Cạnh tranh bán lẻ hàng hóa: Vẫn có giải pháp... tự cứu
(TBKTSG) - Sau khi người Thái sở hữu Big C Việt Nam, nhiều người lo lắng hàng Việt Nam, nhất là của các nhà sản xuất nhỏ, sẽ không có chỗ đứng ở kênh bán lẻ hiện đại ngay trên sân nhà. Thậm chí, một số hiệp hội ngành nghề đã có đơn kiến nghị Chính phủ có biện pháp bảo vệ tức thời cho doanh nghiệp trong nước.
TBKTSG ghi nhận ý kiến của bà Võ Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Việt (một công ty trẻ); ông Châu Thịnh Lân, Tổng giám đốc Công ty Vianco (tiền thân là Công ty Việt - Ấn chuyên về gia vị, đã thành lập 58 năm) và bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia ở lĩnh vực nhượng quyền và bán lẻ.
Mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: MINH TÂM
TBKTSG: Thị trường Việt Nam hiện nay đã tràn ngập hàng hóa nhập khẩu. Người tiêu dùng hoặc thích hoặc bị buộc dùng hàng nhập vì không có sản phẩm Việt Nam tương tự về giá để thay thế. Vì sao có tình trạng này?
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, phát triển từ nền tảng kinh tế hộ gia đình. Với lợi thế về quan hệ, hiểu biết nhu cầu tiêu dùng và phương thức kinh doanh của người dân địa phương, sự “phất” lên của nhiều doanh nghiệp được xem là sự phát triển tự nhiên, không cần có sự can thiệp nhiều về chiến lược hay kế hoạch. Thước đo phát triển của các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng được tính bằng độ mở ra thị trường mới thông qua hình thức thiết lập kênh phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cả nước. Cũng chính vì mải mê phát triển tự nhiên, hầu hết doanh nghiệp chưa có sự quan tâm xây dựng giá trị cốt lõi và nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đến khi thị trường mở cửa, họ không có đủ năng lực cạnh tranh.
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân tác động. Phải nói là giá thành sản xuất ở Việt Nam khá cao khi hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu; năng suất lao động thấp; dây chuyền sản xuất thủ công, lạc hậu... Chỉ xét riêng yếu tố giá ta đã không cạnh tranh nổi với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.
Trong khi đó, về chất lượng, dịch vụ, “phần nhìn” và sự tiện lợi của bao bì nhãn mác thì lại thua kém hàng của Thái Lan, Hàn Quốc...
Cũng cần phải kể đến tâm lý chuộng hàng ngoại vốn đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm của chúng tôi được đầu tư nghiêm túc vẫn bị xếp sau hàng cùng loại của Hàn Quốc, Nhật Bản. Là người đến sau nên cuộc chiến đấu tìm kiếm khách hàng, tìm kênh bán hàng ở siêu thị, đại lý... để tạo thị phần hết sức khó khăn.
TBKTSG: Có luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân còn do Chính phủ không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như nhà bán lẻ trong nước?
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Chúng tôi thuộc loại doanh nghiệp “siêu siêu nhỏ”, thành thật mà nói, cũng không rõ Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể nào. Tuy nhiên, cái gì cũng từ hai phía. Tôi nghĩ nhiều người đã hiểu nhầm “hỗ trợ” với “bảo hộ” hay “ưu ái” nên doanh nghiệp có tâm lý trông chờ sự bảo hộ mà thiếu sự chủ động chuẩn bị. Cá nhân tôi cho rằng thứ cần nhất cho doanh nghiệp chính là thông tin, như lộ trình mà Chính phủ đi; những hành trang nào doanh nghiệp cần có, cần chuẩn bị; những khó khăn nào mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt...; cùng một khoảng thời gian đủ để doanh nghiệp chuẩn bị trước khi bước vào sân chơi chung.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn quen tư duy ngắn hạn, chỉ tập trung phát triển doanh số và kênh phân phối, thiếu quan tâm đến các vấn đề nền tảng quản trị, thiếu tầm nhìn và mục tiêu dài hạn”.
Bà Nguyễn Phi Vân
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức và doanh nghiệp Việt đang chới với vì thiếu tri thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn quen tư duy ngắn hạn, chỉ tập trung phát triển doanh số và kênh phân phối, thiếu quan tâm đến các vấn đề nền tảng quản trị, thiếu tầm nhìn và mục tiêu dài hạn.
Phía Nhà nước cũng thiếu chiến lược phát triển kinh tế dài hạn và bền vững. Thấy rất rõ là chúng ta thiếu chính sách hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho DNNVV - đối tượng chiếm 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp hơn 40% vào GDP quốc gia.
Trong khi đó, các nước trong khu vực đã bắt đầu trước ta từ rất lâu. Đơn cử dự án hỗ trợ SPRING của Singapore: hơn 10 trung tâm hỗ trợ DNNVV đã được triển khai tại nhiều nơi, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp. Mỗi trung tâm đều có một đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực, từ pháp lý đến tài chính, sáng tạo, công nghệ, phát triển thị trường quốc tế...
TBKTSG: Trong cuộc cạnh tranh hiện nay, đâu là thế lực lớn nhất đang đánh dạt hàng Việt ngay trên sân nhà? Phải chăng đó là hàng Thái với sự hậu thuẫn của các ông tỉ phú đã mua lại các chuỗi Metro, Big C và trước đó đã mua nhiều nhà sản xuất?
- Ông CHÂU THỊNH LÂN: Thế lực cạnh tranh lớn nhất của hàng Việt Nam ở trong nước cũng như trên thế giới không phải là hàng của châu Âu hay Mỹ mà là hàng của Thái Lan, Malaysia... vì có sự tương đồng về nguyên liệu, hương vị. Thực tế, khi muốn mua gia vị nấu bún bò Huế, các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ thường chọn hàng Thái Lan. Người Thái đã rất thông minh, dù hương vị của họ chỉ đạt 7-8 phần so với hương vị gốc nhưng vì họ bán hàng trước nên hương vị đó được xem là chuẩn; hàng Việt đến sau bị nghĩ là... không đúng.
Còn chuyện các ông chủ Thái Lan mua lại các chuỗi siêu thị, đây là một phần trong chiến lược hai đầu của họ. Trước đó, họ đã mua nhiều doanh nghiệp sản xuất rồi. Lúc này, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang bị ép hai phía. Họ có hai sự lựa chọn, một là bán lại; hai là liên kết, sáp nhập để tăng sức mạnh để tồn tại.
Theo tôi, cần phải liên kết, sáp nhập ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn. Có thể sáp nhập toàn bộ hoặc liên kết từng phần trong chuỗi sản xuất, chẳng hạn cùng mua bao bì để gia tăng số lượng, giảm giá mua cũng như tăng sức mạnh đàm phán với nhà cung cấp...
“Chính phủ cần thay đổi quan điểm và chính sách để tập trung vào những ngành phù hợp và là thế mạnh của quốc gia”.
Bà Võ Thị Kim Thanh
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Chúng ta đang có những đối thủ rất gần và cuộc đổ bộ của hàng Thái trong những năm qua là một minh chứng. Ngoài câu chuyện về giá, chất lượng, mẫu mã, một lý do lớn khiến cho hàng Việt thua ngay trên sân nhà đó là người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt. Sau những vụ bê bối về chất lượng không được xử lý nghiêm khắc, các chứng nhận về sản phẩm chất lượng được trao một cách tràn lan và dễ dàng, không đo đạc kiểm chứng thì niềm tin của nhiều người tiêu dùng đang cạn dần... Không những thế, tính cộng đồng của người Việt cũng cần được xem lại. Tại sao hàng Thái đổ bộ mạnh mẽ và thành công như vậy? Đó là do họ biết liên kết với nhau dưới sự đồng hành của Chính phủ Thái Lan.
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Xét riêng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì Thái Lan là thị trường có nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng tương đồng nhất. Người Thái đã nắm bắt cơ hội từ AEC để vươn nhanh và mạnh vào thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia. Việc các đại gia bán lẻ Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam là hệ quả tất yếu của chiến lược định vị và phát triển. Chúng ta không thể trách họ. Ngược lại, chúng ta phải khâm phục họ vì đã có sự chuẩn bị tốt, có chiến lược rõ ràng và sự triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Nếu trách, ta phải tự trách mình vì thiếu tầm nhìn và chiến lược.
TBKTSG: Liệu Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì lúc này để thay đổi cục diện?
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Luôn có một con đường cho mình. Cái gì thuộc về quy luật thì đừng bao giờ có ý tưởng thay đổi nó. Thay đổi cục diện không có nghĩa là phải cố gắng chen chân trong mọi ngành hàng, mặt hàng. Nếu Việt Nam không có thế mạnh sản xuất công nghiệp thì không nên bon chen ở lĩnh vực này. Chúng ta nên tập trung nguồn lực vào thế mạnh của doanh nghiệp, của quốc gia để phát huy.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp; thế mạnh là các sản phẩm nông - lâm - thủy hải sản, nhưng ngành này lại chưa được Chính phủ quan tâm và hỗ trợ nhiều để phát triển. Do đó, Chính phủ cần thay đổi quan điểm và chính sách để tập trung vào những ngành phù hợp và là thế mạnh của quốc gia.
“Việc doanh nghiệp cần làm lúc này là đầu tư cho thương hiệu, ghi dấu ấn vững chắc trong lòng người tiêu dùng để có sức mạnh đàm phán với nhà bán lẻ, buộc họ phải tìm đến mình”.
Ông Châu Thịnh Lân
- Ông CHÂU THỊNH LÂN: Hiện tại, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, xu hướng tất yếu là kênh hiện đại sẽ dần dần chiếm phần lớn hơn. Nhìn vào thực tiễn trên thế giới, số đại gia bán lẻ ở mỗi thị trường đều có thể đếm trên đầu ngón tay, nghĩa là các nhà sản xuất phải chiến đấu để bán được hàng cho mấy nhà thu mua này.
Việc doanh nghiệp cần làm lúc này là đầu tư cho thương hiệu, ghi dấu ấn vững chắc trong lòng người tiêu dùng để có sức mạnh đàm phán với nhà bán lẻ, buộc họ phải tìm đến mình. Hiện tại, chúng tôi đang chấp nhận bán lỗ ở siêu thị để giữ cho tương lai.
DNNVV vốn thiếu chiến lược, thiếu tài chính nên giải pháp là phải liên kết và hợp nhất. Như tôi đã nói, có thể liên kết một phần hoặc sáp nhập. Mục tiêu lớn nhất là có giá thành sản xuất tốt nhất để cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong cùng một ngành phải đoàn kết lại. Lấy ví dụ chuyện đưa hàng vào siêu thị. Nếu các doanh nghiệp cùng đi chung, có một tổ chức đại diện thì sẽ gia tăng được sản lượng, giá trị đơn hàng và tất nhiên sẽ có sức mạnh đàm phán. Nếu đi riêng lẻ thì sẽ thua chắc, bởi siêu thị đang dùng chiêu chia nhỏ để “đánh”.
Mà muốn đoàn kết thì mỗi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy về cái gọi là bí quyết kinh doanh và sản phẩm cần giữ, bởi những thứ tưởng là bí mật này có khi lại không có giá trị. Các ông chủ cũng hãy thôi sĩ diện về việc mình phải là người chủ, hãy chấp nhận là một trong những ông chủ khi hợp tác để đạt được mục tiêu lớn hơn là giữ thương hiệu sản phẩm, phát triển ngành hàng của quốc gia. Những thỏa ước ngành chính là công cụ pháp lý ràng buộc để phân xử, bảo vệ quyền lợi từng doanh nghiệp nếu có những vi phạm, rắc rối xảy ra.
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Theo tôi, “thời cơ vàng” đã qua để có thể làm những điều bài bản, nhưng chưa quá muộn. Rất may là thế giới đang trải qua thời đại của thông tin, thời đại mà tập đoàn bán lẻ giá trị nhất trên thế giới không sở hữu một kho hàng hóa nào. Khi Alibaba qua mặt Walmart và trở thành tập đoàn bán lẻ đứng đầu thế giới, đó là khi trật tự ngành nghề, trật tự thế giới truyền thống có thể bị lật đổ, hoặc tái định nghĩa bằng công nghệ. Nếu có thể tạo ra một sự đột phá trong kênh tiếp cận qua công nghệ, qua các hình thức phi truyền thống, cơ hội vẫn còn nhiều. Có điều, muốn làm được như thế, chúng ta cần một người lãnh đạo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có tầm nhìn, có tri thức, có tư duy đột phá, và có một trái tim, một ngọn lửa cháy bùng trong tim khi nghe hai tiếng “Việt Nam”.
Minh Tâm
KinhtếSàigònOnline
TBKTSG ghi nhận ý kiến của bà Võ Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Việt (một công ty trẻ); ông Châu Thịnh Lân, Tổng giám đốc Công ty Vianco (tiền thân là Công ty Việt - Ấn chuyên về gia vị, đã thành lập 58 năm) và bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia ở lĩnh vực nhượng quyền và bán lẻ.
Mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: MINH TÂM
TBKTSG: Thị trường Việt Nam hiện nay đã tràn ngập hàng hóa nhập khẩu. Người tiêu dùng hoặc thích hoặc bị buộc dùng hàng nhập vì không có sản phẩm Việt Nam tương tự về giá để thay thế. Vì sao có tình trạng này?
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, phát triển từ nền tảng kinh tế hộ gia đình. Với lợi thế về quan hệ, hiểu biết nhu cầu tiêu dùng và phương thức kinh doanh của người dân địa phương, sự “phất” lên của nhiều doanh nghiệp được xem là sự phát triển tự nhiên, không cần có sự can thiệp nhiều về chiến lược hay kế hoạch. Thước đo phát triển của các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng được tính bằng độ mở ra thị trường mới thông qua hình thức thiết lập kênh phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cả nước. Cũng chính vì mải mê phát triển tự nhiên, hầu hết doanh nghiệp chưa có sự quan tâm xây dựng giá trị cốt lõi và nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đến khi thị trường mở cửa, họ không có đủ năng lực cạnh tranh.
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân tác động. Phải nói là giá thành sản xuất ở Việt Nam khá cao khi hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu; năng suất lao động thấp; dây chuyền sản xuất thủ công, lạc hậu... Chỉ xét riêng yếu tố giá ta đã không cạnh tranh nổi với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.
Trong khi đó, về chất lượng, dịch vụ, “phần nhìn” và sự tiện lợi của bao bì nhãn mác thì lại thua kém hàng của Thái Lan, Hàn Quốc...
Cũng cần phải kể đến tâm lý chuộng hàng ngoại vốn đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm của chúng tôi được đầu tư nghiêm túc vẫn bị xếp sau hàng cùng loại của Hàn Quốc, Nhật Bản. Là người đến sau nên cuộc chiến đấu tìm kiếm khách hàng, tìm kênh bán hàng ở siêu thị, đại lý... để tạo thị phần hết sức khó khăn.
TBKTSG: Có luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân còn do Chính phủ không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như nhà bán lẻ trong nước?
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Chúng tôi thuộc loại doanh nghiệp “siêu siêu nhỏ”, thành thật mà nói, cũng không rõ Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể nào. Tuy nhiên, cái gì cũng từ hai phía. Tôi nghĩ nhiều người đã hiểu nhầm “hỗ trợ” với “bảo hộ” hay “ưu ái” nên doanh nghiệp có tâm lý trông chờ sự bảo hộ mà thiếu sự chủ động chuẩn bị. Cá nhân tôi cho rằng thứ cần nhất cho doanh nghiệp chính là thông tin, như lộ trình mà Chính phủ đi; những hành trang nào doanh nghiệp cần có, cần chuẩn bị; những khó khăn nào mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt...; cùng một khoảng thời gian đủ để doanh nghiệp chuẩn bị trước khi bước vào sân chơi chung.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn quen tư duy ngắn hạn, chỉ tập trung phát triển doanh số và kênh phân phối, thiếu quan tâm đến các vấn đề nền tảng quản trị, thiếu tầm nhìn và mục tiêu dài hạn”.
Bà Nguyễn Phi Vân
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức và doanh nghiệp Việt đang chới với vì thiếu tri thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn quen tư duy ngắn hạn, chỉ tập trung phát triển doanh số và kênh phân phối, thiếu quan tâm đến các vấn đề nền tảng quản trị, thiếu tầm nhìn và mục tiêu dài hạn.
Phía Nhà nước cũng thiếu chiến lược phát triển kinh tế dài hạn và bền vững. Thấy rất rõ là chúng ta thiếu chính sách hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho DNNVV - đối tượng chiếm 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp hơn 40% vào GDP quốc gia.
Trong khi đó, các nước trong khu vực đã bắt đầu trước ta từ rất lâu. Đơn cử dự án hỗ trợ SPRING của Singapore: hơn 10 trung tâm hỗ trợ DNNVV đã được triển khai tại nhiều nơi, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp. Mỗi trung tâm đều có một đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực, từ pháp lý đến tài chính, sáng tạo, công nghệ, phát triển thị trường quốc tế...
TBKTSG: Trong cuộc cạnh tranh hiện nay, đâu là thế lực lớn nhất đang đánh dạt hàng Việt ngay trên sân nhà? Phải chăng đó là hàng Thái với sự hậu thuẫn của các ông tỉ phú đã mua lại các chuỗi Metro, Big C và trước đó đã mua nhiều nhà sản xuất?
- Ông CHÂU THỊNH LÂN: Thế lực cạnh tranh lớn nhất của hàng Việt Nam ở trong nước cũng như trên thế giới không phải là hàng của châu Âu hay Mỹ mà là hàng của Thái Lan, Malaysia... vì có sự tương đồng về nguyên liệu, hương vị. Thực tế, khi muốn mua gia vị nấu bún bò Huế, các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ thường chọn hàng Thái Lan. Người Thái đã rất thông minh, dù hương vị của họ chỉ đạt 7-8 phần so với hương vị gốc nhưng vì họ bán hàng trước nên hương vị đó được xem là chuẩn; hàng Việt đến sau bị nghĩ là... không đúng.
Còn chuyện các ông chủ Thái Lan mua lại các chuỗi siêu thị, đây là một phần trong chiến lược hai đầu của họ. Trước đó, họ đã mua nhiều doanh nghiệp sản xuất rồi. Lúc này, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang bị ép hai phía. Họ có hai sự lựa chọn, một là bán lại; hai là liên kết, sáp nhập để tăng sức mạnh để tồn tại.
Theo tôi, cần phải liên kết, sáp nhập ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn. Có thể sáp nhập toàn bộ hoặc liên kết từng phần trong chuỗi sản xuất, chẳng hạn cùng mua bao bì để gia tăng số lượng, giảm giá mua cũng như tăng sức mạnh đàm phán với nhà cung cấp...
“Chính phủ cần thay đổi quan điểm và chính sách để tập trung vào những ngành phù hợp và là thế mạnh của quốc gia”.
Bà Võ Thị Kim Thanh
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Chúng ta đang có những đối thủ rất gần và cuộc đổ bộ của hàng Thái trong những năm qua là một minh chứng. Ngoài câu chuyện về giá, chất lượng, mẫu mã, một lý do lớn khiến cho hàng Việt thua ngay trên sân nhà đó là người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt. Sau những vụ bê bối về chất lượng không được xử lý nghiêm khắc, các chứng nhận về sản phẩm chất lượng được trao một cách tràn lan và dễ dàng, không đo đạc kiểm chứng thì niềm tin của nhiều người tiêu dùng đang cạn dần... Không những thế, tính cộng đồng của người Việt cũng cần được xem lại. Tại sao hàng Thái đổ bộ mạnh mẽ và thành công như vậy? Đó là do họ biết liên kết với nhau dưới sự đồng hành của Chính phủ Thái Lan.
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Xét riêng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì Thái Lan là thị trường có nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng tương đồng nhất. Người Thái đã nắm bắt cơ hội từ AEC để vươn nhanh và mạnh vào thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia. Việc các đại gia bán lẻ Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam là hệ quả tất yếu của chiến lược định vị và phát triển. Chúng ta không thể trách họ. Ngược lại, chúng ta phải khâm phục họ vì đã có sự chuẩn bị tốt, có chiến lược rõ ràng và sự triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Nếu trách, ta phải tự trách mình vì thiếu tầm nhìn và chiến lược.
TBKTSG: Liệu Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì lúc này để thay đổi cục diện?
- Bà VÕ THỊ KIM THANH: Luôn có một con đường cho mình. Cái gì thuộc về quy luật thì đừng bao giờ có ý tưởng thay đổi nó. Thay đổi cục diện không có nghĩa là phải cố gắng chen chân trong mọi ngành hàng, mặt hàng. Nếu Việt Nam không có thế mạnh sản xuất công nghiệp thì không nên bon chen ở lĩnh vực này. Chúng ta nên tập trung nguồn lực vào thế mạnh của doanh nghiệp, của quốc gia để phát huy.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp; thế mạnh là các sản phẩm nông - lâm - thủy hải sản, nhưng ngành này lại chưa được Chính phủ quan tâm và hỗ trợ nhiều để phát triển. Do đó, Chính phủ cần thay đổi quan điểm và chính sách để tập trung vào những ngành phù hợp và là thế mạnh của quốc gia.
“Việc doanh nghiệp cần làm lúc này là đầu tư cho thương hiệu, ghi dấu ấn vững chắc trong lòng người tiêu dùng để có sức mạnh đàm phán với nhà bán lẻ, buộc họ phải tìm đến mình”.
Ông Châu Thịnh Lân
- Ông CHÂU THỊNH LÂN: Hiện tại, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, xu hướng tất yếu là kênh hiện đại sẽ dần dần chiếm phần lớn hơn. Nhìn vào thực tiễn trên thế giới, số đại gia bán lẻ ở mỗi thị trường đều có thể đếm trên đầu ngón tay, nghĩa là các nhà sản xuất phải chiến đấu để bán được hàng cho mấy nhà thu mua này.
Việc doanh nghiệp cần làm lúc này là đầu tư cho thương hiệu, ghi dấu ấn vững chắc trong lòng người tiêu dùng để có sức mạnh đàm phán với nhà bán lẻ, buộc họ phải tìm đến mình. Hiện tại, chúng tôi đang chấp nhận bán lỗ ở siêu thị để giữ cho tương lai.
DNNVV vốn thiếu chiến lược, thiếu tài chính nên giải pháp là phải liên kết và hợp nhất. Như tôi đã nói, có thể liên kết một phần hoặc sáp nhập. Mục tiêu lớn nhất là có giá thành sản xuất tốt nhất để cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong cùng một ngành phải đoàn kết lại. Lấy ví dụ chuyện đưa hàng vào siêu thị. Nếu các doanh nghiệp cùng đi chung, có một tổ chức đại diện thì sẽ gia tăng được sản lượng, giá trị đơn hàng và tất nhiên sẽ có sức mạnh đàm phán. Nếu đi riêng lẻ thì sẽ thua chắc, bởi siêu thị đang dùng chiêu chia nhỏ để “đánh”.
Mà muốn đoàn kết thì mỗi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy về cái gọi là bí quyết kinh doanh và sản phẩm cần giữ, bởi những thứ tưởng là bí mật này có khi lại không có giá trị. Các ông chủ cũng hãy thôi sĩ diện về việc mình phải là người chủ, hãy chấp nhận là một trong những ông chủ khi hợp tác để đạt được mục tiêu lớn hơn là giữ thương hiệu sản phẩm, phát triển ngành hàng của quốc gia. Những thỏa ước ngành chính là công cụ pháp lý ràng buộc để phân xử, bảo vệ quyền lợi từng doanh nghiệp nếu có những vi phạm, rắc rối xảy ra.
- Bà NGUYỄN PHI VÂN: Theo tôi, “thời cơ vàng” đã qua để có thể làm những điều bài bản, nhưng chưa quá muộn. Rất may là thế giới đang trải qua thời đại của thông tin, thời đại mà tập đoàn bán lẻ giá trị nhất trên thế giới không sở hữu một kho hàng hóa nào. Khi Alibaba qua mặt Walmart và trở thành tập đoàn bán lẻ đứng đầu thế giới, đó là khi trật tự ngành nghề, trật tự thế giới truyền thống có thể bị lật đổ, hoặc tái định nghĩa bằng công nghệ. Nếu có thể tạo ra một sự đột phá trong kênh tiếp cận qua công nghệ, qua các hình thức phi truyền thống, cơ hội vẫn còn nhiều. Có điều, muốn làm được như thế, chúng ta cần một người lãnh đạo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có tầm nhìn, có tri thức, có tư duy đột phá, và có một trái tim, một ngọn lửa cháy bùng trong tim khi nghe hai tiếng “Việt Nam”.
Minh Tâm
KinhtếSàigònOnline
Tin khác