'Miếng bánh' gọi đồ ăn trực tuyến không còn ngọt ngào

Giao đồ ăn ngày càng gắn bó với cuộc sống thường nhật của người tiêu dùng. Xu hướng số hóa hoạt động kinh doanh sau đại dịch để mở rộng tệp khách hàng lẫn cắt giảm chi phí cũng thúc đẩy người bán cộng tác với các ứng dụng nhiều hơn.

Với tổng giá trị hàng hóa (GMV) ước tính đạt 5 tỷ USD trong năm 2025, đóng góp 10% giá trị vào GMV của nền kinh tế số tại Việt Nam, mảng vận tải và giao nhận đồ ăn luôn được coi là miếng bánh hấp dẫn trong mắt các ông lớn.

Tuy nhiên, miếng bánh giao nhận đồ ăn trong năm 2022 dường như đã bớt đi sự ngọt ngào khi bối cảnh kinh tế eo hẹp đang tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của các ứng dụng. Bên cạnh đó, tình hình tài chính khó khăn cũng là yếu tố buộc các ứng dụng ngừng đốt tiền cho khuyến mại, ưu đãi. 

Các ứng dụng gặp khó

Theo cuộc khảo sát của Q&Me, lĩnh vực giao đồ ăn trong nước chủ yếu do doanh nghiệp ngoại chi phối, điển hình như GrabFood, ShopeeFood, Baemin, GoFood trong khi chỉ có 2 ứng dụng do doanh nghiệp Việt vận hành là Loship và beFood (ra mắt hồi tháng 4 năm nay).

Tính đến cuối năm 2021, GrabFood và ShopeeFood có mức độ phổ biến cao nhất, kế tiếp lần lượt là Baemin, GoFood và Loship.

Dịch vụ giao đồ ăn tiếp tục thu hút những đối thủ mới. Song, thói quen ở nhà, yếu tố kích thích nhu cầu gọi đồ ăn của người dùng, bắt đầu giảm xuống sau khi đại dịch qua đi và nhường chỗ cho cuộc sống bình thường mới.

Nửa đầu năm 2022, báo cáo tài chính của Grab ghi nhận tình trạng suy giảm GMV so với dự báo. Chia sẻ với Nikkei Asia Review, một lãnh đạo cấp cao của Grab cho biết nhu cầu giao đồ ăn sẽ giảm một phần nào đó.

Lạm phát tăng, kinh tế đứng trước ngưỡng cửa suy thoái buộc Grab phải thay đổi chính sách kinh doanh sang “tăng trưởng bền vững” để đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận.

Hãng tập trung điều chỉnh cấu trúc chi phí và ưu đãi cũng như đổi mới các dịch vụ để thúc đẩy tần suất giao dịch, tỷ lệ giữ chân người dùng và tương tác. Giám đốc tài chính Peter Oey cũng nhấn mạnh kế hoạch bảo toàn ngân sách và tối ưu hóa chi phí.

Đầu tháng này, một ứng dụng giao đồ ăn khác tại Việt Nam là Baemin thông báo giao lại mảng ship đồ ăn tại Bình Dương và Đà Lạt cho Ahamove. Từ ngày 6/12, tài khoản ứng dụng của tài xế Baemin đã được vô hiệu hóa và không thể nhận đơn.

Tài xế Baemin tại hai khu vực trên có hai lựa chọn là dừng cộng tác hoặc chuyển sang Ahamove. Tài xế tại các tỉnh/thành phố khác vẫn hoạt động bình thường.

Trao đổi với Zing, đại diện hãng cho biết quyết định triển khai liên kết với Ahamove tại Bình Dương và Đà Lạt dựa theo nhu cầu đặt đồ ăn khác nhau của các tỉnh thành cũng như tình hình đối tác hoạt động tại đó.

Loship mới đây cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi bị hàng loạt đối tác kinh doanh kêu gọi tắt app, bỏ gian hàng, vote một sao sau khi không thể rút tiền trên ứng dụng.

Đại diện hãng thừa nhận tình trạng thanh toán chậm trễ, tuy nhiên khẳng định không có chuyện Loship đang gặp khó khăn về dòng tiền, về hoạt động kinh doanh hay đang đầu tư vào một công ty khác.

“Từ đầu tháng 10 cho tới cuối tháng 11, hệ thống thanh toán của Loship gặp sự cố lỗi nghiêm trọng. Trước đây, việc thanh toán của chúng tôi được tự động hóa nên khách hàng sẽ nhận được tiền trong vòng 24 giờ. Vì sự cố này mà Loship phải thanh toán thủ công cho từng đối tác dẫn đến việc chậm trễ”, vị này lên tiếng và nhấn mạnh ứng dụng đã khắc phục gần xong lỗi.

Hồi tháng 6, DealStreetAsia từng đưa tin Loship đang tìm kiếm nguồn vay tín dụng mà nguyên nhân đa phần bắt nguồn từ bối cảnh kinh tế bất ổn.

Một ông lớn gọi đồ ăn trực tuyến khác là ShopeeFood (trước là Now) từ giữa năm cũng gặp nhiều biến động, đặc biệt là làn sóng sa thải nhân sự của các công ty công nghệ lớn trên thế giới.

Cuộc chiến đốt tiền chưa hồi kết

Không chỉ đối mặt với vấn đề vĩ mô, các ứng dụng cũng chật vật tìm giải pháp quản lý dòng tiền thay vì tiếp tục vung vào khuyến mãi để lôi kéo người dùng. Trên thực tế, thói quen đặt đồ ăn online của người Việt vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ các ưu đãi của ứng dụng.

Báo cáo của Q&Me vào cuối năm 2021 cho thấy bên cạnh tính tiện lợi, lựa chọn đa dạng hay tiết kiệm thời gian, các chương trình khuyến mãi như voucher giảm giá, miễn phí ship cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của người dùng mỗi khi gọi đồ ăn.

Có tới 65% người dùng coi ưu đãi là lý do để sử dụng dịch vụ, con số này tăng 7% so với kết quả ghi nhận vào năm 2020. Đây cũng là mối bận tâm cao thứ hai trong số hàng loạt ưu điểm của dịch vụ giao đồ ăn.

Bên cạnh đó, xu hướng chọn món, nhà hàng của người dùng cũng bị các chương trình khuyến mãi chi phối. Có tới 30% người dùng luôn luôn tìm kiếm nhà hàng có ưu đãi, 39% thường xuyên làm vậy, 26% ưu tiên nhà hàng ưa thích hơn ưu đãi và chỉ 5% chọn nhà hàng ưa thích mà không quan tâm đến ưu đãi.

Ở khía cạnh phí vận chuyển, 28% người dùng luôn tìm kiếm nhà hàng miễn phí ship, 50% thường xuyên làm vậy, 22% còn lại quan tâm đến nhà hàng hơn.

Ngoài ra, có tới 63% người dùng cảm thấy hài lòng về ứng dụng giao đồ ăn nhờ cung cấp ưu đãi hấp dẫn. Tỷ lệ này chỉ đứng sau yếu tố ứng dụng dễ dàng sử dụng, tiếp cận. Mặt khác, điều khiến người dùng không hài lòng nhất với các ứng dụng chính là phí ship.

Tại một hội thảo về thương mại điện tử diễn ra đầu tháng 12, ông Jinwoo Song - Tổng giám đốc Baemin Việt Nam - đánh giá thách thức lớn nhất hiện nay đối với giao đồ ăn trực tuyến là khả năng phát triển bền vững khi thị trường chủ yếu được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh về khuyến mãi giữa các đối thủ.

Việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đón lượng người sử dụng đông đảo và nâng cao số lượng đơn hàng. Tuy nhiên điểm bất cập là tạo ra một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.

Grab là ví dụ điển hình cho làn sóng cắt giảm ưu đãi. Ngay từ giữa năm, CEO Anthony Tan đã có kế hoạch cắt giảm các ưu đãi cho tài xế đối tác trong nửa cuối năm nếu lực lượng này duy trì được sự ổn định.

Trong báo cáo tài chính quý III, dù cả GMV và doanh thu đều tăng trưởng hai con số, Grab chỉ dành tổng cộng 476 triệu USD cho ưu đãi đối tác và khách hàng trong tất cả dịch vụ, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 9% so với quý II và 15% so với quý I.

(Theo Zing)

Tin khác