"Cá mập" rót tỷ USD khuấy đảo bán lẻ Việt, doanh nghiệp nội sẽ ra sao?


Ngay khi thị trường bán lẻ Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thì các nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt rót vốn vào những dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD khiến cho không ít hãng nội điêu đứng.

Năm 2014, khi thị trường bán lẻ Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thì chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2014, đã có ít nhất 3 tập đoàn lớn nước ngoài tiến quân vào Việt Nam. Đó là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon rót tới 13 tỷ yên và có kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm mua sắm với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Chưa mở cửa đã ồ ạt nhảy vào

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc là Lotte Mart đặt chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 3,2 tỷ USD. Tiếp đến là Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi 655 triệu euro để mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam.

Vào đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác của Thái Lan là Central Group đã công bố mua lại 49% của công ty sở hữu chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim. Tháng 10/2015, Emart – nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã chính thức bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam khi ra mắt Khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại TPHCM.

Đặc biệt vào đầu tháng 5 năm 2016, cũng chính Central Group của Thái Lan lại một lần nữa khuấy động thị trường bán lẻ Việt Nam khi thông báo đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Việt Nam là Big C từ tay các ông chủ người Pháp với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD.

Ngoài ra còn chưa kể đến đó là Simply Mart ra mắt thêm 3 cửa hàng tại Sài Gòn; AuchanSuper – thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng có kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau tại TP HCM và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

Các nhãn hiệu thời trang lớn như Gap, Mango, Topshop đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Và hàng loạt các thương hiệu khác của nước ngoài cũng đang hoàn tất thủ tục tiến quân vào Việt Nam vào đầu năm tới. Điều đáng chú ý là các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu đều thông qua con đường M&A, đang đặt ra nhiều lo ngại các doanh nghiệp có thể bị thâu tóm trên thị trường.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cùng với cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài thì các vụ M&A diễn ra gần đây đã thực sự làm sôi động thị trường. Đây sẽ là xu hướng tiếp diễn trong vòng từ 3 – 5 năm tới do nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vẫn chưa lo bị áp đảo

Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế cho rằng không nên nhìn nhận tiêu cực với hoạt động M&A trên thị trường bán lẻ, song không phủ nhận chuyện một số thương hiệu, bị lấn sân, qua đó lợi nhuận của DN Việt Nam thay vì ở trong nước thì lại chảy ra nước ngoài.

“Tôi cho rằng, trong tổng thế nếu Chính phủ, Hiệp hội, DN liên kết tốt để chủ động đón nhận thì M&A sẽ tiếp thêm sinh lực phát triển, và ngược lại, chúng ta có thể sẽ mất đi cơ hội, mất đi thị phần” – ông Phong nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng giám đốc Hapro cũng cho rằng trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn với các doanh nghiệp nước ngoài về nhân sự và nguồn tài chính, thương hiệu, thì để phát triển bền vững mỗi DN cần nghiên cứu trước và định hướng riêng.

Đồng quan điểm, ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart, thì cho rằng M&A là bình thường trên thị trường, song gần đây hoạt động này diễn ra nhanh hơn đã gây áp lực cho các DN trong nước. Do đó, Saigon.Co-op đã đẩy nhanh xây dựng chiến lược, mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ để tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo TS. Phong, với làm sóng M&A thì thị trường bán lẻ Việt Nam không còn là sân chơi riêng của doanh nghiệp trong nước mà trở thành “mảnh đất” hấp dẫn “đại gia” bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Điều này làm gia tăng thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ta.

Tuy nhiên, Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) khẳng định các thương vụ M&A vừa qua không tạo nên tập trung kinh tế, thống lĩnh thị trường với bán lẻ. “Tôi khẳng định lần nữa, không phải giao dịch M&A nào cũng bị kiểm soát tập trung kinh tế mà chỉ những giao dịch lớn của doanh nghiệp lớn mới bị vào diện kiểm soát tập trung” – bà Lan nói.

An Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Tin khác