PDD làm cách mạng thương mại điện tử

Ý tưởng mang những bạn bè của nhau trở thành những người mua chung một hay nhiều sản phẩm nào đó là cách mà PDD đang thực hiện để tấn công mạnh mẽ vào nền tảng thương mại điện tử.

Kết hợp thương mại và trải nghiệm

Thông thường người mua sắm biết họ muốn gì trước khi lên mạng để tìm kiếm. Một người có thể lên website của Amazon hoặc Alibaba, gõ vào một từ khóa rồi sau đó chọn ra sản phẩm họ muốn sau khi liếc qua vài lựa chọn hoặc đánh giá trên website. Nhưng ý tưởng của Colin Huang, nguyên là một kỹ sư ở Google lại là cho người mua sắm có trải nghiệm giống như một ngày shopping ở trung tâm thương mại cùng bạn bè. Bạn chia sẻ ý tưởng của mình về cái bạn thích, nhận được phản hồi từ những người bạn tin tưởng, thậm chí có thể tán gẫu một chút. Sau đó, nếu bạn và bạn của mình mua hàng chung với nhau thì sẽ được giảm giá. Đó là hình thức kết hợp giữa Facebook và Groupon mà Huang đang thực hiện thông qua start-up tham vọng nhất của mình – Pinduoduo (PDD). Anh tin rằng, PDD sẽ cách mạng hóa được ngành thương mại điện tử. Có vẻ như nhà đầu tư cũng tin vào điều này khi  PDD vừa huy động được hơn 100 triệu USD. Theo những người thân cận với vụ việc, định giá start-up này ở mức hơn 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) chưa đầy 2 năm sau khi thành lập.

Cái gọi là thương mại xã hội là một ý tưởng đã được thử nghiệm qua tại Mỹ, nhưng không thành công. Có thời cả Twitter lẫn Facebook đã mang cả nút “BUY” (Mua) lên các mẩu quảng cáo xuất hiện trong newsfeed của người dùng. Facebook thậm chí từng cho ra đời 1 loại tiền tệ gọi là Facebook Credits. Các cuộc thử nghiệm này đã phải ngưng lại, vì hầu hết người dùng không muốn bị “mồi chài” mua hàng trong khi đang tán gẫu với bạn bè trên mạng.

Nhưng Huang thì khác. Anh đã khôn khéo cài ứng dụng của mình vào dịch vụ nhắn tin phổ biến của Trung Quốc là WeChat, được sử dụng cho mọi thứ từ mạng xã hội đến thanh toán di động. Để thu hút nhiều người sử dụng hơn, Huang đã dựa vào trải nghiệm trước đó từ một ứng dụng game rất thành công để làm cho PDD trở thành một ứng dụng sử dụng đầy hứng thú.

“Một vài công ty đã thử trước đó, nhưng không ai thực sự làm được điều này. Chúng tôi cảm thấy mình có được một lợi thế cạnh tranh”, Huang nói.

Cơ hội từ những gã khổng lồ “mù lòa”

Sau đó, Huang đã nảy ra ý tưởng về PDD một phần nhờ vào 2 công ty internet hàng đầu Trung Quốc là Tập đoàn Thương mại điện tử Alibaba và Tencent- một công ty thống lĩnh thị trường game và cũng là chủ sở hữu WeChat. Cả hai đều là những người chơi lớn, tăng trưởng nhanh và rất thành công, nhưng chưa ai có thể thâm nhập được vào lĩnh vực kinh doanh của đối phương. “Hai công ty này không hiểu nhau. Họ thực sự không hiểu cách thức người kia kiếm tiền như thế nào”.

Nhưng Huang và các cộng sự hiểu được. Họ tin rằng có cơ hội khổng lồ trong việc đưa cả hai thế giới này hòa nhập lại với nhau. Huang đã huy động được 8 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư đứng đầu bởi Banyan vào tháng 5/2015 và đã ra mắt ứng dụng PDD chỉ vài tháng sau đó.

Cho đến nay, nhu cầu đã bùng nổ và PDD đã chuyển sang các văn phòng rộng rãi ở Thượng Hải để có thể có đủ chỗ cho số nhân viên mà Huang dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên, tới 1.000 người. PDD giờ là công ty thương mại điện tử tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc xét về lượng bán ra.

Hầu hết mọi người sử dụng ứng dụng PDD trong WeChat. Ứng dụng tạo cảm giác như một trò chơi vì có hình ảnh rất đặc sắc và những vụ mặc cả giao dịch. Các vụ giao dịch thay đổi mỗi ngày và khi bạn xem qua một chủng loại hàng nào đó, giá được giảm được hiển thị ở dưới hình ảnh. Để được giảm giá, bạn phải tìm một người bạn cùng mua chung với mình. Vì bạn đã ở trên WeChat, bạn có thể ngay tức thì rủ bạn bè cùng mua. Cách làm này đã thu hút nhiều người sử dụng.

PDD đã huy động khoảng 100 triệu USD trong năm 2016, mang lại cho công ty các nguồn lực để thu hút ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh sản phẩm và các khách hàng. Tổng giá trị hàng hóa bán trên nền tảng PDD đã tăng từ 100 triệu nhân dân tệ mỗi tháng vào đầu năm 2016 lên tới 4 tỷ nhân dân tệ mỗi ngày hiện nay, Huang cho biết. Con số này đã đưa PDD chỉ đứng sau Vishop Holdings Ltd., một công ty thương mại điện tử lớn thứ ba chỉ sau Alibaba Group Holding và JP.com Inc.

Blue Moon, một trong những nhà sản xuất bột giặt lớn nhất tại Trung Quốc, cho biết, doanh số bán đã tăng mạnh trên PDD kể từ khi hợp tác với ứng dụng này trong tháng 9 vừa qua. PDD giờ mang lại 10% doanh số bán trực tuyến của công ty, tương đương với doanh số bán của họ trên JD.com. Xu Hongyuan, một nhà điều hành tại Blue Moon, dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 15% vào cuối năm nay.

Dù vậy, PDD cũng tạo ra nhiều lời than phiền hơn trên website của Trung tâm Nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc hơn cả Taobao của Alibaba và Tmall cộng lại.

Huang cho biết, công ty đang nỗ lực giải quyết những than phiền này, một trong số đó là vấn đề về hàng giả. Hiện tại, những người hậu thuẫn cho PDD vẫn một lòng trung thành với công ty. Tỷ phú Duan Yongping, nhà sáng lập các hãng sản xuất smartphone Oppo và Vivo biết Huang ngay khi anh bắt đầu làm việc cho Google ở California và cả hai vẫn rất thân thiết với nhau. Duan cho biết, ông ủng hộ PDD và các dự án khác của Huang vì Huang hiểu được tầm quan trọng của khách hàng.

Betty Wang, một giám đốc tại Advantech Capital đã tìm hiểu hơn 20 start-up trước khi chú ý đến PDD. Sau đó cô thử dùng PDD với tư cách là người tiêu dùng, mời các bạn bè trên WeChat cùng mua với cô khi cô muốn mua một hộp kiwi. 5 người đã cùng mua chung và tất cả đều được giảm giá. “Sử dụng WeChat đúng là một phương pháp thông minh để tiếp cận người tiêu dùng”, cô nói.

(Theo Doanh nhân/ Bloomberg)

Tin khác