Gần một tháng nay, chị Hòa Bình - chủ một gian hàng bán đồ mẹ và bé trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) - đau đầu vì nhận được thông báo Shopee nâng phí cố định 1,5% lên 2,5% bắt đầu từ ngày 2/10. Nếu không tham gia các gói khuyến mại như freeship, hoàn xu, chị phải trả cho sàn 5% phí dịch vụ (gồm 2,5% phí thanh toán và 2,5% phí cố định) thay vì 4% như trước kia với mỗi đơn hàng.
Chi phí gia tăng buộc người bán này phải tính đến việc tăng giá sản phẩm. Mâu thuẫn ở chỗ, ngành hàng mẹ và bé thường có sự cạnh tranh về mặt giá thành rất cao. Bên cạnh đó, tình trạng giá cả hàng hóa trên thị trường liên tục leo thang từ đầu năm khiến người mua cân đo đong đếm cũng như chi li hơn.
“Không tăng giá tức là chấp nhận giảm lãi để giữ khách và chịu ảnh hưởng đến thu nhập. Nhưng nếu tăng giá có thể ảnh hưởng đến nguồn khách sau này. Có thể khách quen họ vẫn tìm đến mình vì sản phẩm tốt, nhưng khách mới thường có xu hướng tìm sản phẩm cần mua rồi so giá giữa những gian hàng khác nhau”, chị than phiền.
Khi tiền không còn rẻ
Đây không phải lần đầu tiên Shopee tăng phí bán hàng trên nền tảng ở Việt Nam. Tuy nhiên, động thái mới nhất đến vào thời điểm công ty TMĐT đang rất cần doanh thu để cải thiện khả năng hoạt động.
Nhận định trong một đợt Shopee tăng phí vào quý III/2020, nhà phân tích Sachin Mittal từ DBS Group Holdings cho biết thu nhập từ phí hoa hồng chiếm phần lớn doanh thu của Shopee và việc nâng hoa hồng có thể cải thiện khả năng kiếm tiền của nền tảng.
Sự xuất hiện của đại dịch giúp công ty con của Sea Limited vượt trội so với các đối thủ và duy trì vị thế tại Đông Nam Á. Đây cũng là giai đoạn doanh thu từ TMĐT của tập đoàn có trụ sở ở Singapore tăng trưởng đột biến từ 1,7 tỷ USD vào năm 2020 lên 4,5 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 156,8%.
Dẫu vậy, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động marketing, bao gồm quảng cáo, khuyến mại cho người dùng, người bán… Thay vì chỉ phải bỏ ra 1,8 tỷ USD vào năm 2020, tổng chi phí bán hàng và tiếp thị của Sea tăng lên 3,8 tỷ USD, tương đương mức tăng 109,2%.
TMĐT là mảng đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu của Sea, nhưng đồng thời là lĩnh vực lỗ đậm nhất. Tính theo hệ số EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao), khoản lỗ của Shopee tăng từ 1,3 tỷ USD vào năm 2020 lên 2,5 tỷ USD trong năm sau đó.
Bối cảnh kinh tế u tối khiến các công ty công nghệ, vốn phụ thuộc nhiều vào dòng tiền huy động từ nhà đầu tư, gặp khó. Việc giới đầu tư dần mất kiên nhẫn và bắt đầu cắt giảm cổ phần trong doanh nghiệp là một trong những tín hiệu cho thấy tiền không còn rẻ để đốt.
Trên thực tế, CEO Forrest Li nhận thức được viễn cảnh này. Ông thừa nhận cơn bão sẽ không qua nhanh, những thách thức thậm chí còn kéo dài nếu nhìn về trung hạn.
Ông Li cho rằng cách duy nhất để ngừng phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài là tự lực về tài chính, kiếm đủ tiền mặt cho mọi nhu cầu và dự án.
12-18 tháng tới, mục tiêu của Sea là tạo ra dòng tiền dương càng sớm càng tốt. Đây cũng là lý do công ty cắt giảm tối đa hàng loạt chi phí như vé máy bay, khách sạn, ăn uống khi công tác. Các lãnh đạo cũng tự nguyện ngừng nhận lương, thưởng.
Tại thị trường Việt Nam, Shopee giảm bớt nhân sự, đồng thời cắt một số đãi ngộ của nhân viên như bữa sáng, teambuilding. Trên phạm vi ngoài Đông Nam Á, Shopee đang thu hẹp hoạt động tại một loạt thị trường khu vực châu Âu và Mỹ Latinh.
Tự tin vì vẫn được tiếp vốn
Mặt khác, đối thủ của Shopee là Lazada, mảng TMĐT tại Đông Nam Á của Alibaba, vẫn được công ty mẹ bơm tiền. Tính từ đầu năm, tổng ngân sách đầu tư của Alibaba dành cho Lazada đã nâng lên gần 1,3 tỷ USD với đợt bổ sung gần nhất lên tới 912,5 triệu USD.
Theo CEO Lazada James Dong, nguồn vốn khổng lồ giúp Lazada có lợi thế lớn so với các đối thủ TMĐT trong cùng khu vực, đồng thời cho phép nền tảng “ở lại cuộc chơi lâu hơn”.
Trên thực tế, bức tranh hoạt động của Lazada chưa có nhiều khởi sắc so với Shopee. Sau khi tăng trưởng 2 con số mỗi quý của năm 2021, doanh thu bán lẻ quốc tế của Alibaba đã giảm xuống còn 1,56 tỷ USD trong quý I/2022. Con số này chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Sang quý II, doanh thu bán lẻ của công ty chỉ đạt 1,57 tỷ USD, gần như không đổi so với quý I và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ nguồn lực từ công ty mẹ, ông Dong tự tin nền tảng đang có lợi thế tài chính tốt. Vị lãnh đạo cũng khẳng định nền tảng đang “trên con đường rất tốt để đạt được lợi nhuận”.
Tại Việt Nam, ứng dụng gọi xe be của Công ty CP Be Group cũng mới tiếp nhận khoản vay vốn trị giá 100 triệu USD từ ngân hàng Deutsche Bank. Số vốn dự kiến dành cho quá trình mở rộng và nâng cao 3 dịch vụ cốt lõi là gọi xe trực tuyến (xe 2 bánh và 4 bánh), giao đồ ăn, ngân hàng số Cake by VPBank, đồng thời lấn sang các thị trường và dịch vụ mới.
Nửa đầu năm 2022, doanh thu của be tại thị trường trọng điểm là TP.HCM tăng gấp 2 lần. Riêng quý I, toàn thị trường vượt hơn 1,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng phát sinh giao dịch trên nền tảng. Công ty cũng mới cho biết bắt đầu có lãi góp dương từ quý III.
Cắt giảm khuyến mãi, ưu tiên doanh thu
Mới đây, một ông lớn khác trong lĩnh vực gọi xe công nghệ là Grab cũng tuyên bố dự kiến hòa vốn trên hệ số EBITDA đã điều chỉnh vào 2 quý cuối của năm 2024. Giám đốc tài chính Peter Oey cũng nhấn mạnh việc sử dụng nguồn vốn hợp lý trong thời gian tới.
Ứng dụng dự kiến khoản lỗ EBITDA đã điều chỉnh vào nửa cuối năm nay đạt 380 triệu USD, cải thiện 27% so với nửa đầu năm. Doanh thu được dự báo vào năm 2023 tăng 45-55% so với cùng kỳ năm liền trước trên cơ sở tỷ giá không đổi.
Các hoạt động của ngân hàng số cũng được dự báo đạt điểm hòa vốn vào năm 2026.
Trong báo cáo tài chính quý II vừa qua, doanh thu của Grab đạt 321 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ trước đến nay. Mặt khác, lỗ EBITDA đạt 233 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 9%. Lỗ ròng cũng cải thiện còn 572 triệu USD so với con số trên 800 triệu USD vào năm ngoái.
Nhờ sự phục hồi nhu cầu của người dùng, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Grab tăng lên 5 tỷ USD, cao hơn 30%. Số lượng người dùng cũng nhích lên 32,6 triệu người, tăng 12%.
Giống như các nền tảng dịch vụ công nghệ khác, Grab cũng đốt số tiền không nhỏ cho các khuyến mại tặng người dùng lẫn đối tác.
Năm 2021, Grab chi hơn 1 tỷ USD cho hoạt động ưu đãi, khuyến mãi tới khách hàng và 717 triệu USD cho đối tác tài xế. Con số này tăng lần lượt 73% và 15% so với năm trước.
Bước sang năm mới, ngay quý đầu tiên, Grab chi 560 triệu USD cho ưu đãi, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Với quý II, ứng dụng bỏ ra 523 triệu USD cho khoản chi phí này, giảm 6,7% so với quý trước và chỉ tăng 26% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xu hướng này vốn được dự đoán từ trước sau khi CEO Anthony Tan tuyên bố cắt giảm các ưu đãi cho tài xế đối tác trong nửa cuối năm nếu lực lượng này duy trì được sự ổn định. Thời gian tới, công ty sẽ tập trung đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững.
Đáng chú ý, mảng giao hàng được Grab rút ngắn thời gian đạt điểm hòa vốn từ nửa cuối năm 2023 lên nửa đầu năm 2023.
Song nhìn vào kết quả kinh doanh hiện tại, chỉ có lĩnh vực di chuyển bằng xe công nghệ của Grab đã phát sinh lợi nhuận trong khi mảng giao hàng (hàng hóa, thực phẩm) và dịch vụ tài chính vẫn là con số âm.