Làm trợ lý cho giới siêu giàu lương đến 400.000 USD một năm

Giới thượng lưu Mỹ đang gặp cuộc khủng hoảng thiếu trợ lý giám đốc cấp cao. Thị trường đang quá ít những người đủ giỏi để xử lý các nhiệm vụ phức tạp nhưng đủ khiêm tốn để đảm nhận những công việc tẻ nhạt.

Đó là những người không chỉ giúp đặt máy bay riêng, mà còn có thể "đa nhiệm" để xử lý được các báo cáo kết quả kinh doanh của công ty cũng như chuẩn bị danh sách rượu vang yêu thích cho chủ.

Wall Street Journal ghi nhận sự thiếu hụt lao động này ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và cũng đang làm gián đoạn công việc của những người siêu giàu. Vì vậy, để thuê được một người có khả năng chuẩn bị tài liệu cho các cuộc họp hội đồng quản trị và quản lý được quản gia, tài xế, một số doanh nhân đang yêu cầu các dịch vụ săn đầu người tuyển một chức danh cao hơn để làm trợ lý cho họ là giám đốc nhân sự.

Giới tuyển dụng cho hay, trợ lý cấp cao cho người siêu giàu là một công việc đòi hỏi sự kết hợp hiếm có giữa năng lực tốt và sự khiêm tốn. Có ông chủ còn tuyển dụng trợ lý trình độ tiến sĩ để giải quyết các công việc hành chính cấp cao nhưng cũng làm cả nhiệm vụ chuẩn bị cà phê cho họ.

Hiện nay, lương hàng năm với những vị trí đòi hỏi như vậy khoảng 200.000 USD ở các thành phố lớn như New York và Los Angeles. Những người có năng lực giúp cuộc sống bận rộn của các ông chủ trở nên đơn giản hơn và đáp ứng mọi nhu cầu của họ có thể đòi mức lương 300.000 USD, thậm chí là 400.000 USD.

"Họ sẵn sàng trả những mức lương đó", Teresa Leigh, Chủ một công ty tuyển dụng trợ lý cấp cao cho giới siêu giàu cho biết. Tuy nhiên, theo bà lương cao cũng đi kèm với hy sinh lớn.

Vị chuyên gia cho biết một số người nhận việc đã xin nghỉ ngay sau 72 giờ do lịch trình không thể đoán trước, danh sách việc phải làm dài vô tận, du lịch khắt khe và cảm giác cô đơn, tách biệt rõ ràng với tầng lớp thượng lưu.

Do đó, bà cố gắng thuyết phục những nhà tuyển dụng về những giới hạn mà những người nhận công việc trợ lý cấp cao có thể làm. Theo quan điểm của bà, những đòi hỏi như trợ lý phải phục vụ rượu như một quản gia hay dọn dẹp phân chó trên sân thượng là không phù hợp.

Bà Michelle Reisdorf, Chuyên gia công ty tài năng và tư vấn Robert Half, cho biết một số nhiệm vụ trước đây của một trợ lý cấp cao như trả lời điện thoại và sắp xếp giấy tờ nay đã được tự động hóa. Tuy nhiên, những yêu cầu chuyên môn hay nhiệm vụ khác ngày càng cao.

Theo đó, những ông chủ có thu nhập hàng triệu USD luôn di chuyển liên tục, và thậm chí còn ít bị ràng buộc hơn với các văn phòng trong thời đại Covid. Họ muốn những người trợ lý có thể giải quyết các vấn đề từ chuyên môn đến cá nhân một cách dễ dàng và có thể trao toàn quyền quyết định.

Không lâu trước đại dịch, Alyssa Ahkuoi đã xin nghỉ việc khi làm trợ lý giám đốc vì vẫn phải kiêm nhiệm những việc đơn giản như mua văn phòng phẩm hay dự trữ đồ ăn trong tủ lạnh văn phòng. Giờ đây, cô làm trợ lý cấp cao từ xa thông qua Upwork, một mạng lưới làm việc tự do và không phải chịu những công việc vặt vãnh như vậy.

Cô nói rằng mình cảm thấy giống như một đối tác kinh doanh với vị CEO mà mình phục vụ, hỗ trợ chuyên môn đầu vào cho các dự án nhất định. Alyssa Ahkuoi năm nay 29 tuổi. Cô cũng không có ý định quay lại công việc một trợ lý làm việc offline như trước.

Nguồn cung trợ lý cấp cao khan hiếm còn do việc tiềm kiếm những người trẻ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ và Gen Z khó khăn. Tiffany Maughn, 51 tuổi, trợ lý của một giám đốc điều hành ngành tư vấn cho biết đã nghe nhiều người trẻ tuổi nói rằng họ không muốn làm công việc phục vụ người khác như bà.

Bà Maughn đã làm trợ lý cho các giám đốc điều hành và các gia đình giàu có trong hơn hai thập kỷ. Bà tự hào giúp họ quản trị công việc hiệu quả hơn và đời sống hạnh phúc hơn. Tất nhiên, con đường sự nghiệp xen kẽ niềm vui và nỗi buồn.

Có những chuyến du thuyền, những bữa tiệc và những lúc bà cảm thấy mình giống như một người bạn tâm giao và một cố vấn cấp cao cho sếp. Tuy nhiên, bà cũng phải nhận những lời mắng mỏ vì lỗi chính tả, những cuộc điện thoại 3 giờ sáng và những lúc xoay sở sửa vòi nước bị rỉ trong khách sạn.

Bà có một kỷ niệm với người chủ cũ - người từng trả bà mức lương 150.000 USD một năm - là bị phạt cùng với hai trợ lý khác vì bỏ chuối vào tủ lạnh, thay vì đặt trên quầy bếp.

Hiện bà mong muốn gắn bó với ông chủ hiện tại cho đến nghỉ hưu, mặc dù thường được mời phỏng vấn cho các vị trí có mức lương 200.000 USD, cộng với tiền thưởng. Trở thành giám đốc nhân sự - điều mà bà mô tả là vị trí đỉnh cao của nghề trợ lý cấp cao cho giới siêu giàu - có thể đưa thu nhập lên một cấp độ khác.

Tuy nhiên, đó là một chức danh không có định nghĩa rõ ràng hoặc đôi khi không có bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào so với vai trò của một trợ lý giám đốc. Sự khác biệt lớn nhất có lẽ là mức lương có thể vượt 300.000 USD một năm, theo Stephen Candland, Chuyên gia của Private Staff Group.

Marta Baranowska được bổ nhiệm làm chánh văn phòng sau vài năm làm trợ lý giám đốc. Tuy nhiên, cô vẫn xin nghỉ để tìm kiếm một thử thách mới. Cô muốn thử phục vụ hoàng gia châu Âu. Hiện sống ở London, cô biết 5 thứ tiếng, khả năng ứng xử cứng rắn nhưng thân thiện.

"Tôi bị săn lùng rất nhiều, đặc biệt là trong năm nay. Mức lương cao, được đi du lịch khắp thế giới và học hỏi được rất nhiều điều", cô nói.

(Theo Vnexpress)

Tin khác