Theo khảo sát từ liên đoàn các nhà quảng cáo thế giới (WFA) và Ebiquity, biến động từ cuộc cuộc chiến Ukraine - Nga cộng với những tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lên các nhà quảng cáo, khiến họ phải phân bổ lại ngân sách quảng cáo trong năm 2023.
Gần một phần ba (29%) doanh nghiệp trên toàn cầu đang có kế hoạch giảm chi tiêu quảng cáo vào năm 2023, 40% dự định duy trì ngân sách bằng với mức của năm 2022. Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp còn lại muốn tăng chi tiêu.
Stephan Loerke, Giám đốc điều hành của WFA, chia sẻ: "Đáng mừng là vẫn có khá nhiều doanh nghiệp giữ hoặc tăng mức chi tiêu cho quảng cáo. Các cuộc suy thoái trước đây đã chỉ ra rằng những công ty tiếp tục đầu tư chi tiêu sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn trong thời kỳ kinh tế bất ổn".
Chia nhỏ theo khu vực địa lý, khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) là nơi có nhiều doanh nghiệp cắt giảm quảng cáo nhất, lên tới 32,5% số doanh nghiệp. Trong khi đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có ít doanh nghiệp giảm ngân sách nhất với chỉ có 15%. Khu vực châu Mỹ ở mức trung bình với 19,2%.
74% số doanh nghiệp “đồng ý” hoặc “đồng ý mạnh mẽ” rằng ngân sách năm 2023 đang được giám sát chặt chẽ hơn, đòi hỏi phòng marketing phải giải trình kỹ càng hơn với từng khoản đầu tư.
Nick Waters, Giám đốc điều hành của Ebiquity, cho biết: “Ngân sách truyền thông năm 2023 bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái nhiều hơn đáng kể so với ước tính trước đây. Các thương hiệu cũng sẽ đặt mục tiêu đạt được nhiều hơn với số tiền ít hơn".
Theo khảo sát, 42% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng mạnh chi tiêu cho kỹ thuật số, trong khi các phương tiện truyền thống như TV, radio, báo in và biển quảng cáo ngoài trời nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm. 48,8% doanh nghiệp đang có kế hoạch cắt giảm đầu tư ngoại tuyến và hơn 10% đang tìm cách cắt giảm chi tiêu cho báo in.
Xu hướng này có thể khiến các nhà xuất bản báo và tạp chí lo lắng, bởi hiện nay nhiều nhà xuất bản vẫn phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu quảng cáo trên báo in.
Khảo sát cũng cho thấy rằng sẽ có sự thay đổi trong hành vi chi tiêu quảng cáo, doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào hoạt động tiếp thị ngắn hạn và hiệu quả tức thì. 28% doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung tăng hiệu suất, so với 21% chỉ tập trung vào duy trì xây dựng thương hiệu.
Waters nói thêm: “Nhiều doanh nghiệp đang muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức từ đầu tư truyền thông nhưng sự đánh đổi lâu dài cần được cân nhắc cẩn thận. Việc xây dựng lại hình ảnh thương hiệu sẽ trở nên tốn kém hơn rất nhiều khi một chiến dịch thất bại".