Vì sao 'ông trùm' phòng gym ngừng mở rộng?

"Chúng tôi không hoàn hảo. Chúng tôi đã phát triển và mở rộng quá nhanh nên gặp những khó khăn nhất định. Đó là lý do vì sao trong những năm gần đây, chúng tôi không mở thêm câu lạc bộ", ông Dane Fort, Tổng giám đốc FLG Việt Nam, công ty sở hữu chuỗi California Fitness & Yoga, chia sẻ mới đây.

Với 35 chi nhánh, nhà khai phá phòng tập theo chuỗi ở Việt Nam từng sở hữu nhiều cơ sở nhất thị trường. Tuy nhiên, gần đây họ đứng yên, trong khi nhiều "ngôi sao mới" đã xuất hiện.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy, thương hiệu đang sở hữu nhiều chi nhánh nhất là 25 Fit với 41 cơ sở, dù mới thành lập vào tháng 7/2019. Một số cái tên khác, có tuổi đời đều khá non trẻ, cũng có từ 10 đến gần 30 chi nhánh như Curves, Diamond Fitness Center, Olympia Việt Nam, Elite Fitness, CitiGym, S'Life Gym và The New Gym.

Không chỉ mới về tuổi đời, một số còn mang đến những xu hướng mới. 25 Fit mở rộng nhanh nhờ nhượng quyền và giới thiệu giải pháp luyện tập bằng công nghệ EMS (Electrical Muscle Stimulation), tức sử dụng xung điện để tăng cơ, đốt mỡ.

The New Gym thì hoạt động 24 giờ. Curves chỉ dành cho phụ nữ. City Gym và Elite Fitness nằm trong các hệ sinh thái của doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, thị trường còn nở rộ mô hình "Private Gym", tức các phòng tập một kèm một.

"Bất kỳ ai có đủ tiền đều có thể xây dựng một phòng tập với cơ sở vật chất tương tự như chúng tôi. Và ở Việt Nam, rất nhiều người có khả năng làm được", Dane Fort nhìn nhận. Tuy nhiên, sau 15 năm khai phá thị trường phòng gym theo chuỗi, ông nói vấn đề của họ giờ không phải mở thêm địa điểm mà là tái đầu tư vào các câu lạc bộ hiện hữu để giữ chân hội viên.

Theo tính toán của Dane, chi phí tìm một hội viên mới gấp 10 lần so với việc giữ chân hội viên đã có. Trong khi, vị thế "ông trùm" của họ vốn vẫn áp đảo. Số liệu tự công bố của công ty cho biết, chuỗi đang có khoảng 250.000 hội viên. Mỗi ngày, họ đón khoảng 30.000 lượt đến tập. Ước tính trong một năm, chuỗi này có 11 triệu lượt khách tập.

"Ngay trước Covid, chúng tôi thực hiện khảo sát và thị phần của công ty về số lượng hội viên khoảng 72-73%", Dane nói. Đó là lý do ông định đầu tư 2 triệu USD vào những câu lạc bộ hiện có để nâng cấp thiết bị, dịch vụ nhằm giữ vững số hội viên này.

Thực tế, đi chậm lại cũng là điều cần thiết cho California Fitness & Yoga sau thời gian ồ ạt phát triển hội viên. Mặt trái là chuỗi này bị một số khách hàng than phiền về việc giá cả "nhảy múa" khó đoán, tùy từng nhân viên kinh doanh. Kênh bán hàng qua điện thoại tiếp cận tần suất dày đặc.

"Số lượng nhân viên đông cũng là một vấn đề (chuỗi này có đến 3.000 nhân viên). Khi một nhân viên trẻ mới bắt đầu công việc, bạn ấy có thể tư vấn sai cho khách hàng dẫn đến cái nhìn tiêu cực của khách", Dane chia sẻ. Vì thế 2 năm tới, ông cũng triển khai chương trình đào tạo nhân sự nội bộ chuyên sâu để nâng cao độ chuyên nghiệp và đồng bộ hóa đội ngũ.

Thị trường câu lạc bộ thể hình ở Việt Nam dự kiến đạt quy mô trên 3,5 tỷ USD vào cuối 2023, theo Ken Research. Tuy nhiên, dự báo này đưa ra vào 6/2019, trước khi Covid-19 xuất hiện. Qua 2 năm dịch, thị trường ít nhiều biến đổi. Không ít phòng tập quy mô gia đình đóng cửa, trong khi mô hình theo chuỗi mở rộng.

Giữa mùa dịch, khảo sát của Q&Me về thói quen tập thể dục thể thao của người Việt Nam vào tháng 5/2021, cho biết fitness là loại hình thể dục phổ biến nhất (85%), so với thể thao và võ thuật. Trong fitness, 4 bộ môn được chọn nhiều là đi bộ (66%), chạy bộ (61%), đạp xe (38%) và gym (33%). Người Việt luyện tập vì 3 lý do chính là giúp xương chắc khỏe (48%), giảm stress (43%) và giảm cân (40%).

Dane cho rằng mặt tích cực của đại dịch là khiến nhiều người quan tâm đến chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, giúp ngành fitness thêm cơ hội. "Tình hình kinh doanh của chúng tôi rất tốt. Chúng tôi thậm chí có những con số ấn tượng hơn so với trước dịch như số lượng hội viên đến tập luyện nhiều hơn, số lượng hội viên mới tăng cao hơn, doanh thu cũng tốt hơn", ông tuyên bố.

Dư địa ở Việt Nam còn rất nhiều. Dane cho biết tỷ lệ thâm nhập của ngành fitness vào tầng lớp trung lưu Hong Kong là 14%, Australia là 23% và Mỹ là 17%. Tại Việt Nam con số này dưới 1%. "Cuối năm nay, tỷ lệ thâm nhập thị trường sẽ là 1,25%. Chúng tôi dự đoán trong vòng 5 năm tới, con số này sẽ là 5%", Dane nói.

Đó cũng là lý do nhiều chuỗi tiếp tục mở rộng phạm vi hiện diện, tăng cường hoạt động tiếp thị và giới thiệu những giải pháp luyện tập mới. Để ứng phó, Dane cũng có "bài" riêng. Ví dụ như thương hiệu khác có công nghệ EMS thì bên ông mang về công nghệ nén - hút chân không Hypoxi từ Australia.

Hay như ý tưởng phòng tập hoạt động xuyên suốt 24h thì FLG Việt Nam cũng có Jetts Fitness. "Hai năm tới, mục tiêu của chúng tôi sẽ mở rộng thêm khoảng 12 chi nhánh", Dane nói về mục tiêu với Jetts. Hiện chuỗi này có 2 cơ sở. Với những mô hình nhượng quyền hay đi theo hệ sinh thái bất động sản, Dane tin rằng sẽ không đủ đam mê, am hiểu và chuyên tâm như bên ông.

Mô hình "Private Gym" có thể nhận được một phân khúc nhưng khó trở thành nhánh chủ đạo, vì xu hướng lớn vẫn là lựa chọn "all-in-one" (tất cả trong một). Theo Dane, xu hướng ở Việt Nam là toàn diện (inclusive), mở rộng (open), và linh hoạt (as flexible as possible).

Ông cho hay, trước đại dịch, Việt Nam tồn tại những phòng tập chuyên về yoga, boxing...Còn sau dịch, xu hướng là mọi người mong muốn được tập luyện ở một nơi có đầy đủ loại hình, tự do lựa chọn đa dạng bộ môn chỉ với một thẻ hội viên.

Thực tế, các chuỗi lớn đều đang theo xu hướng này. Và khi các ông lớn không thể hơn thua bằng số tiền đầu tư, máy móc thiết bị thì sự am hiểu về chuyên môn, chất lượng nhân sự dường như sẽ quyết định ai là người ở lại thị trường lâu dài, nhờ có được tỷ suất lợi nhuận cao.

"Nếu kinh doanh tốt, con số đó (tỷ suất lợi nhuận) khoảng 26-27%. Mức trung bình là 20%. Trong khi đó, những người không hiểu biết về ngành, con số đó sẽ dưới 10% hoặc thậm chí là âm", Dane kết luận.

(Theo Vnexpress)

Tin khác