Vuihoc vừa công bố nhận được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn gần nhất sáng 8/9. Đây là startup tổ chức hơn 1.000 lớp học trực tuyến mỗi ngày, với những lớp livestream hoặc gia sư 1-1. Dẫn dắt đầu tư là BAce Capital - quỹ được hậu thuẫn bởi Ant Group, cùng ba quỹ khác gồm Vulpes Venture, DT&Investment & Colopl Next, và Nextrans.
Vuihoc cho biết đang sở hữu hơn 400.000 học liệu dưới nhiều hình thức như khóa học online, bài giảng video, kho câu đố. Thành lập vào 2019, nền tảng đã có hàng trăm nghìn người dùng và muốn sử dụng số tiền huy động được để đẩy mạnh tăng trưởng, với mục tiêu một triệu người dùng trả phí vào năm 2024.
Cùng ngày Vuihoc công bố, một Edtech nội địa khác là Edupia công bố huy động thành công đến 14 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A. Đây là một trong những thương vụ ở vòng Seria A có số tiền gọi vốn kỷ lục tại Việt Nam. Dẫn dắt thương vụ là Jungle Ventures, cùng với eWTP Capital do Alibaba hậu thuẫn và ThinkZone Ventures.
Thành lập năm 2018 bởi Trần Đức Hùng, hiện cũng là CEO, Edtech này là nền tảng học tiếng Anh trực tuyến cho các trẻ em từ mầm non đến trung học cơ sở. Họ đã có 5 triệu người dùng tại Việt Nam và tiến sang Indonesia, Thái Lan, Myanmar. Công ty định dùng nguồn vốn mới để đầu tư công nghệ và sản phẩm, tuyển nhân sự và mở rộng thị trường ở Đông Nam Á.
Không chỉ có Edtech nội địa, các Edtech có yếu tố nước ngoài cũng đang hồ hởi vào thị trường Việt Nam. Trung tuần tháng 8, Geniebook – nền tảng công nghệ giáo dục (EdTech) lớn nhất Singapore công bố kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam sau khi được rót thêm 16,6 triệu USD vào tháng 10/2021.
Dù đang có lượng người dùng tại khu vực Đông Nam Á là hơn 220.000 người, nhưng mục tiêu nhắm của startup này là có một triệu học viên ở Việt Nam, mà họ gọi là "người tiên phong" (Changemakers).
Geniebook cung cấp sản phẩm học tập trực tuyến các môn tiếng Anh, tiếng Trung, toán và khoa học – dựa trên chương trình giảng dạy của Singapore cho cấp tiểu học và trung học cơ sở. Công ty cho hay doanh thu của thị trường Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Thậm chí, những người nước ngoài đến Việt Nam cũng tìm thấy cơ hội để khởi nghiệp Edtech. Đôi vợ chồng trẻ người Hàn Quốc Youngwook Kwon và Seonhee Yoon, hiện là CEO và COO của Yaho! là ví dụ.
Đến sống và làm việc tại TP HCM với hai con nhỏ vào tháng 4/2019, họ gặp khó khăn khi tìm kiếm dịch vụ gia sư phù hợp. Nhận thấy nhu cầu tương tự từ cộng đồng người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam cùng với số đông các gia đình trẻ bản xứ, họ bắt tay xây dựng Yaho!, một nền tảng cung cấp dịch vụ gia sư cá nhân hóa dùng trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ sẽ dựa vào tính cách trẻ và nhu cầu bố mẹ để đề xuất gia sư.
Các gia sư trên nền tảng đa phần là sinh viên được sàng lọc về lý lịch, trình độ, huấn luyện qua về chăm sóc trẻ. Để phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau từ học tập đến phát triển ngoại ngữ, kỹ năng mềm, họ cung cấp cả các gia sư có năng khiếu nghệ thuật, thủ công, thể thao cho đến toán học hay các trò chơi và thí nghiệm khoa học thực tế cho trẻ.
Theo báo cáo của EdTech Agency công bố hồi tháng 7, thị trường EdTech Việt Nam ước tính sẽ vượt 3 tỷ USD vào năm sau, thuộc top 10 thị trường EdTech tăng trưởng lớn nhất thế giới.
Trước những thương vụ rót vốn gần đây, thị trường Edtech năm ngoái đến nay cũng đã có không ít các thương vụ nổi bật như Redefine Capital Fund (Singapore) rót 2 triệu USD vào Educa, KKR rót 100 triệu USD vào Equest. Điều gì khiến thị trường này thu hút dòng tiền đến vậy?
Đầu tiên, dung lượng thị trường khá lớn, với khoảng 23 triệu học sinh. Người đi học và các gia đình có tỷ lệ sử dụng smartphone và Internet cao. Hai năm đại dịch với những thời gian phải học trực tuyến tại nhà khiến việc học online dần quen thuộc.
Bên cạnh đó, người Việt cũng rất sẵn lòng dành tiền cho con em học tập. Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu cho giáo dục, đào tạo của các hộ gia đình liên tục tăng thập niên gần đây, từ trung bình khoảng 4,1 triệu đồng mỗi người đi học mỗi năm vào 2012 lên gần 7,1 triệu đồng vào 2020.
"Chúng tôi tin vào tiềm năng to lớn của thị trường EdTech Việt Nam. Văn hóa Việt Nam đặc biệt coi trọng giáo dục và hình thức học tập trực tuyến đã được áp dụng rộng rãi hơn trong thời kỳ đại dịch", Benny Chen, Giám đốc điều hành tại BAce Capital cho biết khi rót vốn vào Vuihoc.
Theo ông, các lớp học livestream và học theo nhóm nhỏ sẽ trở thành xu hướng thị trường sau khi mô hình này đã được áp dụng thành công rộng rãi ở Trung Quốc và Ấn Độ. Một số nhà đầu tư khác thì cho rằng, khoảng cách về tiếp cận giáo dục giữa thành thị và nông thôn mở ra "đại dương xanh" cho các Edtech.
Với Jungle Ventures, Edupia là khoản đầu tư thứ hai vào lĩnh vực Edtech tại châu Á, sau LEAP (Ấn Độ). Bà Trần Nguyên Thúy My, Phó chủ tịch quỹ này tin với các giải pháp hỗ trợ công nghệ, Edupia góp phần rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Nhận định với VnExpress, Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và Đại diện đầu tư tại Việt Nam của quỹ KVision (Thái Lan) cho rằng Edtech rất tiềm năng do mức độ chi tiêu cao của các phụ huynh cho con cái học tập. Sau Covid, tốc độ chuyển đổi số của lĩnh vực giáo dục tăng rất cao nên Việt Nam dễ nhận vốn đầu tư từ nước ngoài.
"Triển vọng tốt với những lý do trên cùng với định giá doanh nghiệp Edtech ở Việt Nam còn rẻ khiến dòng vốn nước ngoài đổ vào", Minh Thành nhận định.
Báo cáo của EdTech Agency nhận định thị trường EdTech ở Việt Nam còn khá mới mẻ và non trẻ, sản phẩm cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu khách hàng, với hơn 80% đang tập trung vào mảng thị trường khối 12 và ngoại ngữ.
Đơn vị này dự báo thị trường thời gian tới có thêm những hướng phát triển như hoạt động số hóa trong quản lý giáo dục và dạy học, các phần mềm kết nối phụ huynh, cộng đồng và xã hội, sàn giao dịch EdTech...
Trong khi đó, Minh Thanh cho rằng thách thức của ngành này thời gian tới là làm cách nào để số hóa ngành giáo dục thuận lợi và thành công, với những vấn đề như định hướng học sinh tiếp cận với công nghệ giáo dục mới, làm quen với việc học trực tuyến và sử dụng các phần mềm để học tập ra sao.