Ngành bán lẻ, ăn uống ồ ạt tuyển lao động thời vụ

Cả tuần nay, chị Hoài, trưởng bộ phận bán hàng ở một cửa hàng bán lẻ tại quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết liên tục tuyển người làm việc bán thời gian (cho giai đoạn hiện nay và mùa cận Tết) nhưng đều thất bại. Trước đó, nhiều nhân viên thời vụ đã xin nghỉ sớm về quê. "Chưa năm nào tuyển lao động thời vụ khó như hiện nay dù mức lương đề xuất tăng 15% so với năm ngoái", chị Hoài nói.

Chuỗi gà rán trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp cũng cho hay từ đầu tháng 11 đến nay đã ráo riết đăng tìm phụ bếp bởi 5-6 người vừa xin nghỉ. "Công ty vẫn đang thuyết phục họ làm từ đây đến xuyên Tết để nhận thưởng xứng đáng nhưng chưa ai chấp thuận", anh Hoàng, bếp trưởng chuỗi này cho biết.

Không chỉ các chuỗi cửa hàng nhỏ thiếu người dịp sát và trong Tết, ngay cả các ông lớn trong ngành bán lẻ cũng đang 'khát' nhân viên thời vụ. Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - đơn vị có hơn 1.000 điểm bán lẻ - cho biết toàn bộ chuỗi cửa hàng siêu thị của hãng đang cần tuyển 1.000-2.000 lao động thời vụ Tết, tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Chúng tôi đang cần tuyển dụng cho các vị trí gói quà, hỗ trợ bán hàng, kho và thu ngân đối với một số trường hợp có kinh nghiệm", đại diện Saigon Co.op nói.

Tương tự, các hệ thống siêu thị của MM Mega Market, AEON Mall, Lottemart cũng cấp tập tuyển dụng với số lượng hàng trăm đến hàng nghìn người. "Chúng tôi đã đăng tuyển từ sớm nhưng hiện chưa tuyển đủ 850-900 người. Những lao động đã được tuyển sẽ nhận việc đầu tháng 12, rải rác cho đến đầu tháng 1 và làm đến hết ngày 29 Tết Nguyên đán", đại diện MM Mega Market nói.

Công ty TNHH AEON Việt Nam cho hay dù đã sớm lên kế hoạch tuyển gần 1.000 nhân viên thời vụ Tết, doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn. Theo bà Trần Thị Tuyết Trinh, Trưởng phòng nhân sự AEON Việt Nam, việc tuyển dụng không thuận lợi do ứng viên chủ yếu là sinh viên nên xếp ca làm việc thường phụ thuộc vào lịch học của họ, số khác về quê sớm sau khi trường cho nghỉ Tết.

Bên cạnh nhóm bán lẻ, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, thủy sản cũng đang cấp tập tuyển lao động thời vụ Tết.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một công ty thực phẩm tại TP HCM cho biết sau Covid-19, tuyển người rất khó ngay cả với nhân viên thời vụ. Doanh nghiệp của ông luôn thiếu 15-20% lao động trong nhà máy. Công ty đang tìm mọi cách để bù đắp nhưng không dễ vì thị trường đang thiếu người có kỹ năng.

Đang rốt ráo chuẩn bị hàng Tết, ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan) - thông tin năm nay công ty sẽ cung ứng ra thị trường 4.200 tấn thực phẩm chế biến và 2.000 tấn thực phẩm tươi..., tăng lần lượt 10% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì sản lượng gia tăng và để phục vụ tốt hơn cho khách hàng, công ty đã và đang tuyển dụng hơn 200 người cho mùa Tết. Thời gian đầu, việc tuyển dụng rất khó vì nhiều người chọn cách về quê ăn Tết sớm. Mặt khác, lao động của những năm trước đây không trở lại làm việc sau dịch, khiến người làm việc thời vụ bị thiếu hụt trầm trọng.

"Chúng tôi đăng tuyển từ rất sớm, tới nay vẫn chưa đủ công nhân thời vụ làm việc tại xưởng chế biến thực phẩm và xưởng giết mổ", ông Dũng nói. Theo ông, mức lương cho diện này dao động 7,5-9 triệu đồng một tháng tùy vị trí làm việc. Ngoài ra, công ty còn có thêm phụ cấp chuyên cần, bữa ăn giữa ca, xăng xe... cho công nhân.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu tuyển nhân viên bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết chiếm 15%. Trong đó, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ (hơn 66%), khu vực công nghiệp - xây dựng (trên 33%) và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 0,14%.

Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Nguyễn Văn Lâm trước đó cũng cho rằng, dù lượng người nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 27% so với cùng kỳ, nhu cầu tuyển dụng cuối năm vẫn lên tới 43.000 người. Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, dự kiến 3 tháng cuối năm, thành phố cần 69.500-77.100 lao động để phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết.

Các doanh nghiệp cho biết đang tìm mọi giải pháp để tuyển được số lượng lao động phù hợp nhất. Trong đó, tăng thu nhập đang là cách được nhiều nơi sử dụng. Chẳng hạn, nhân viên thời vụ tại AEON Việt Nam làm việc trong khoảng thời gian 20 ngày trước Tết sẽ được hưởng 150% tiền lương và khi làm việc vào các ngày lễ Tết được hưởng 400% tiền lương...

Đặc biệt, nhiều hệ thống siêu thị cho biết còn có phần hỗ trợ tiền cơm hoặc cung cấp suất ăn, một số hệ thống khác có phần quà cho các bạn sinh viên thời vụ sau khi kết thúc công việc.

Với khối sản xuất, ngoài việc tuyển dụng trực tiếp với mức lương hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp còn chọn cách tuyển dụng thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê lao động. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, chất lượng không tương xứng với nhu cầu và người lao động liên tục nghỉ ngang không báo trước ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Trong khi các nhà bán lẻ ồ ạt tuyển dụng nhân sự, tại nhiều doanh nghiệp lại sa thải công nhân rất nhiều do không có đơn hàng. Dẫu vậy, nhóm này khó tìm việc làm mới vì lớn tuổi hoặc kỹ năng tay nghề cho những công việc mới không phù hợp nên vẫn trong tình trạng thất nghiệp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thực phẩm ở Bình Dương cho biết công ty ông vẫn thiếu 25% lao động thường xuyên nhưng khó tuyển vì chất lượng nhân sự thấp, sức khỏe không đáp ứng và tay nghề không tương xứng.

Đánh giá về thị trường việc làm thời vụ những tháng cuối năm, lãnh đạo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho rằng, nhu cầu tuyển dụng việc làm thời vụ vẫn tăng cao. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo với việc tuyển dụng ồ ạt trên, nhiều đối tượng lợi dụng thông tin để lừa đảo. Trên mạng xã hội đang xuất hiện tràn lan các thông báo rao tuyển với tiêu chí việc nhẹ, lương cao... Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng để tránh bị mất tiền oan khi đi xin việc.

(Theo Vnexpress)

Tin khác