Cuộc đua dịch vụ giao nhận trong thế giới trực tuyến

Trong cuộc trao đổi với báo giới nhân sự kiện khai trương dịch vụ mới, ông Thomas Harris, Giám đốc điều hành của DHL eCommerce Việt Nam, bày tỏ niềm hy vọng rằng dịch vụ của hãng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nhỏ và vừa gia tăng thị phần trong phân khúc thương mại điện tử Việt Nam.
Trên thực tế, trong vòng ba năm gần đây, không chỉ có các công ty khởi nghiệp công nghệ mà cả những tập đoàn lớn đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần trong mảng giao hàng nhanh cho lĩnh vực thương mại điện tử.

Mảnh đất tiềm năng cho việc khởi nghiệp

Tháng 11-2015, ShipS cho ra mắt dịch vụ giao nhận ở Hà Nội, một tháng sau đó, công ty có hơn 1.000 thành viên và hơn 200 cửa hàng kinh doanh tham gia vào mạng lưới. Nguyễn Tuấn Minh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của ShipS, đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh (Business Intelligence) của trường Đại học La Vallée (Pháp) và từng làm việc ở một loạt công ty công nghệ trong nước như VC Corp., FPT, Viettel… Tiền đề để Nguyễn Tuấn Minh khởi sự ShipS là nỗi băn khoăn về giải pháp giúp người mua nhận hàng và chủ cửa hàng nhận tiền trong cùng một ngày. Quy trình giao nhận phổ biến là chủ cửa hàng chuyển hàng hóa cho nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển. Hàng sẽ được giao cho khách trong vòng một ngày (24 giờ) ở nội thành và lâu hơn nếu khách hàng ở các tỉnh khác. Trong khoảng một hoặc hai tuần, chủ cửa hàng sẽ nhận được tiền bán hàng từ các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận. Trên thực tế, các chủ cửa hàng luôn muốn nhận tiền bán hàng liền trong ngày theo thói quen của lối kinh doanh truyền thống, nhưng điều này lại không phù hợp trong thế giới thương mại điện tử. Thế nhưng, ShipS đã tạo ra sự thay đổi. Khi có đơn hàng phát sinh, nhân viên giao nhận (shipper) sẽ đến cửa hàng và ứng 100% giá trị đơn hàng cho chủ cửa hàng. Sau đó, họ sẽ giao hàng đến tận tay khách hàng và nhận lại tiền món hàng và phí vận chuyển. Do người chuyển hàng đã ứng tiền cho chủ hàng, nên vô hình trung, họ có thái độ chuyên nghiệp khi giao hàng cũng như khi làm việc với khách hàng, vì nếu không, có thể đơn hàng sẽ bị trả về. Đồng thời, họ cũng sẽ làm việc với sự nỗ lực cao để mau thu hồi vốn. Trong chu trình này, ShipS đóng vai trò kết nối người giao hàng và chủ cửa hàng. Thông qua ShipS, chủ cửa hàng sẽ biết được người giao hàng nào ở gần cửa hàng mình, cũng như đánh giá tính chuyên nghiệp của họ. Theo thống kê từ hệ thống của ShipS, tỷ lệ đơn hàng trả về hiện dưới 5% và công ty đang cố gắng giảm tỷ lệ này.

Hiện tại, ShipS vẫn là nhà giao nhận đầu tiên trên thị trường đi theo hướng không chiếm dụng vốn của chủ cửa hàng. Việc chuyển quyền lợi về chủ cửa hàng và các nhân viên giao nhận là yếu tố quan trọng giúp ShipS được chấp nhận và phổ biến khá nhanh. Đến tháng 7-2016, ShipS bắt đầu thu phí 1.000 đồng trên mỗi đơn hàng từ các nhân viên giao nhận. Ông Minh nói, đối với những người làm nghề vận chuyển chuyên nghiệp, đây là mức phí chấp nhận được.

ShipS chỉ là một trong số nhiều dự án khởi nghiệp non trẻ trong lĩnh vực giao hàng ở Việt Nam trong vòng ba năm gần đây, trong đó nổi lên những cái tên như Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Giá Rẻ, AhaMove hay Bagasus…
Không chỉ có doanh nghiệp khởi nghiệp, một số doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng mở rộng nguồn thu ở mảng này. Thị trường giao hàng nhanh, vốn chỉ có khoảng 5-6 công ty tham gia vào năm 2013 nay đã có hơn 50 doanh nghiệp lớn nhỏ.

Cụ thể, VNPost, ViettelPost những năm gần đây đã cung cấp những dịch vụ riêng cho mảng thương mại điện tử. Năm 2014, dựa trên hệ thống hoạt động đến tất cả các phường xã cùng 18.000 bưu tá và nhân viên chuyển phát cấp xã, VNPost đưa ra giải pháp toàn diện cho các cửa hàng trực tuyến, từ quảng cáo, chuyển phát, thu tiền hộ đến hậu mãi.

Một gương mặt khởi nghiệp ngoại là Grab cũng cung cấp dịch vụ giao nhận GrabExpress tại Việt Nam. Dịch vụ của Grab có mức phí giao hàng có tính cạnh tranh với 15.000 đồng cho 2 km đầu và 5.000 đồng cho ki lô mét tiếp theo. Tuy nhiên, GrabExpress không tham gia vào mảng thu tiền hộ COD (Cash-On-Delivery). Còn Lazada, vào tháng 10-2015, đã tách bộ phận giao hàng LazadaExpress ra thành bộ phận riêng với tham vọng đảm nhận việc chuyển phát hàng không chỉ cho Lazada mà còn cho các trang thương mại điện tử khác. Hiện tại, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Alibaba, Lazada càng có thêm nguồn lực để bành trướng dịch vụ giao nhận trên thị trường thương mại điện tử mới nổi như Việt Nam.

Và không thể không kể đến DHL eCommerce Việt Nam với lời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư để giành thị phần tại quốc gia có 100 triệu dân này. Hiện, công ty đã có được 300 nhân viên sau sáu tháng gia nhập thị trường.
DHL cho biết, dịch vụ của hãng sẽ vận chuyển hàng đến các điểm trong khu vực TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành trung tâm trong thời gian 1-2 ngày, kèm theo các dịch vụ như thu tiền hộ, mở hộp kiểm tra (Open-Box-Delivery)…

Và sự cạnh tranh về công nghệ

Ông Charles Brewer, Giám đốc điều hành DHL eCommerce toàn cầu, cho biết hãng đang nghiên cứu phương án giao hàng ngay trong ngày ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với lợi thế công ty đa quốc gia, DHL cũng có kế hoạch vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, tức vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam và giúp doanh nghiệp nội địa chuyển hàng cho khách ở nước ngoài.

Để thực hiện lời cam kết bảo vệ môi trường, công ty bắt đầu dùng xe máy điện để giao hàng nội địa và sẽ tăng cường nhóm xe điện trong thời gian sắp tới. Theo kế hoạch, đến năm 2050, hãng sẽ đưa lượng khí tải do các hoạt động vận chuyển thải ra về mức 0.

Trong khi đó, trên thế giới, nhiều tập đoàn đang bước vào cuộc đua sử dụng máy bay không người lái (drone) cho việc giao hàng. Công ty chuyển phát UPS của Mỹ cho biết đang cân nhắc tăng giá trong tương lai trước các áp lực gia tăng lợi nhuận, đặc biệt từ chi phí giao hàng đến khách hàng thương mại điện tử. UPS đã thực hiện các cuộc thử nghiệm chuyển phát hàng bằng máy bay tự hành tại Lithia, Florida (Mỹ), bước đầu trong việc giao hàng tự động và có chi phí thấp hơn tại vùng sâu, vùng xa của nước Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, UPS vướng phải tình trạng lợi nhuận biên thấp vì sự bùng nổ thương mại điện tử, dẫn đến kết quả thu nhập không được như mong muốn. Các doanh nghiệp về cơ bản gửi nhiều bưu phẩm đến điểm trung chuyển hơn là trực tiếp đến khách hàng cá nhân, khiến cho phí chuyển phát từ các ban này đến từng nhà của khách hàng trở nên đắt đỏ hơn.

Máy bay tự hành có thể là một cách giải quyết sự vướng mắc này. Trong cuộc thử nghiệm của hãng, chiếc máy bay khởi hành từ nóc xe UPS và tự động bay đến đích, thả hàng rồi quay lại xe trong khi tài xế tiếp tục lộ trình giao hàng.

Ngoài ra, UPS cũng đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ khác cho việc  kiểm soát hàng tồn kho, giúp điều tra các máy bay và xe cộ bên trong nhà chứa hàng và kho. Tuy nhiên, tập đoàn này chưa có khung thời gian cụ thể khi nào đưa máy bay không người lái vào sử dụng rộng rãi hơn, một phần vì nhà chức trách liên bang vẫn đang xem xét các quy định có liên quan đến thiết bị này.

Trong khi đó, người khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng đã thực hiện thành công các chuyến giao hàng bằng máy bay không người lái, vốn là một phần của chương trình “Amazon Prime Air”. Theo CEO Jeff Bezos, đây là chương trình có được sự chuẩn bị và đầu tư lớn từ Amazon. Công ty cũng khẳng định rằng trong tương lai gần, các máy bay không người lái của họ sẽ phổ biến như xe tải đi trên đường vậy.

Theo như lời mô tả, Amazon cho biết Prime Air là “một hệ thống giao hàng được xây dựng để chuyển các kiện hàng tới người tiêu dùng trong 30 phút hoặc ít hơn bằng cách sử dụng máy bay không người lái”.
Amazon kỳ vọng rằng Prime Air mang đến tiềm năng lớn cho hãng để cung cấp dịch vụ chuyển phát tới hàng triệu khách hàng với các ưu điểm là tốc độ nhanh hơn, đáng tin cậy hơn và có hiệu quả hơn các hình thức giao hàng truyền thống”.

Được biết, các máy bay trong hệ thống Prime Air đều hoạt động một cách độc lập và tự động dựa trên phần mềm và tọa độ được xác định từ trước. Qua đoạn video giới thiệu về cách thức hoạt động của hệ thống giao hàng, người tiêu dùng cũng có thể thấy rằng không hề có người điều khiển những chiếc máy bay.

Trước cả Amazon lẫn UPS, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cho biết đã thực hiện 77 chuyến giao hàng bằng máy bay tự hành ở bang Nevada (Mỹ) từ tháng 11-2016. Tuy nhiên, đó là nhờ vào sự hợp tác với Flirtey, một công ty chuyên về dịch vụ giao hàng bằng máy bay tự hành, được biết đến thông qua cuộc hợp tác giao pizza cho Domino ở New Zealand và sách ở Úc. Hơn thế nữa, Flirtey còn là dịch vụ giao hàng bằng máy bay tự hành đầu tiên được Cục quản lý hàng không liên bang (Federal Aviation Administration – FAA) cấp giấy phép.

(Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn)

Tin khác