Mất quyền điều hành cà phê hòa tan, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn gì?
Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Cuộc chiến pháp lý giành quyền kiểm soát Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên có trụ sở ở KCN Tân Đông Hiệp, Thị xã Dĩ An của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chính thức chấm dứt sau 1 thời gian khá dài.
Theo đó, ngày 13/7, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) tại công ty trên. Quyền điều hành doanh nghiệp này được khôi phục cho bà Thảo.
Đồng thời, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 28/11/2013 của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng được khôi phục tính pháp lý.
Cà phê hòa tan là mảng kinh doanh đem lại khá nhiều doanh thu cho Trung Nguyên. Số liệu của Euromonitor, năm 2015, thương hiệu cà phê hòa tan G7 đã đạt doanh thu 245 tỷ đồng và trở thành 1 trong 3 thương hiệu cà phê hòa tan lớn nhất Việt Nam.
Mất cà phê hòa tan, giấc mơ thống lĩnh thị trường trong nước của ông Vũ coi như mất. Tuy nhiên, mất cà phê hòa tan không phải ông Vũ sẽ mất tất cả.
Bởi lẽ, "Vua cà phê" còn nắm giữ quyền điều hành tại nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là trong Tập đoàn Trung Nguyên, nơi nắm cổ phần chi phối ở hầu hết các công ty thành viên trong hệ thống. Vốn điều lệ của Trung Nguyên lên đến 1.500 tỷ đồng.
Người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, doanh nghiệp có quy mô vốn lên đến gần 3.200 tỷ đồng cũng là ông Vũ. Đơn vị này chủ yếu là đầu tư vào các công ty thành viên thuộc Trung Nguyên Group.
Hệ thống cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên (Công ty Trung Nguyên Franchising) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và Công ty Đầu tư du lịch Đặng Lê vốn 98 tỷ đồng hoạt động khai thác du lịch cũng dưới sự điều hành của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ngoài ra, ông Vũ còn kiểm soát hệ thống bán lẻ của Công ty Thương mại và dịch vụ G7 toàn cầu và Công ty Thương mại và dịch vụ G7. 2 đơn vị này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Đối với bà Thảo, ngoài Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, hiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đang điều hành Công ty TNHH TNI chuyên sản xuất cà phê xuất khẩu quốc tế và Công ty Trung Nguyên International Singapore với trụ sở chính tại Singapore.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã từng chia sẻ: "Khao khát lớn nhất của tôi là đưa thương hiệu Việt ra thế giới, có thể ngang tầm và cạnh tranh với các công ty đa quốc gia trong ngành cà phê".
Theo Trí Thức Trẻ
Tin khác