Doanh nghiệp Việt cần tái khởi nghiệp?
NQL - Nhiều người nghĩ rằng “khởi nghiệp” là chuyện cũa lũ trẻ, của những đứa mười chín đôi mươi chưa biết kinh doanh là gì. Nếu thời thế chẳng đổi thay, những người xung quanh tôi vẫn phải chọn mua giữa vài ba món hàng Việt Nam, có lẽ doanh nghiệp Việt cũng không cần bận tâm về vấn đề khởi nghiệp. Thế nhưng, thời thế đã đổi thay!

“Bối cảnh” kinh tế đã thay đổi khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau 11 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức ký kết ngày 04/02/2016 sau 7 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) kết thúc đàm phán thành công tháng 12/2015 và cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm 2015. Như vậy, Việt Nam sẽ chính thức hội nhập vào kinh tế khu vực, kinh tế thế giới.



Với hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng và được quan tâm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường hoàn toàn rộng mở, chào đón sự xuất hiện và cạnh tranh tự do từ các doanh nghiệp, thương hiệu khu vực và thế giới. Thế cờ đã đổi thay. Sức mạnh bây giờ không còn nằm trong tay doanh nghiệp, những nhà cung cấp nữa. Sức mạnh bây giờ nằm trong tay người tiêu dùng và phụ thuộc vào sức mạnh của thương hiệu. Người tiêu dùng ngày nay có vô số lựa chọn, cả từ nội địa, khu vực và quốc tế. Trong “bối cảnh mới”, áp lực cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra một định hướng mới, một chiến lược mới để cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Điều đó, chính là động lực đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải rà soát lại năng lực nội bộ, phát huy thế mạnh, thay đổi và củng cố nền tảng quản trị, nền tảng hỗ trợ để có thể nắm bắt những cơ hội mới.

Bên cạnh đó, vấn đề thứ hai đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi trong thời thế mới, ngoài vấn đề “bối cảnh mới” chính là “hiệu quả hoạt động” và “sức cạnh tranh”. Nếu nhìn vào lịch sử phát triển của nền kinh tế Việt Nam, luật doanh nghiệp ra đời những năm 2000 đánh dấu sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Phần lớn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh này là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, phát triển lên từ nền tảng kinh doanh nhỏ lẻ của hộ gia đình. Với lợi thế về quan hệ, với hiểu biết nhu cầu tiêu dùng và phương thức kinh doanh của người dân địa phương, đây là giai đoạn “phất” lên của nhiều doanh nghiệp Việt Nam; cái mà chúng ta gọi là “organic growth” – sự phát triển tự nhiên mà không cần phải có sự can thiệp nhiều về chiến lược hay kế hoạch. Với cơ hội phát triển “tự nhiên” hiếm có như thế tại thị trường Việt Nam, việc doanh nghiệp tập trung đầu tư vào hoạt động thiết lập hệ thống phân phối nhanh chóng để tranh thủ cơ hội thị trường là điều không thể tránh khỏi. Cũng vì vậy, các vấn đề về xây dựng giá trị cốt lõi và nền tảng cho sự phát triển lâu dài hầu như chưa được quan tâm. Và đây chính là lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam hiện tại chưa đủ năng lực để cạnh tranh khi thị trường mở cửa. Sau nhiều năm tập trung vào việc phát triển doanh thu và kênh phân phối, bỏ qua các vấn đề xây dựng nền tảng doanh nghiệp, liệu doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng để nắm bắt cơ hội mới, để cạnh tranh và phát triển lâu dài? Câu trả lời thẳng thắn là chưa. Đó cũng chính là lý do mà vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp cần được đặt lên hàng đầu, nhằm xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thời thế đã đổi thay - doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước “bối cảnh kinh tế mới”, đối mặt với những yếu kém trong “hiệu quả hoạt động” và “khả năng cạnh tranh” với hàng hoá, thương hiệu, doanh nghiệp mạnh của khu vực như Nhật, Hàn quốc, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… cùng vô số những thương hiệu, doanh nghiệp mạnh của thế giới từ Bắc Mỹ, châu Âu, Úc. Giải pháp có thể là gì?

Lựa chọn dễ dàng nhất có lẽ là mua bán sát nhập, giao tài sản còn lại của mình cho doanh nghiệp nước ngoài. Đối với doanh nghiệp mà hệ thống quản trị còn cứu vãn được thì phải quyết tâm mời bác sỹ “tái cơ cấu doanh nghiệp” về để cắt bỏ những ung nhọt cũ, bổ sung những nguồn dinh dưỡng mới, giúp doanh nghiệp có thể “tái khởi nghiệp”. Thời thế mới đòi hỏi nền tảng, đòi hỏi tư duy dài hạn, đòi hỏi tầm nhìn, chiến lược, và kế hoạch. Làm bao nhiêu đó việc thì chẳng khác quá trình “khởi nghiệp” là bao. Còn nếu như việc đập nhà sửa móng quá khó khăn, có khi giải thể doanh nghiệp cũ và khởi nghiệp lại bằng một doanh nghiệp mới lại là thượng sách. Do đó, doanh nghiệp Việt, dù có 10 hay 20 năm lịch sử hoạt động, cũng đừng nên thờ ơ với khái niệm khởi nghiệp trong thời điểm hội nhập hiện nay.

Nguyễn Phi Vân
Tin khác