Theo Reuters, Grab cố gắng giảm lỗ bằng cách đóng cửa một số mảng kinh doanh không hiệu quả, đồng thời giảm chi tiêu cho các ưu đãi nhằm hạn chế rủi ro trong môi trường kinh doanh vào năm 2023.
Grab hiện là cái tên quen thuộc ở 8 quốc gia Đông Nam Á với khoảng 8.800 nhân viên tính đến cuối năm ngoái.
Không chỉ Grab, các công ty công nghệ khác cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế. Trong khi chi phí vẫn gia tăng, tốc độ tăng trưởng tại các thị trường trọng điểm đã bắt đầu chậm lại.
Tháng 11 vừa qua, GoTo thông báo sa thải 1.300 công nhân, tương đương 12% lực lượng. Tham gia làn sóng sa thải và cắt giảm chi tiêu còn có gã khổng lồ thương mại điện tử Shopee.
Giá cổ phiếu Grab đã giảm một nửa trong năm nay trong khi GoTo giảm 75%. Trước nỗi lo về lợi nhuận và tăng trưởng, cổ phiếu công nghệ đang bị giới đầu tư bán tháo.
Hồi tháng 9, Giám đốc vận hành của Grab Alex Hungate cho biết công ty chưa có kế hoạch sa thải hàng loạt. Nhưng thay vào đó hãng gọi xe sẽ tuyển dụng có chọn lọc và kiềm chế tham vọng trong mảng dịch vụ tài chính.
Quay lại bản ghi chú, CEO Tan nhấn mạnh thị trường Đông Nam Á đã và sẽ không thoát khỏi tình trạng giá cả và lãi suất leo thang cũng như những tác động đi kèm đẩy lùi tăng trưởng.
Grab dự kiến đóng băng phần lớn vị trí tuyển dụng không thuộc nhóm được công ty chủ động đàm phán. Các vị trí quan trọng cũng sẽ trải qua quá trình phê duyệt.
Các quản lý cấp cao sẽ không được tăng lương trong những đợt đánh giá tới. Ngân sách chi phí và đi lại cũng giảm thêm 20% so với thông báo cuối cùng.
“Không quyết định nào trong số này dễ dàng, nhưng chúng sẽ giúp công ty trở nên gọn gàng và cân đối hơn, chúng ta cũng tăng tốc nhanh hơn nữa để hướng tới tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận”, ông Tan nói, đồng thời nhấn nhân viên của Grab “cần áp dụng một tư duy tiết kiệm và thận trọng hơn bao giờ hết khi chuẩn bị cho năm 2023”.