlyer và Coincheck. Trong khi Bic Camera hợp tác với BitFlyer để bắt đầu thử nghiệm tại cửa hàng nổi tiếng trong quận Yurakucho ở Tokyo và tại cửa hàng Uniqlo ở khu Shinjuku thì Coincheck hỗ trợ cho Recruit Lifestyle thông qua ứng dụng AirRegi. Người ta thấy rằng chính các sàn giao dịch có ý nghĩa đặc biệt trong việc khởi động và mở rộng việc thanh toán bằng bitcoin trong thị trường bán lẻ ở Nhật Bản. Theo trang tin Btcmanager.com, vào tháng 4 năm nay, ở đất nước mặt trời mọc này đã có khoảng 4.500 cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. Nhưng với việc đưa bitcoin vào phần mềm ứng dụng AirRegi vốn đang được sử dụng tại hơn 260.000 cửa hàng trên toàn quốc thì việc phát triển hệ thống thanh toán bằng tiền kỹ thuật số sẽ có những bước tiến nhanh chóng.
Luật lệ đang cố bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng
Trang Bitcoin.com cho biết tháng 7 là thời điểm luật thuế sửa đổi có hiệu lực tại Nhật Bản, theo đó người sử dụng tiền ảo bitcoin không còn bị đánh thuế tiêu thụ 8% cho việc sử dụng đồng tiền này khi mua hàng nữa. Từ ngày 1-7, Úc cũng chấm dứt việc đánh thuế hai lần trên những đồng bitcoin. Một môi trường mới cho đồng tiền kỹ thuật số đang mở ra ở phương Đông, và với việc chấm dứt đánh thuế việc hoán đổi giữa loại tiền ngân hàng và tiền kỹ thuật số làm cho mặt bằng thị trường tiền ảo giữa phương Đông và phương Tây ngang bằng với nhau vào cùng một thời điểm, điều này có nghĩa là người Nhật hay người Úc đều có thể tiếp cận với thị trường tiền ảo toàn cầu mà không phải chịu thêm khoản thuế nào. Trên thực tế, bước đi quyết đoán của những nhà làm luật tại hai quốc gia kể trên tạo nên sự háo hức nơi người thích sử dụng đồng tiền ảo, cho việc cả thanh toán lẫn dự trữ.
Việc cả hai nền kinh tế quan trọng Nhật Bản và Úc cùng bãi bỏ thuế tiêu thụ bitcoin cho thấy có sự cạnh tranh trong việc thu hút bitcoin vào nền kinh tế của họ, thông qua sự xâm nhập vào thị trường bán lẻ vốn đang dị ứng với tiền ảo.
Giám đốc điều hành BitFlyer, ông Yuzo Kano, nói việc xóa bỏ thuế sử dụng tiền ảo ở Nhật Bản mang đến những tác động tích cực. Trước mắt, người tiêu dùng không cần phải dự trữ những đồng bitcoin đắt đỏ nữa, và có thể sử dụng chúng để mua hàng hóa từ nước ngoài mà không sợ sự chênh lệch giá. Thứ hai, người sử dụng không còn tâm lý e ngại về sự phân biệt đối xử giữa tiền thật do ngân hàng phát hành và tiền ảo như bitcoin. Và thứ ba là thúc đẩy việc hoán đổi ngoại tệ giữa các nguồn kiều hối, mang đến cho nước Nhật một nguồn dự trữ bitcoin vốn mỗi ngày một tăng giá. Trong khi Recruit Lifestyle chấp nhận bitcoin qua ứng dụng thanh toán AirRegi của Coincheck thì với các cửa hàng của Marui, ban đầu chỉ có ví tiền ảo của BitFlyer được chấp nhận. Khách của Marui sẽ sử dụng điện thoại thông minh của họ để quét mã QR trên máy tính bảng tại các điểm bán hàng, và đây cũng là phương thức đã được BitFlyer áp dụng cho các cửa hàng của Bic Camera.
Biến trào lưu thành hệ sinh thái bitcoin
Ngay sau khi luật thuế mới của Nhật có hiệu lực từ ngày 1-7, Recruit Lifestyle cũng chính thức công bố cửa hàng của họ bắt đầu sử dụng bitcoin kể từ ngày 3-7, cùng với đó là hơn 260.000 cửa hàng thuộc các công ty khác nhau bao gồm các cơ sở thương mại, công ty thực phẩm và các hiệu thuốc. Một bầu không khí sôi động bắt đầu lan ra với những đồng tiền kỹ thuật số, và lần này chuỗi cửa hàng bán mắt kính Megane Super đi tiên phong với việc chấp nhận việc mua hàng bằng bitcoin tại 334 hiệu kính của họ từ ngày 10-7. Người ta hy vọng những du khách đến từ châu Âu và Mỹ sẽ là những người sử dụng bitcoin sớm nhất ở Nhật Bản, tiếp đó là du khách Trung Quốc nơi các cửa hàng chấp nhận sử dụng Alipay và Line Pay qua ứng dụng AirRegi.
Sự nôn nóng với bitcoin của người Nhật và những du khách đến xứ sở của các võ sĩ đạo có thể sẽ tạo một hệ sinh thái mới cho những đồng tiền ảo đi vào thị trường bán lẻ, nhưng cũng có thể là một hiện tượng cần phải được điều chỉnh nhiều lần bởi một hành lang pháp luật hoàn thiện trước khi nó trở thành một hệ sinh thái thực thụ. James Faucette, nhà phân tích về phương tiện thanh toán tại Ngân hàng Morgan Stanley, trong bài viết trên Bloomberg cho biết những sự trở ngại chính đối với việc chấp nhận bitcoin vẫn còn đó, bao gồm cả những vấn đề về quy mô và giá trị. Hai yếu tố liên quan đến quy mô là giá sử dụng và thời gian thực hiện một giao dịch. Người Nhật đã chọn cách rút ngắn thời gian với sự tham gia của sàn chứng khoán làm bảo chứng cho các giao dịch bitcoin. Cuối cùng, vấn đề giá trị, tức mệnh giá lên xuống thất thường với biên độ lớn của một đơn vị bitcoin, cho đến nay vẫn là điều nan giải.
Trên các kênh thông tin, giá trị của bitcoin được cập nhật hằng ngày, hằng giờ với đơn vị quy đổi là đô la Mỹ hoặc một thứ tiền tệ thật khác. Với các nhà đầu cơ đồng tiền ảo thì đây là cơ hội. Nhưng đối với ngành bán lẻ cũng như việc sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán, thì đây thực sự là việc làm người ta đổ mồ hôi vì hồi hộp.
(Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn)