Tiềm năng nhượng quyền dịch vụ cho người già
(TBKTSG) - Một thập kỷ trước, mọi ngành hàng còn chăm chăm vào cửa sổ dân số vàng, dân số trẻ của Việt Nam. Năm 2005, tuổi trung bình của dân số Việt Nam là 25,9. Một thập kỷ sau, năm 2015, tuổi trung bình đã là 30,5 và dự đoán đến năm 2030 sẽ tăng lên 37,8. Theo Euromonitor, dân số Việt Nam già nhanh hơn so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương có độ tuổi trung bình năm 2030 là 37. Theo Liên hiệp quốc, đến năm 2030, Việt Nam là nước xếp hạng thứ 68 trong bảng xếp hạng dân số già trên thế giới, dẫn đầu là Nhật.
Với tỷ lệ gia tăng số người cao tuổi (65 tuổi trở lên) là 138% trong giai đoạn 2012-2030, tương đương với 7,5 triệu người, dự đoán tổng số người cao tuổi Việt Nam năm 2030 là 13 triệu người, chiếm đến một phần tám dân số. Đây chắc chắn là một phân khúc thị trường tiềm năng không thể bỏ qua. Tuy nhiên, để có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho phân khúc thị trường này, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu của người cao tuổi.
Sản phẩm phải được nghiên cứu kỹ càng, có chất lượng và tốt cho sức khỏe, được sự chứng nhận của các tổ chức y tế, với chất lượng dịch vụ thỏa mãn cả những người già khó tính nhất!
Và để bắt đầu một công việc kinh doanh đáp ứng những yêu cầu khắt khe của phân khúc khách hàng này, nhượng quyền thương hiệu đương nhiên trở thành mô hình thuận lợi. Khi mua nhượng quyền, doanh nghiệp không những được kinh doanh một mô hình đã qua thử nghiệm thành công mà còn tránh được nhiều rủi ro trong vận hành do doanh nghiệp nhượng quyền đã dày công trải nghiệm và cải tiến.
Nếu nhìn vào kinh nghiệm trong ngành chăm sóc người cao tuổi trên thế giới, thương hiệu nhượng quyền uy tín thường xuất phát từ những khu vực đã phát triển như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật với nhiều mô hình dịch vụ khác nhau. Theo tạp chí Entrepreneur, những dịch vụ chăm sóc người già phát triển nhanh nhất năm 2016 bao gồm dịch vụ dưỡng lão tại nhà, dịch vụ cung cấp người giúp việc và chăm sóc tại nhà, dịch vụ chăm sóc người bệnh, chăm sóc ngắn hạn trong tình trạng nguy kịch, dịch vụ làm việc vặt hàng ngày, cung cấp người trò chuyện và bầu bạn, cung cấp sản phẩm y tế, sức khỏe, dinh dưỡng.
Là một trong tốp 10 ngành nhượng quyền phát triển nhanh nhất trên thế giới, dịch vụ chăm sóc người già chắc chắn là mô hình tiềm năng cho thị trường Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Ngoài nhu cầu thị trường, ngành nhượng quyền dịch vụ chăm sóc người già còn mang lại nhiều lợi thế khác cho đối tác nhận quyền. Lợi thế đầu tiên và quan trọng nhất có lẽ là ngân sách đầu tư. Khi mua giấy phép nhượng quyền độc quyền một thương hiệu thức ăn nhanh cho thị trường Việt Nam, phí cấp phép có thể dao động từ 300.000 đến 1 triệu đô la Mỹ, tùy thương hiệu. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chăm sóc người già, phí cấp phép độc quyền cho thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 150.000-250.000 đô la Mỹ, tùy thương hiệu. Bên cạnh đó, do mô hình chăm sóc người già ngày nay vô cùng linh hoạt, khuyến khích việc chăm sóc tại nhà chứ không nhất thiết phải đưa vào viện dưỡng lão, chi phí đầu tư ban đầu vào cơ sở vật chất hầu như không có.
Trung bình, tổng chi phí đầu tư cho một chi nhánh nhận quyền chăm sóc người già chưa đến một phần ba so với tổng chi phí đầu tư một chi nhánh nhượng quyền trong ngành ẩm thực. Cũng vì vậy, ngành này thu hút số lượng người tham gia mua nhượng quyền thứ cấp khá cao.
Lợi thế thứ hai là mức độ cạnh tranh của chuỗi so với các chi nhánh tư nhân hầu như không có. Khác với ngành ẩm thực và bán lẻ, dịch vụ chăm sóc người già đòi hỏi khắt khe về kiến thức y tế, sức khỏe, cấp cứu, tâm lý..., vì vậy ít có chi nhánh tư nhân nào đáp ứng được hết những yêu cầu này. Đây là lợi thế lớn mang lại doanh thu cao hơn cho các chi nhánh nhận quyền.
Cuối cùng, có thể nói đây là ngành mang giá trị xã hội cao, giúp người già an hưởng tuổi già với con cháu tại nhà thay vì phải vào viện dưỡng lão. Các hoạt động phụ trợ của ngành còn giúp cho người già được sinh hoạt tập thể, kết nối và bầu bạn với những người già khác, được theo dõi và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng hàng ngày. Một công việc kinh doanh có ý nghĩa cộng đồng như thế luôn là lợi thế thu hút nhiều người tham gia vào hệ thống nhượng quyền.
Cũng theo tạp chí Entrepreneur, trong “top 500” thương hiệu nhượng quyền năm 2016 do Entrepreneur bình chọn có 46 thương hiệu trong ngành dịch vụ chăm sóc người già. Tại hội chợ bán lẻ và nhượng quyền Việt Nam VIETRF 2016 vừa diễn ra ở TPHCM hồi đầu tháng 6, thương hiệu nhượng quyền chăm sóc người già Home Care Assistance - một thương hiệu trong “top 500” nêu trên cũng tham gia triển lãm. Ông Troy Franklin, đại diện Home Care Assistance, cho biết: “Với dịch vụ linh hoạt từ 4 tiếng/ngày, 3 ngày/tuần đến dịch vụ 24/7, một chi nhánh nhận quyền Home Care Assistance tại Mỹ đạt doanh thu bình quân 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm, với khoảng 18-20 khách hàng sử dụng dịch vụ 24/7. Như vậy, so với tổng đầu tư ban đầu của một chi nhánh ở mức 150.000 đô la Mỹ, thời gian hoàn vốn đầu tư là rất nhanh. Đây chính là ưu điểm nổi bật thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia mua nhượng quyền. “Ngoài ra, đối tác mua nhượng quyền cũng không cần phải có kinh nghiệm chuyên ngành. Một khi đã mua nhượng quyền, chỉ cần có đam mê chăm sóc, giúp đỡ người già, bạn sẽ được Home Care Assistance huấn luyện và chuyển giao toàn bộ kiến thức vận hành và quản lý”, ông cho biết.
Với sự dịch chuyển dân số đáng chú ý của Việt Nam trong thời gian sắp tới, đặc biệt đến năm 2030, điều đáng lưu ý nhất vẫn là sự gia tăng nhanh chóng của phân khúc dân số 60-79 tuổi. Theo Liên hiệp quốc, tỷ lệ gia tăng có thể lên đến 144%, tương đương 9,7 triệu người. Ngành nhượng quyền sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người già là ngành mà các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn nên lưu ý khai phá.
Nguyễn Phi Vân
Tin khác