Doanh nghiệp bán lẻ Việt đang bị 'tấn công' dồn dập
Với 1.750 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ khiến DN bán lẻ nội địa đang chịu sự 'tấn công' toàn diện. Chuyên gia nhận định, doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần thiết phải thiết lập được chuỗi giá trị liên kết mới có thể cạnh tranh tốt hơn...
Đây là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo "Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa - Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ" diễn ra tại Hà Nội, ngày 6/10.
Còn lỗ hổng "chết người" để DN ngoại chiếm ưu thế
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện nay Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại (FTA) với hơn 60 quốc gia. Các FTA này, tạo cho Chính phủ Việt Nam tiềm năng phát triển rất rộng lớn để khai thác tất cả các nguồn lực lợi thế trong nước, cũng như thu hút các nguồn lực cần thiết từ bên ngoài.
Điều này, cũng làm cho những không gian chính sách của Việt Nam đang bị thu hẹp lại tùy theo các hiệp định khác nhau, nhưng do Việt Nam tham gia các FTA trong điều kiện là một nước đang phát triển, nên ở mọi hiệp định vẫn có điểm được nhân nhượng hơn so với các nước khác.
Vì vậy, bà Chi Lan cho rằng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng hoặc nghĩ theo chiều cực đoan là khi đã tham gia hội nhập thì Chính phủ sẽ không còn không gian chính sách để chủ động thiết kế những chính sách cần thiết cho các doanh nghiệp và các ngành sản xuất trong nước nữa.
Tuy nhiên, việc mở cửa hội nhập cũng khiến các doanh nghiệp nội địa phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn. Cụ thể với trường hợp của ngành bán lẻ, bà Chi Lan cho rằng, Việt Nam đã mở cửa quá nhanh và quá nhiều cho hệ thống bán lẻ từ bên ngoài vào.
“Tôi thực sự giật mình với con số báo cáo tại hội thảo là 1.750 dự án FDI tại Việt Nam là làm trong lĩnh vực phân phối bán lẻ”, bà Chi Lan nói.
Lấy ví dụ việc quy định với không gian phải quá 50m mới được mở cửa hàng, còn nhỏ hơn thì không được, bà Chi Lan cho rằng đây là lỗ hổng chết người, bởi vì như vậy rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào và có những chuỗi cửa hàng tiện ích rất lớn, thậm chí có những chuỗi lên tới 400 – 500 cửa hàng nhỏ lẻ phát triển ở khắp nơi.
Như vậy, một mặt các siêu thị lớn của doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với các siêu thị lớn của Việt Nam, còn các cửa hàng tiện ích này sẽ cạnh tranh trực tiếp với những chợ truyền thống, doanh nghiệp bán hàng nhỏ, hệ thống phân phối nhỏ trong nước.
“Sự tấn công của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI vào hệ thống phân phối Việt Nam là một sự tấn công vừa dồn dập, mạnh mẽ mà rất toàn diện trải ra khắp đất nước, không chừa một chỗ nào, đấy là điều rất đau”, bà Chi Lan cho biết.
Mặt khác, bà Chi Lan cho rằng việc không kiểm soát nổi nguồn hàng buôn lậu nhất là với các nước gần với Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia…, cũng gây khốn khổ cho người sản xuất lẫn hệ thống tiêu thụ của Việt Nam. Điều này làm rối thêm và mất niềm tin ở người tiêu dùng dẫn đến nghi ngờ các cửa hàng và chợ truyền thống là hàng lởm, hàng lậu nhiều và quay sang các cửa hàng mà họ thấy có uy tín hơn, như vậy lợi thế lại rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần tạo được chuỗi liên kết giá trị
Bà Chi Lan cho rằng, để tận dụng được tốt không gian chính sách, trước hết ngành bán lẻ Việt Nam phải tự thân vận động, tự thiết lập sự liên kết đối với các doanh nghiệp để cùng nhau phân định thị trường. Thực tế, tại Việt Nam các doanh nghiệp bán lẻ vẫn có sự cạnh tranh với nhau lớn hơn là hợp tác. Hầu như không tạo được chuỗi giá trị, sự liên kết bền chặt với người cung cấp. Do đó, làm sao tạo được chuỗi giá trị liên kết là chốt cần thiết nhất cần phải làm hiện nay.
Về chính sách, theo bà Chi Lan thì cần có những chính sách hợp lý ở một số lĩnh vực nhất là ở chính sách đất đai. Đây là rào cản lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì doanh nghiệp trong nước luôn bị thua thiệt so với đầu tư nước ngoài.
“Trong ưu tiên cấp đất chúng ta sẵn sàng cho Metro, Big C hàng ha đất ở những khu đất vàng, đẹp và ngay đô thị với giá thuê dài hạn, giá rẻ, trong khi với các doanh nghiệp Việt Nam gần như câu trả lời là không, mà các doanh nghiệp phải tự thân vận động. Tôi nghĩ đất đai là một trong những vấn đề mà Nhà nước cần quan tâm khi hỗ trợ cho hệ thống siêu thị của Việt Nam”, bà Chi Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành bán lẻ cần có sự chọn lựa về chính sách để tập trung hỗ trợ và vực lên trong thời gian tới, không chỉ vì lợi ích của người bán hàng mà quan trọng hơn là lợi ích của người cung cấp các sản phẩm nội địa vào các chuỗi bán hàng đó.
Mặt khác, theo bà Chi Lan, Nhà nước cũng nên hạn chế đầu tư dàn trải để đầu tư vào hệ thống hạ tầng chung, từ đó phân phối đến được các nơi, kết nối vùng miền với nhau, giữa sản xuất với các nơi phân phối.
“Tôi nghĩ hỗ trợ như thế nào cũng phải chọn lựa, điều quan trọng nhất là phải có sự tham vấn của chính bản thân doanh nghiệp, cả nhà phân phối lẫn nhà sản xuất, giúp cho Nhà nước thiết kế hệ thống chính sách tốt hơn cho ngành bán lẻ Việt Nam”, bà Chi Lan nói./.
Mai Đan
Thời báo Tài chính Việt Nam
Tin khác