Hãng điện tử hàng đầu thế giới Samsung Electronics mới đây đã gây xôn xao với kế hoạch xây dựng "nhà máy không người làm" tại Hàn Quốc, dự kiến sẽ tiến hành sớm nhất vào năm 2030. Theo đó, tất cả các quy trình trong "nhà máy trí tuệ nhân tạo" này đều sẽ được tự động hóa và chỉ cần số lượng nhân viên tối thiểu để giám sát các quy trình sản xuất.
Trong khi vẫn cần thêm thời gian để nhà máy không người thành hình thì thực tế ngay tại Việt Nam, robot và các công nghệ tiên tiến cũng đang được áp dụng tại nhiều quy trình, giúp giảm đáng kể nhân sự và chi phí.
Giữa tháng 1/2024, Viettel Post đã đưa 200 robot AGV tự hành vào quy trình chia chọn hàng hoá thay con người. Là công ty logistics đầu tiên tại Việt Nam sử dụng robot tự hành, Viettel Post đã nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng của mình lên 99%, trong khi tỷ lệ sai sót gần như bằng 0. Nhờ tự động hoá, doanh nghiệp này cũng đã giảm được 60% nhân sự.
Trong khi đó, nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng cũng đang sử dụng hàng nghìn robot. Đơn cử như xưởng hàn thân xe được thiết kế và cung ứng dây chuyền bởi các đối tác hàng đầu như FFT, EBZ, HIROTEC, trang bị khoảng 1.200 robot do ABB sản xuất. Khu vực hoàn thiện lốp xe có mức độ tự động hoá đến 95% với máy móc thiết bị hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, được cung cấp bởi nhà cung cấp Hoffmann (Cộng hòa Liên bang Đức).
Nhà máy Pin VinES Hà Tĩnh, chính thức sản xuất thương mại từ tháng 8/2023, cũng có tỷ lệ tự động hoá khá cao, sử dụng hệ thống robot tân tiến, nhờ đó có thể giảm tải được 80% lao động, tăng hiệu suất làm việc lên 200%.
Từ năm 2021, ông chủ Tesla - tỷ phú Elon Musk đã phát triển mẫu robot hình người, đặt tên là Optimus. Robot này được mô tả có kích thước như một người bình thường với chiều cao 173 cm, nặng 57 kg, trang bị màn hình trên mặt để hiển thị thông tin. Nó có thể đạt tốc độ tối đa 8 km/h, mang 20 kg hàng hóa, nhấc vật nặng 68 kg hoặc giữ khối lượng 4,5 kg bằng cánh tay mở rộng. Việc nhận thức thế giới xung quanh sẽ thông qua 8 camera và máy tính Full Self Driving.
Vị tỷ phú còn đưa ra dự đoán rằng tỷ lệ robot hình người tích hợp AI của hãng so với con người "có thể lớn hơn 1:1" trong tương lai. Nói cách khác, số lượng robot có thể nhiều hơn con người.
Trong sự kiện "Ngày hội khoa học công nghệ 2024", ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cũng chia sẻ góc nhìn về robot Optimus: "Nếu như robot ngày xưa phải huấn luyện rất cẩn thận mới có thể làm được việc thì ngày nay, con robot của Elon Musk có khả năng tự học. Nó học được tất cả những gì tốt đẹp chúng ta đang làm, học được luôn sai sót của chúng ta và tự động làm tốt hơn. Nó có thể hoạt động 24h/ngày, 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm. Giá thuê robot chỉ 2,5 USD/h. Nếu xét về lợi thế lao động giá rẻ thì chúng ta không đua được nữa rồi".
Tại một buổi toạ đàm khác, ông Hoàng Nam Tiến nhận định, 4 năm trước, nhiều người cười khẩy khi ông nói về tương lai robot thay thế con người. Tuy nhiên đây là hiện thực đang xảy ra. Những con robot trước kia có giá 400.000 USD, giờ chỉ còn 30.000 USD. Chúng làm việc 24 giờ/ngày, 7 ngày trong tuần mà không cần đi toilet, không đòi tháng lương thứ 13.
Trên thực tế, robot AGV tự hành mà Viettel Post mới đưa vào sử dụng có khả năng hoạt động trong môi trường thiết kế sẵn trong bóng tối, không cần bật điều hòa giúp tiết kiệm điện năng. Còn tỷ phú Musk cũng từng tuyên bố, nếu robot được sản xuất hàng loạt, nó "có thể" trị giá dưới 20.000 USD, tức chỉ khoảng 490 triệu đồng.
Điều này sẽ đẩy nhiều người, cả công nhân và tầng lớp tri thức đứng trước nguy cơ mất việc, bị robot thay thế. Theo ông Tiến, hàng chục nghìn công nhân hiện nay và sắp tới khoảng 2,7 triệu công nhân trong các nhà máy về dệt may, da giày, lắp ráp sẽ mất việc. 2,7 triệu công nhân này trong 5-7 năm tới cần đào tạo lại từ đầu để có công việc mới. Trong khi đó, nhóm người mà ông gọi là "tầng lớp vô dụng" mới, dù được đào tạo bài bản, có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhiều năm kinh nghiệm vẫn có thể bị thay thế. Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chỉ đích danh những công việc, ngành nghề sẽ giảm sút nhanh chóng khoảng 50% trong tương lai, gồm: giáo viên; chăm sóc khách hàng; bác sĩ, dược sĩ; kiểm toán, kế toán; bảo vệ, cảnh sát; chuyên gia.
"Thực sự đây đã là điều ám ảnh với tôi. Hàng triệu người có nghề nghiệp, đào tạo cẩn thận sẽ mất việc. "Tầng lớp vô dụng" này sẽ chịu áp lực trong chính ngôi nhà của mình khi nấu ăn cũng có robot, giặt giũ cũng có robot. Robot làm tất cả mọi việc, kiếm tiền cũng giỏi hơn mình", vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT bày tỏ.