Theo DealStreetAsia, GoTo hiện có tổng khối lượng giao dịch lên tới 451.500 tỷ rupiah, chiếm một phần đáng kế trong GDP 5 triệu tỷ rupiah của Indonesia.
Trong quý III, GoTo cố gắng giảm tốc độ đốt tiền xuống 3.900 tỷ rupiah, tương đương 250 triệu USD. Trong hai quý đầu năm, công ty đốt lần lượt 4.730 tỷ rupiah và 4.540 tỷ rupiah.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm, GoTo đã đốt sạch 13.300 tỷ rupiah, khoảng 850 triệu USD. Đây gần như toàn bộ số tiền công ty huy động được thông qua đợt IPO. Tháng 4 vừa qua, GoTo huy động 1,1 tỷ USD nhờ IPO với giá chào bán 338 rupiah/cổ phiếu.
Vung tiền quá trán
Tính đến quý III, số dư của GoTo khoảng 31.600 tỷ rupiah, tương đương 2 tỷ USD, gần bằng thời điểm trước niêm yết.
Theo ước tính của nhà phân tích Clarence Chu đến từ Aequitas Research, với tốc độ chi tiêu như hiện tại, GoTo chỉ có thể kéo dài thêm đúng 2 năm.
Mặt khác, hai đối thủ cạnh tranh chính của hãng là Grab và Sea Limited (công ty mẹ Shopee) đang nắm giữ đủ tiền mặt trong tay. Hơn nữa, cả hai đều hoạt động tại nhiều thị trường và có thể điều chỉnh chi tiêu ở các khu vực khác và dồn cho Indonesia.
“Sea có dòng tiền dồi dào từ mảng kinh doanh game. Một mảng của họ đã có lãi góp dương, do vậy có thể trợ cấp chéo giữa các ngành dọc của công ty”, Chandra Pasaribu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Yuanta Sekuritas, chia sẻ.
Sea có hơn 7,3 tỷ USD tiền mặt tính đến quý III, gấp 3 lần GoTo. Tuy nhiên, mức đốt tiền của công ty cao gần gấp đôi, đạt 485 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm, Sea đã đốt 1,4 tỷ USD.
Trong khi đó, thanh khoản tiền mặt ròng của Grab đạt 5,32 tỷ USD, cao gấp đôi GoTo. Công ty mới đốt 140 triệu USD và có tỷ lệ đốt tiền mặt thấp hơn nhiều công ty đến từ Indonesia.
Theo Swarup Gupta - Quản lý mảng công nghiệp tại The Economist Intelligence Unit, tin rằng vị thế tiền mặt của GoTo yếu hơn nhiều so với Grab và Sea.
Trên thực tế, doanh thu từ dịch vụ di chuyển của Grab đã chuyển biến khả quan kể từ cuối năm 2019 trong khi mảng giao hàng đã có lãi ở 5 hoặc 6 thị trường. Tương tự, Sea vẫn có thể phụ thuộc vào mảng trò chơi Garena để mang lại dòng tiền dương cho đến quý đầu tiên của năm 2022.
“Dự trữ tiền mặt của GoTo có thể cạn kiệt trước khi kết thúc thời hạn dự kiến sinh lời và trong trường hợp đó, công ty buộc phải huy động vốn trong hai năm tới”, Gupta nhận định.
Cần giải cơn khát vốn
Để cải thiện vị thế tiền mặt, GoTo có thể tính tới một số giải pháp nhưng không ngoại trừ khả năng phải trả giá và khiến hoạt động huy động vốn khó khăn hơn. Trong bản cáo bạch IPO, GoTo có kế hoạch IPO quốc tế trước cuối năm 2023.
Tháng 8/2022, Reuters cho biết công ty đang tìm cách huy động thêm 1 tỷ USD thông qua trái phiếu chuyển đổi. Dẫu vậy kể từ đó không xuất hiện thêm bất cứ tin tức nào.
Trái phiếu chuyển đổi có thể là lựa chọn tốt nhất do không làm giảm giá trị công ty. Nhưng GoTo cần một số nền tảng để đảm bảo giới đầu tư tham gia định giá công ty ở mức hợp lý.
Giá cổ phiếu GoTo đã giảm xuống 115 rupiah/đơn vị. Nhà phân tích Liza Carmelia Suryanata từ HP Sekuritas dự đoán giá cổ phiếu có thể điều chỉnh xuống còn 100 rupiah hoặc thậm chí chạm đáy 60 rupiah.
Niko Margaronis - nhà phân tích tại BRI Danareksa Sekuritas - cho biết GoTo có hai lựa chọn để huy động vốn trong năm tới là phát hành chứng quyền và IPO quốc tế. Clarence Chu thì cho rằng các nhà đầu tư lớn hiện tại như Alibaba và SoftBank có thể bơm thêm tiền vào công ty.
CEO GoTo trong báo cáo thu nhập cho biết đã nâng thời gian đạt điểm hòa vốn lãi góp thêm 1-2 quý. Trước đó, công ty dự kiến lãi góp chuyển dương vào quý I/2024 trong khi phân khúc thương mại điện tử chuyển dương vào quý IV/2023.