Lý do nhân viên Apple thoát 'bão sa thải'

Theo Wall Street Journal, làn sóng sa thải nhân sự đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghệ. Tuy nhiên cho đến nay, Apple - công ty lớn nhất thế giới - vẫn nằm ngoài tình trạng cắt giảm việc làm tràn lan như các doanh nghiệp cùng ngành như Microsoft, Google, Meta hay Amazon.

Apple có thể tạm lánh xa xu hướng sa thải lao động nhưng không thoát khỏi những thách thức kinh doanh vốn đã ập đến với những gã khổng lồ công nghệ khác. Trong tháng tới, nhà sản xuất iPhone dự kiến công bố mức giảm doanh thu hàng quý đầu tiên sau hơn 3 năm.

Không tuyển dụng ồ ạt

Trên thực tế, Apple đã giảm tuyển dụng ở một số bộ phận. Dẫu vậy, tập đoàn vẫn có lợi thế tốt hơn các đối thủ khi tốc độ bổ sung nhân viên trong giai đoạn đại dịch chậm hơn nhiều.

Giới đầu tư cũng cho biết Apple có xu hướng hoạt động tinh gọn, hạn chế đặc quyền cho nhân viên. Nhờ tập trung vào các sản phẩm phần cứng, doanh số của Apple phần lớn tránh được suy thoái kinh tế.

Từ quý tài chính III/2019-III/2022, lực lượng lao động của Apple đã tăng khoảng 20% lên 164.000 nhân viên toàn thời gian. So với cùng kỳ, nhân viên tại Amazon lại tăng gấp đôi, Microsoft tăng 53%, Alphabet (công ty mẹ Google) tăng 57% và Meta (công ty mẹ Facebook) tăng 94%.

Apple cũng có khoảng 65.000 nhân viên kinh doanh làm việc tại hơn 500 cửa hàng, chiếm khoảng 40% tổng lực lượng lao động của công ty.

Tuần trước, Alphabet trở thành công ty mới nhất thông báo sa thải diện rộng, với kế hoạch cắt giảm 12.000 việc làm. Đây đồng thời là đợt cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay của Alphabet.

Trước đó, cả Amazon, Microsoft và Meta đều trải qua tình trạng tương tự. Theo website theo dõi các đợt cắt giảm việc làm lĩnh vực công nghệ, ngành này chứng kiến hơn 200.000 nhân viên mất việc.

Quay trở lại Apple, đợt sa thải gần nhất của công ty diễn ra vào năm 1997 khi Steve Jobs trở lại công ty. Công ty đã cắt giảm chi phí bằng cách sa thải 4.100 nhân viên.

Đến nay, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Apple đã cho thấy khả năng phục hồi trước suy thoái trên thị trường. Mặt khác, 4 gã khổng lồ công nghệ khác vật lộn trong bối cảnh quảng cáo kỹ thuật số, thương mại điện tử và mảng sản xuất máy tính chậm lại.

Trong quý III/2022, Apple cho biết doanh số bán hàng tại mảng kinh doanh quan trọng nhất là sản xuất iPhone đã tăng 9,7% so với năm ngoái lên 42,6 tỷ USD. Con số này thậm chí vượt qua ước tính của giới phân tích.

Sau thời gian dài tuyển dụng rầm rộ để đáp ứng nhu cầu tăng cao đối với dịch vụ trực tuyến trong giai đoạn đại dịch, các công ty công nghệ quay lại sa thải phần lớn nhân viên.

Khó thoát ảnh hưởng từ suy thoái

Apple có thể phải đối mặt với quý IV/2022 khó khăn hơn khi tình hình sản xuất ở Trung Quốc gặp nhiều gián đoạn vì chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt. Dẫu vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng nhu cầu với iPhone sẽ không giảm và khi công ty tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trở lại, doanh thu sẽ chuyển sang quý I năm nay.

Mô hình kinh doanh của Apple không hoàn toàn miễn nhiễm với xu hướng suy thoái. Doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ tiếp tục chậm lại, chỉ tăng 5% lên 19,2 tỷ USD vào quý III/2022, thấp hơn so với các quý trước đó.

Tom Forte - nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư D.A. Davidson & Co. - hy vọng Apple sẽ lặng lẽ giảm quy mô nhân viên thông qua quá trình thay thế những nhân viên chủ động nghỉ việc.

Công ty cũng có thể đi theo hướng cắt giảm hoặc điều chỉnh các đặc quyền phổ biến ở Thung lũng Silicon. Apple hiện không cung cấp bữa trưa miễn phí cho nhân viên như các công ty công nghệ lớn khác như Google và Meta.

Daniel Morgan - nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Synovus Trust Co. - cho biết một số gã khổng lồ công nghệ đã chi mạnh tay cho các dự án khó khả thi. Điển hình Meta đã rót hàng tỷ USD vào Reality Labs cho những tham vọng liên quan metaverse.

Bản thân Apple cũng đang nghiên cứu các dự án rủi ro trong tương lai như tai nghe thực tế tăng cường dự kiến ra mắt vào cuối năm nay hay một dự án ôtô chưa rõ ngày xuất hiện.

(Theo Zing)

Tin khác