Sau đợt cao điểm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) của Công an TP.HCM, ghi nhận của Zing cho thấy hàng loạt quán karaoke đã tạm ngừng hoạt động để khắc phục thiếu sót. Những tồn tại chủ yếu liên quan đến hệ thống điện, lối thoát hiểm, đèn báo cháy, phương tiện CNCH cũng như vật liệu bên trong.
Tuy nhiên, mới đây, 38 cơ sở kinh doanh karaoke đã cùng ký đơn kiến nghị gửi UBND TP.HCM và các cơ quan công an cho rằng việc yêu cầu tất cả phòng hát phải sử dụng vật liệu không cháy, khó cháy là không đúng quy định pháp luật và gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
Mỗi quán karaoke mất vài tỷ đến vài chục tỷ để khắc phục
Trao đổi với Zing, ông Dũng, chủ một quán karaoke ở quận 12, TP.HCM có tham gia kiến nghị, khẳng định sẽ sớm khắc phục các yếu tố chưa đảm bảo an toàn PCCC và CNCH theo quy định.
Riêng với vấn đề vật liệu bên trong phòng hát, ông cần cơ quan chức năng đưa ra căn cứ pháp luật rõ ràng trước khi đề nghị ông ngừng hoạt động để thay thế.
Theo ông, Điều 3.3.4 QCVN 06:2021/BXD quy định vật liệu làm lớp hoàn thiện tường, trần và tấm trần treo trong gian phòng phải là vật liệu không cháy, khó cháy ở các công trình nói chung, không nói rõ trường hợp phòng hát karaoke.
Trong khi đó, Thông tư 147/2020 của Bộ Công an quy định riêng cho cơ sở karaoke, vũ trường lại chỉ đặt ra yêu cầu này với các gian phòng có diện tích từ 50 m2 trở lên và các gian phòng trong tầng hầm, tầng nửa hầm.
"Hầu hết phòng hát ở TP.HCM có diện tích dưới 50 m2, do đó trước nay chúng tôi sử dụng nhiều vật liệu khác nhau và đã được lực lượng PCCC nghiệm thu, cho phép hoạt động. Nay chính lực lượng PCCC yêu cầu chúng tôi khắc phục, nếu không kịp trong 30 ngày thì bị đình chỉ hoạt động, vậy thiệt hại này ai chịu?", ông Dũng đặt vấn đề.
Phân tích cụ thể, ông Nguyên, chủ một số cơ sở khác ở quận 12, Tân Bình cho hay chi phí trang trí một phòng karaoke bình quân 200-500 triệu đồng, cá biệt có nơi đầu tư 1-1,5 tỷ đồng. Nếu làm theo quy định, họ không những lãng phí khoản đầu tư này mà còn tốn thêm chi phí tháo dỡ và đầu tư mới.
"Mỗi cơ sở phải bỏ ra thêm từ vài tỷ đến vài chục tỷ, gây lãng phí, thiệt hại về kinh tế là cực lớn, làm kiệt quệ ngành karaoke vốn đã thua lỗ vài năm nay, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản", đơn kiến nghị nêu rõ.
Dù không đưa ra con số cụ thể, ông H., đại diện một doanh nghiệp lớn trong ngành cũng xác nhận chi phí khắc phục còn lớn hơn chi phí đầu tư mới, bởi cần xem xét rất nhiều yếu tố trong quá trình thi công.
Vị này đồng thời khẳng định không thể hoàn thành kịp trong vòng 30 ngày: "Chỉ một quán sửa đã khó, nay đồng loạt tất cả quán ở TP.HCM cùng sửa thì các đơn vị cung cấp vật liệu, nội thất không thể sản xuất kịp. Chúng tôi đang triển khai 'cuốn chiếu' từng cơ sở, cái nào xong trước sẽ mở trước".
Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, các cơ sở không những mất nguồn thu mà còn phải tiếp tục chi trả tiền mặt bằng, lương nhân viên...
"Mỗi tháng, một cơ sở quy mô 15 phòng thường chi 150-200 triệu đồng để thuê mặt bằng, thêm khoảng 100 triệu đồng cho 20-25 nhân viên, chưa kể khấu hao tài sản và lãi vay ngân hàng. Chúng tôi rất muốn hợp tác vì đây cũng là an toàn cho chúng tôi, nhưng cần có quy định rõ ràng và hướng dẫn cụ thể để chúng tôi tính toán tiền bạc, cũng như nới rộng thời gian khắc phục", ông Nguyên cho hay.
Cần sự đồng hành thay vì cứng nhắc
Hiện tại, theo ghi nhận của Zing, trong khi một số đơn vị karaoke lớn đang tất bật tháo dỡ và trang trí mới thì hầu hết cơ sở quy mô nhỏ chỉ đang tạm ngừng hoạt động mà chưa biết thay thế vật liệu mới nào.
Thực tế, ông H. cho hay doanh nghiệp của ông cũng gặp khó trong việc tìm kiếm vật liệu chống cháy, khó cháy có thể đảm bảo cả về thẩm mỹ lẫn chất lượng âm thanh. Tuy nhiên, nhờ tiềm lực sẵn có nên đến nay doanh nghiệp đã phần nào có giải pháp.
"Sau nhiều vụ cháy nghiêm trọng, tôi tin chắc chủ đầu tư nào cũng muốn đảm bảo an toàn. Bản thân chúng tôi xác định hiệu quả âm thanh sẽ không bằng trước đây nhưng vẫn cố gắng vì đây là an toàn cho nhân viên, khách hàng và chính chủ đầu tư. Nhưng tất nhiên, cơ sở nhỏ lẻ sẽ gặp khó vì vấn đề tài chính hơn", ông H. nói.
Với kinh nghiệm thiết kế cho nhiều cơ sở karaoke, kiến trúc sư Mạnh Thiên Dương cũng xác nhận có nhiều loại vật liệu chống cháy, khó cháy phù hợp, tuy nhiên chi phí không hề nhỏ.
"Chủ đầu tư có thể dùng kính thay vì nhựa, hay hút âm, cách âm bằng bông thủy tinh thay vì mút, xốp, nhưng chi phí đầu tư có thể tăng lên khoảng 3 lần. Đây cũng là lý do hầu như không có quán karaoke nào sử dụng 100% vật liệu chống cháy, bởi đa số đều vay ngân hàng, cần thu hồi vốn nhanh", KTS cho biết.
Dù vậy, ông Dũng cho rằng cần xét bài toán tài chính trong bối cảnh kinh doanh thực tế. "Chỉ 1-2 năm nữa là hết hạn thuê mặt bằng, làm sao chúng tôi dám bỏ hàng tỷ đồng ra trang trí lại, trong khi không chắc chắn trang trí xong có được nghiệm thu hay không, thậm chí với tiền lệ như thế này thì liệu một thời gian sau chúng tôi có phải đập đi xây lại lần nữa?", ông bày tỏ.
Do đó, để cân đối, ông kiến nghị không yêu cầu sử dụng vật liệu không cháy, khó cháy với các phòng hát dưới 50 m2 đã được nghiệm thu PCCC trước đây. Thay vào đó, cơ sở sẽ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu còn lại đã được quy định cụ thể.
Trả lời Zing về tính an toàn PCCC nếu duy trì các vật liệu cũ trong phòng hát, ông Dũng khẳng định an toàn PCCC cần nhiều yếu tố chứ không chỉ vật liệu.
Không bình luận về kiến nghị của các cơ sở kinh doanh như ông Dũng, nhưng ông H. vẫn cho rằng cơ quan chức năng nên đồng hành cùng doanh nghiệp hơn là chỉ đưa xuống những văn bản cứng nhắc, quy định không rõ ràng như hiện nay.
"Cần hướng dẫn tận tình về các quy định, quy chuẩn, thậm chí gợi ý cụ thể nên dùng loại vật liệu nào, có thể đặt mua ở đâu. Còn nếu vẫn giữ cách làm như hiện tại, doanh nghiệp rất khó khăn", ông nói.
Trước đó, trao đổi với Zing quanh vấn đề này, đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM khẳng định karaoke là ngành kinh doanh có điều kiện, cơ sở đủ điều kiện mới được hoạt động. Nếu quán karaoke không đảm bảo an toàn PCCC mà hoạt động thì rất nguy hiểm.
Trong khi đó, nguyên nhân chính dẫn đến cháy quán karaoke là các vật liệu ốp tường, hệ thống điện không đạt tiêu chuẩn. Khi cháy, vật liệu này sẽ tỏa ra lượng khói lớn kèm theo khí độc, chỉ trong vài giây là đủ gây ngạt khói, chết người.
Những vật liệu được xem là không cháy, khó bắt cháy mà các chủ quán karaoke có thể sử dụng được, theo đại tá, là gạch, vữa, thạch cao, kính, hợp kim...