Kinh tế càng khó, người Việt càng "chăm" đi cà phê

Báo cáo Thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPos.vn công bố mới đây cho biết, mặc dù kinh tế khó khăn, chi tiêu cho các dịch vụ F&B lại gia tăng một cách đáng kể.

Khảo sát ngẫu nhiên 3.791 đáp viên tại 63 tỉnh thành, chủ yếu tại các tỉnh thành lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cho kết quả, năm 2023 vừa qua, số lượng thực khách sử dụng dịch vụ ẩm thực bên ngoài khá cao. Cụ thể, có tới 17,1% thực khách ra ngoài ăn hàng ngày. 28,9% thực khách thừa nhận ra ngoài ăn 3-4 lần/tuần, trong khi con số này vào năm 2022 chỉ ghi nhận 17,9%.

Khảo sát cũng chỉ ra, người chưa có gia đình sẽ có tần suất ăn ngoài cao hơn. Theo đó, nhóm độc thân – đang hẹn hò có tần suất ăn hàng ngày lần lượt là 17,5% và 18,7%. Đối với nhóm thực khách đã kết hôn, con số này thấp hơn - khoảng 13,7%.

Đáng chú ý, những khó khăn của các ngành kinh tế không làm cản bước người Việt trong việc mở hầu bao, đi quán cà phê. Năm 2023, tần suất thậm chí còn tăng nhẹ so với năm 2022.

Hầu hết, người Việt sẽ thỉnh thoảng "đi cà phê" (khoảng 1-2 lần/tháng), với 42,6% đáp viên lựa chọn. Số lượng thực khách đi cà phê bên ngoài với tần suất 1-2 lần/tuần tăng cao so với năm 2022, với 30,4% đáp viên lựa chọn (năm 2022 là 22,6%). Hay nói cách khác, cứ 10 người lại có hơn 3 người đi cà phê hằng tuần. 

Trong khi đó, có tới 6,1% đáp viên thừa nhận "đi cà phê" mỗi ngày. Đây là nhóm khách hàng thường xuyên đến cà phê nhằm mục đích gặp gỡ công việc, còn lại là nhóm khách hàng sinh viên và làm việc tự do (freelancer).

Nếu xét theo tình trạng mối quan hệ, những người đang hẹn hò có tần suất đi cà phê nhiều hơn. Theo đó, người đang hẹn hò có tần suất chủ yếu cho việc cà phê là 1-2 lần/tuần. Ngược lại, người độc thân và có gia đình thường chỉ đi cà phê 1-2 lần/tháng.

Không chỉ "chăm" đi cà phê hơn, người Việt cũng chi mạnh tay hơn cho mỗi cốc đồ uống.

Cụ thể, 59,5% đáp viên được hỏi, hay nói cách khác, cứ 10 người Việt lại có 6 người sẵn sàng chi từ 41.000 VND cho 1 lần "đi cà phê" gặp gỡ. So với năm 2022, con số này tiếp tục tăng trưởng (với 58% năm 2022). iPos.vn đánh giá đây là yếu tố bất ngờ trong trong một năm kinh tế khó khăn như 2023.

Theo đó, mức chi tiêu phổ biến nhất vẫn từ 41.000 – 70.000 VN (chiếm khoảng 45,2% tổng số đáp viên). Đây là mức giá phổ biến của các thương hiệu, chuỗi cà phê tầm trung tại Việt Nam như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,... So với năm 2022, số lượng có tăng lên nhưng không đáng kể (chiếm khoảng 44%). 

Đối với việc đi cà phê phân khúc cao cấp (từ 70.000 VND trở lên), con số gần như giữ nguyên, chiếm khoảng 14,3% đáp viên trả lời. Đây là phân khúc có ít "người chơi" hơn, trong đó có Starbucks, % Arabica Vietnam hay các cửa hàng nằm tại vị trí đắc địa như phố cổ Hà Nội. 

Trong khi đó, chi tiêu cho đặt cà phê/ trà sữa mang về có mức chi tiêu thấp hơn. Các đáp viên được yêu cầu trả lời chi phí tính cả chi phí vận chuyển và trừ đi khuyến mãi. Theo đó, chỉ 36,3% đáp viên thường xuyên đặt đồ uống mang về từ 40.000 VND trở lên. Mức giá phổ biến nhất cho việc đặt cà phê/trà sữa mang về là từ 31.000 – 40.000 VND (với 22,6% đáp viên lựa chọn).

Bất ngờ nhất, chỉ khoảng 25% thực khách tại Việt Nam thừa nhận, chưa từng hoặc hiếm khi sử dụng dịch vụ giao cà phê về nhà. Đối với giới tính nam và nữ, con số này tương ứng với 31,7% và 20,6%. Thị phần giao đồ ăn trực tuyến ngày càng tới mốc giới hạn, hứa hẹn là cuộc đua khốc liệt giữa các ông lớn ngành này.

(Theo CafeF)

Tin khác