Người Việt chi 1,1 tỷ USD cho ứng dụng gọi đồ ăn

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Momentum Works, tổng chi tiêu (GMV) cho dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022 của các nước Đông Nam Á lên đến 16,3 tỷ USD, tăng 5% sau hai năm bùng nổ giao hàng do Covid-19.

Lần đầu tiên sau 3 năm, sự tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường quy mô nhỏ trong khu vực gồm Philippines (tăng, 0,8 tỷ USD), Malaysia (tăng 0,6 tỷ USD) và Việt Nam (tăng 0,3 tỷ USD). Khi Covid-19 dần trở thành dịch bệnh đặc hữu và các nền kinh tế mở cửa trở lại, những thị trường lớn hơn lại chứng kiến GMV sụt giảm, điển hình như Singapore (giảm 0,4 tỷ USD), Thái Lan (giảm 0,4 tỷ USD) hay Indonesia (giảm 0,1 tỷ USD).

Grab vẫn thống lĩnh thị trường

Trước áp lực về lợi nhuận, những nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn có thâm niên và mới tiếp tục xu hướng cắt giảm chương trình khuyến mãi, đồng thời đẩy mạnh sức cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ.

Tính đến cuối năm 2022, GMV của Grab ước đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 54% tổng GMV trong khu vực, đồng thời tăng 16% so với trước đó. Foodpanda ước tính đóng góp 3,1 tỷ USD, chiếm 19% GMV của khu vực và giảm 9%. Gojek và ShopeeFood vẫn duy trì mức GMV tương tự năm 2021, lần lượt đạt 2 tỷ USD và 0,9 tỷ USD.

“So với năm 2021, tình hình cạnh tranh vào năm 2022 đã im ắng hơn rất nhiều. Những đơn vị mới tham gia như Shopee và AirAsia đã quay trở lại tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, trong khi những đối thủ khác áp dụng chiến lược mở rộng thận trọng hơn”, Jianggan Li, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Momentum Works, nhận định.

Theo vị chuyên gia, tăng trưởng lợi nhuận hiện trở thành trọng tâm hàng đầu. Những ứng dụng giao đồ ăn đang thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để cải thiện tỷ suất lợi nhuận, củng cố niềm tin của người tiêu dùng thông qua quảng cáo, chương trình đăng ký hội viên...

“Chúng tôi tin rằng họ có thể đạt lợi nhuận nhờ đẩy mạnh doanh số, mở rộng mức độ bao phủ và tăng hiệu quả vận hành”, ông Li chia sẻ.

Tại Việt Nam, Grab và ShopeeFood là hai ứng dụng phổ biến nhất với thị phần GMV đạt 45% và 41%. Phần còn lại thuộc về Baemin (12%) và Gojek (2%).

Xuất hiện nhiều xu hướng mới

Báo cáo của Momentum Works cũng cho thấy những nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn dần rút lui khỏi các thị trường hoặc lĩnh vực không sinh lời như kho thực hiện đơn hàng (dark store) hay bếp trung tâm (cloud kitchen). Xu hướng này dự kiến tiếp tục đến năm 2023 khi Shopee có kế hoạch tái tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là thương mại điện tử và DeliveryHero được đồn đoán rút vốn khỏi hoạt động tại một số quốc gia Đông Nam Á.

Mặt khác, các ứng dụng giao đồ ăn đang củng cố quá trình số hóa lĩnh vực F&B vốn còn đang phân mảnh. Một số ứng dụng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc mua lại các nhà cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng và điểm bán hàng trong năm 2022.

Những động thái này có thể giữ chân người bán và cho phép ứng dụng mang đến dịch vụ khác biệt, tốt hơn cho người bán bằng cách khai thác dữ liệu bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến. Đây là một chiến lược đã được thử nghiệm bởi những ứng dụng từ Trung Quốc như Meituan.

Các ứng dụng giao đồ ăn cũng tận dụng chương trình quảng cáo và đăng ký theo dõi để tăng cường doanh thu. Họ bắt đầu xây dựng các sản phẩm quảng cáo để thu hút tiền đầu tư từ đối tác bán hàng.

Nhiều ứng dụng cũng thử nghiệm các chương trình đăng ký hội viên như một công cụ để giữ chân người tiêu dùng và khuyến khích đặt hàng với giá trị lớn hơn. Những ứng dụng có phạm vi tiếp cận người tiêu dùng và người bán lớn sẽ có lợi thế hơn đối thủ khác.

Giao đồ ăn tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh số bán hàng của hộ kinh doanh bất chấp hoạt động ăn uống tại chỗ phục hồi trở lại. Do đó, người bán đang tạo ra các dịch vụ và khuyến mãi khác biệt hơn cho dịch vụ ăn tại chỗ và giao đồ ăn để giảm tình trạng quá tải cũng như tối đa hóa doanh số bán hàng cho cả 2 kênh.

Tương tự, các ứng dụng giao hàng cũng mở rộng sang không gian ngoại tuyến thông qua các chương trình như phiếu giảm giá khi ăn tại chỗ, đánh giá nhà hàng và nhiều hơn nữa.

(Theo Zing)

Tin khác