Khi luật chơi không còn là bảo hộ

Sản xuất bao bì tại Công ty bao bì Nam Thái Sơn (KCN Cát Lái, TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

TT – Chỉ khi doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, kiến thức và kỹ năng thì năng lực nội tại của họ mới vững mạnh, khả năng sáng tạo, đổi mới của họ mới phát huy…

Hội thảo bắt đầu lúc 9g ngày 28-12-2015, nhưng 8g30 đã thấy 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia có mặt đông đủ.

Họ là những doanh nghiệp đã trải qua vòng tuyển chọn để được tham gia chương trình Doanh nghiệp đổi mới & hội nhập (BIT – Business in transformation) của Chính phủ Malaysia. Chương trình có mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này trước thềm hội nhập.

Cũng tương tự như Việt Nam, Malaysia có khoảng 97% số lượng doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tương đương 645.136 doanh nghiệp (Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp). Họ cũng đi lên từ gốc doanh nghiệp gia đình, gặp nhiều hạn chế và khó khăn như Việt Nam mình vậy.

Nói về cơ hội bước ra thế giới với tư duy không dừng lại ở 30 (Malaysia 30 triệu dân), mà là tư duy 600 (600 triệu – dân số cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC), tư duy 800 (800 triệu – dân số cộng đồng kinh tế TPP) hay tư duy toàn cầu, họ cho rằng tư duy đã xác định rồi nhưng kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp còn kém lắm.

Tôi hơi sững người một chút. Ngồi đây trước mắt tôi là những chủ doanh nghiệp có từ 30 – 100 chi nhánh nhượng quyền, có doanh nghiệp đã ký được một hoặc hai hợp đồng nhượng quyền ra nước ngoài như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Indonesia, Úc…

Vậy mà họ rất tự nhiên và thật tình nói với tôi rằng năng lực của mình còn kém lắm. Họ chăm chú lắng nghe, ghi chép, đặt câu hỏi. Rồi họ tranh cãi, bàn luận theo nhóm về cách áp dụng những gì mình vừa học vào thực tế quản trị doanh nghiệp.

Họ đứng lên trình bày và phản biện về những hành động thực tiễn mà mình cần triển khai cho doanh nghiệp ngay sau hai ngày hội thảo. Có một nguồn năng lượng thật dồi dào, thật chất chứa trong từng cử chỉ, câu nói, tiếng cười từ những doanh nghiệp trẻ này.

Là người Việt Nam duy nhất trong căn phòng vỡ òa năng lượng tương lai ấy, tự nhiên tôi thấy hiển hiện trong mình những thứ cảm xúc rất khác nhau. Tự hào vì mình là người Việt đang chia sẻ kiến thức cho những doanh nghiệp quốc tế của tương lai. Lo lắng vì nghĩ đến 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang loay hoay trước thềm hội nhập.

Điều đáng lo ngại nhất, theo khảo sát của Học viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Institute of South East Asian Studies), 76% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không biết gì về AEC, và 63% cho rằng việc thành lập AEC này chẳng có ảnh hưởng gì đến họ.

Ở đây, ngày 28 và 29-12-2015, có 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia đang nhận ra sự kém cỏi về kiến thức và kỹ năng của bản thân mình, đang gấp rút nâng cấp năng lực nội tại để bước ra thế giới. Họ hỏi tôi đâu là thị trường cần vươn ra trước nhất.

Tôi trả lời chính là thị trường AEC. Rồi họ sẽ vươn ra. Rồi họ sẽ bước vào thị trường Việt Nam theo tiến độ chúng tôi đã vẽ trên bản đồ phát triển. Không ảnh hưởng sao? Sân chơi không còn là Việt Nam. Luật chơi không còn là bảo hộ.

Tại hội thảo quốc tế về nhượng quyền quốc tế diễn ra ở Kuala Lumpur hồi tháng 5-2015, đại diện của bộ tài chính nước bạn cũng trình bày rất rõ rằng để tăng năng lực cạnh tranh kinh tế của quốc gia, họ sẽ đầu tư vào nguồn nhân lực.

Chỉ khi doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, kiến thức và kỹ năng thì năng lực nội tại của họ mới vững mạnh, khả năng sáng tạo, đổi mới của họ mới phát huy.

Đó mới chính là sự phát triển bền vững. Chính phủ Malaysia có chủ đích rất rõ ràng khi bỏ tiền tài trợ để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia trên con đường dài trong một sân chơi mới.

Đăng ngày 04/01/2016 trên báo TT Online. Tác giả: NGUYỄN PHI VÂN

Tin khác