Hết thời tiền rẻ, startup chịu áp lực bán mình năm 2023

Theo trang tin Bloomberg, mục tiêu thông thường của những người sáng lập startup là niêm yết công ty trên sàn chứng khoán, còn mục tiêu cao nhất là ký kết thành công một thương vụ bán mình “béo bở” cho công ty lớn hơn.

Một ví dụ điển hình là thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD được công bố vào tháng 9/2022, mà trong đó Adobe quyết định sẽ mua lại startup thiết kế phần mềm Figma.

Nhờ có thương vụ này, giá trị của Figma đã được nâng cao gấp đôi so với định giá trong vòng gọi vốn cuối cùng, và mang lại khoản tiền khổng lồ cho các "nhà đầu tư thiên thần" của startup. Người sáng lập của Figma - Dylan Field - cũng dự kiến bỏ túi 2 tỷ USD.

Các thương vụ thành công giảm mạnh

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít startup thành công trong năm 2022, còn nhìn chung, các công ty khởi nghiệp không thực sự kiếm được nhiều tiền.

Theo PitchBook Data, tổng số tiền ở các thương vụ mua lại startup trong ba quý đầu 2022 chỉ đạt 81,7 tỷ USD, giảm 40,7% so với mức 137,8 tỷ USD cùng kỳ năm liền trước. Ngoài ra, không có startup công nghệ nào được hậu thuẫn bởi vốn đầu tư mạo hiểm niêm yết trong năm.

Do đó, giới đầu tư dự đoán một loạt thương vụ mua lại sẽ diễn ra vào năm 2023. Theo ông Ryan Nolan - Giám đốc điều hành của Goldman Sachs Group - việc thiếu các thương vụ mua lại startup vào năm 2022 phần lớn do sự mất kết nối giữa người mua và người bán. Trong đó, người mua thì tìm kiếm những món hời, còn người bán lại kỳ vọng một mức giá bùng nổ.

"Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai bên chắc chắn sẽ được thu hẹp vào năm 2023”, ông Nolan cho biết. Và đương nhiên, đa số startup sau này sẽ không được may mắn và có mức giá tốt như Figma.

Ngay cả thỏa thuận mua lại Figma - một trong những thương vụ thành công nhất mọi thời đại của giới startup - cũng cho thấy một rắc rối trong ngành này. Figma đúng ra phải đang trên đường IPO nhưng đến khi thị trường biến động mạnh, cánh cửa đó đã đóng lại.

Loay hoay trong tình thế khó khăn

Trước năm 2022, các startup đã phát triển rất nhanh trong một khoảng thời gian dài và thường không phải đưa ra những quyết định khó khăn.

Sau đó, các nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn là sự tăng trưởng nhanh, làm giảm tỷ lệ IPO và khiến giới đầu tư mạo hiểm phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Và chính xu hướng này đã khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn.

Theo khảo sát gần đây với 450 nhà sáng lập startup tại Mỹ và châu Âu, khoảng 80% startup đang ở giai đoạn đầu không có đủ tiền mặt để vượt qua năm sau đó. Những nhà đầu tư bỏ tiền vào các công ty ở giai đoạn cuối như Klarna, ServiceTitan và Snyk cũng đang định giá họ ở mức thấp hơn so với các vòng trước. Sự không chắc chắn trong cách định giá đang khiến nhóm công ty này khó huy động vốn nếu không chấp nhận mức giá thấp hơn.

Ông Michael Brown - nhà tư vấn tại Fenwick & West - cho biết nhiều startup có thể phải bán mình với giá thấp hơn kỳ vọng. “Các công ty này đang dần nhận ra mức định giá trong vòng gọi vốn tư nhân không còn là một tiêu chuẩn hợp lệ nữa”, ông giải thích.

Còn theo bà Carolina Brochado - nhà tư vấn của EQT Partners - tình thế tiến thoái lưỡng nan sẽ khiến các startup phải chịu nhiều áp lực hơn, và đôi khi họ chỉ có một lựa chọn.

Trong khi đó, giới đầu tư mạo hiểm hiện khuyên các công ty khởi nghiệp hãy kiên nhẫn vì họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các điều khoản kém thuận lợi hơn.

(Theo Zing)

Tin khác