Karaoke ở Hà Nội trước nguy cơ phá sản hàng loạt

Gần nửa năm qua, ông Nguyễn Đăng Sỹ, đại diện quán karaoke Idol tại 16 Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa khi doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng kinh doanh quá lâu.

"Tôi cùng các chủ cơ sở kinh doanh khác đã nhiều lần viết đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng cấp phường, quận, thành phố đề xuất tháo gỡ khó khăn nhưng đều vô ích. Không còn cách nào khác, chúng tôi mới buộc phải gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ, ngành", ông nói với Zing.

Khoảng 3-4 năm về trước, Nguyễn Khang, Trần Thái Tông (Cầu Giấy); Nguyễn Hoàng, Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm) là những con phố tập trung nhiều quán karaoke bậc nhất Thủ đô, luôn tấp nập khách ra vào.

Thế nhưng, từ sau đại dịch Covid-19 và gần nhất là sau nhiều vụ cháy lớn, tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ này đều buộc tạm dừng hoạt động để sửa sang hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hơn 5 tháng qua, địa điểm giải trí quen thuộc với nhiều người ở Hà Nội không còn đón khách, bảng hiệu nhiều nơi cũng được gỡ bỏ.

Tốn tiền tỷ để cầm cự, sửa chữa liên tục

"Sau đợt cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 1/11/2016, tất cả cơ sở kinh doanh loại hình này đã phải đóng cửa, ngừng kinh doanh để đầu tư, sửa chữa lại phòng hát, thiết bị PCCC. Kinh phí sửa chữa lần đó lên tới hàng tỷ đồng mỗi cơ sở, chưa kể thời gian thi công và chờ cơ quan chức năng phê duyệt rất nhiều lần lên tới 1,5-2 năm", ông Sỹ nhớ lại.

Theo chủ quán karaoke này, mặc dù được hoạt động lại nhưng sau hơn 1 năm cơ sở vẫn chưa thể thu hồi lại số vốn hàng tỷ đồng đã bỏ ra. Khó khăn chưa hết thì các chủ quán karaoke lại vướng dịch Covid-19 từ tháng 3/2020 đến nửa năm 2022 và buộc phải đóng cửa "ngủ đông" hoàn toàn.

"Trong thời gian đó, quán karaoke lại phải tốn vài tỷ đồng để bảo trì trì, sửa chữa nhưng chưa kịp hoạt động bao lâu thì tiếp tục đóng cửa vì đợt tổng kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Công an hồi tháng 10/2022", ông nói.

Đáng nói, chủ quán karaoke này cho biết từ trước đến nay các cơ sở kinh doanh đều được kiểm tra thường xuyên theo đúng quy trình và được xác nhận đảm bảo PCCC nhưng từ sau đợt tổng kiểm tra tháng 10, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được trang bị trước đó lại bị kết luận không đạt tiêu chuẩn dù không cải tạo sửa chữa so với trước.

"Khi chưa có văn bản hướng dẫn các cơ sở khắc phục về PCCC mà cơ quan chức năng đã yêu cầu tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở vì chưa khắc phục các lỗi về PCCC là chưa hợp lý", ông nhấn mạnh.

Cũng trong tình cảnh mong ngóng từng ngày để được đón khách trở lại, đại diện cơ sở kinh doanh quán karaoke tại quận Nam Từ Liêm cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong hơn 2 năm qua khi nhiều lần phải đóng cửa.

"Dù không hoạt động nhưng mỗi tháng, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 100-200 triệu đồng để trả tiền mặt bằng, bảo trì hệ thống, trả lương nhân viên. Lương thấp, nhiều người phải tìm thêm việc làm, không ít người chọn cách rời đi. Nếu không được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, cơ sở sẽ phải đóng cửa, trả mặt bằng", chủ cơ sở này nói.

Tương tự, ông Đỗ Duy Phương, chủ quán karaoke trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ sau khi bị tạm đình chỉ, cơ quan PCCC đã đến cơ sở của anh Phương kiểm tra 5 lần và mỗi lần đều đưa ra các lý do, quy định khác nhau.

"Đến nay doanh nghiệp vẫn không biết cách khắc phục như thế nào để được hoạt động trở lại. Trong khi các cơ quan cấp quận, thành phố đều trả lời rằng đang chờ chỉ đạo từ cấp trên. Nhưng doanh nghiệp chúng tôi không thể chờ được thêm nữa", ông Phương bộc bạch.

Chủ cơ sở này cho rằng không thể từ một vài vụ việc mà quy kết tất cả doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này không đảm bảo an toàn PCCC.

Gần nửa năm vẫn "loay hoay" với hướng dẫn PCCC

Đã 5 tháng trôi qua kể từ nhận thông báo tạm đình chỉ hoạt động, các chủ cơ sở kinh doanh karaoke vẫn loay hoay với các quy định về phòng cháy chữa cháy dù đã nhiều lần phản ánh và làm việc với PC07.

Trao đổi với Zing, chị Nguyễn Hoa, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke cũng cho biết bản thân đang "bế tắc" trong việc tìm vật liệu cách âm khó cháy. "Thị trường vật liệu xây dựng trong nước và thế giới chưa có loại vật liệu cách âm mà khó cháy, khiến doanh nghiệp rất khó khăn", chị than.

Theo chị, cơ quan chức năng yêu cầu PCCC cho dịch vụ karaoke phải xây dựng bằng vật liệu khó cháy nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể dùng loại vật liệu xây dựng đạt yêu cầu.

"Cơ quan quản lý cần làm rõ nguyên nhân gây cháy, những tồn tại khi cháy khó cứu hộ cứu nạn để có những quy định sát với thực tế", chị Hoa đề xuất.

Theo ông Nguyễn Đăng Sỹ, doanh nghiệp rất mong muốn có quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết để sửa chữa theo đúng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy. "Chính quyền TP và cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời giúp các doanh nghiệp. Nhiều cơ sở vì không gánh nổi chi phí đã phá sản, trả mặt bằng", ông chia sẻ.

Theo ông, hiện nay các doanh nghiệp đều tuân thủ đúng theo quy định tại Thông tư 47/2015 và Thông tư 147/2020. Song hiện nay, các đoàn kiểm tra đều yêu cầu các cơ sở phải thay vật liệu trang trí phòng hát bằng vật liệu khó cháy, không cháy kể cả phòng hát nhỏ dưới 50 m2. "Như vậy là chưa đúng với quy định tại các thông tư trên", ông dẫn chứng.

Trước đó, hồi đầu tháng 1, tập thể các doanh nghiệp kinh doanh karaoke này đã có buổi làm việc với Đại úy Lê Ngọc Sơn, Cán bộ Phòng cảnh sát PCCC&CNCH kiến nghị hướng dẫn thực hiện các yêu cầu về PCCC cho các cơ sở karaoke trên địa bàn bằng văn bản để các cơ sở có căn cứ thực hiện theo quy định.

"Khi chưa có hướng dẫn các cơ sở thực hiện bằng văn bản thì cơ quan chức năng không được tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở", doanh nghiệp kiến nghị. Song đến nay, các chủ cơ sở này vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng.

Hà Nội có tổng số 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 quán karaoke, bar, vũ trường không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

(Theo Zing)

Tin khác