Microsoft sa thải 10.000 nhân viên

Theo CNBC, hôm 18/1, Microsoft tuyên bố sẽ sa thải 10.000 nhân viên kể từ nay tới ngày 31/3. Động thái này nhằm đối phó với đà tăng trưởng doanh thu giảm tốc của tập đoàn.

Trước đó một ngày, đài truyền hình Anh Sky News đưa tin Microsoft sẽ cắt giảm 5% lực lượng lao động, tương đương 11.000 nhân viên.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ cắt giảm nhân sự ở bộ phận kỹ thuật. Trong khi đó, Business Insider đưa tin hãng có thể sa thải nhân viên thuộc mảng tuyển dụng và một số bộ phận khác.

Không miễn nhiễm

Tháng 7 năm ngoái, Microsoft khẳng định sẽ cắt giảm dưới 1% lực lượng lao động. Tới tháng 10, hãng xác nhận đợt sa thải bổ sung đã tác động tới gần 1.000 nhân viên.

Trong một thông báo, Giám đốc điều hành Satya Nadella cho biết các khách hàng đã tăng chi tiêu trong thời kỳ đại dịch. Nhưng giờ, họ đang tối ưu hóa chi tiêu để làm được nhiều việc hơn với chi phí thấp hơn.

Đầu tháng này, ông Nadella thừa nhận rằng công ty của mình sẽ phải điều chỉnh.

"Với tư cách một công ty toàn cầu, chúng tôi sẽ không tránh khỏi những tác động vĩ mô", ông nói với CNBC-TV18.

"Chúng tôi sẽ phải tập trung vào các hoạt động để đảm bảo rằng chi phí phù hợp với mức tăng trưởng doanh thu", ông nói thêm.

Hồi năm 2017, Microsoft cũng đã sa thải hàng nghìn nhân viên nhằm tổ chức lại mảng bán hàng. Trước đó 4 năm, sau khi mua lại bộ phận kinh doanh thiết bị và dịch vụ của Nokia, hãng đã cắt giảm 18.000 nhân sự.

Với đợt cắt giảm của Microsoft, bão sa thải trong ngành công nghệ của Mỹ đã lan sang năm 2023. Cuối năm ngoái, ngay trước Lễ Tạ ơn tại Mỹ, CEO Amazon Andy Jassy thông báo sẽ sa thải 18.000 nhân viên.

Cùng ngày với Amazon, Salesforce thông báo cắt giảm 10% nhân sự và giảm diện tích thuê văn phòng nhằm tái cấu trúc. Tính đến tháng 12/2022, công ty phần mềm Mỹ tuyển dụng hơn 79.000 nhân viên.

Ngay ngày hôm sau, nền tảng thời trang kỹ thuật số Stitch Fix tiết lộ kế hoạch sa thải 20% nhân viên sau đợt cắt giảm 15% vào năm ngoái.

Những sai lầm chung

Các công ty công nghệ đang đối mặt với những thách thức từ mọi mặt. Đại dịch đã mang tới sự bùng nổ trong nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Đó là giai đoạn những doanh nghiệp này ráo riết tuyển dụng.

Nhưng việc nới lỏng các hạn chế chống dịch cũng kéo nhu cầu đi xuống. Người tiêu dùng trở lại với cuộc sống thường ngày. Thêm vào đó, lãi suất tăng cao khiến nguồn vốn đổ vào những công ty công nghệ vơi dần.

Các công ty công nghệ cần khoản tiền này để rót vào những ván cược đổi mới. Lãi suất tăng cao cũng khiến các công ty trong ngành không còn được định giá cao ngất ngưởng.

Trong thư gửi các nhân viên tháng này, ông Jassy thừa nhận Amazon cần cắt giảm chi phí đáng kể "trong bối cảnh kinh tế bất ổn". Ông cho rằng tập đoàn đã tuyển dụng quá ồ ạt trong vài năm qua.

Đó cũng là lập luận chung của các lãnh đạo khác trong ngành công nghệ.

Còn các sếp công nghệ như Mark Zuckerberg của Meta, Marc Benioff của Salesforce cho rằng họ đã đánh giá sai về nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ, vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch.

Trong một bức thư gửi nhân viên, đồng CEO Marc Benioff cho biết khách hàng đang cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định mua hàng do môi trường kinh tế vĩ mô thách thức. Điều đó khiến Salesforce phải "đưa ra quyết định rất khó khăn" là sa thải nhân viên.

Theo ông Dan Ives - nhà phân tích tại Wedbush Securities - làn sóng sa thải sẽ lan sang năm 2023, khi lĩnh vực công nghệ ứng phó với môi trường cầu giảm. Ông cho rằng ngành công nghiệp đang phải cắt giảm chi phí sau khi vung tiền mạnh tay để theo kịp nhu cầu.

(Theo Zing)

Tin khác