Bảy yếu tố thành công của một mô hình nhượng quyền
Cho dù đang khởi nghiệp hay đang có ý định phát triển hệ thống hiện có qua hình thức nhượng quyền, điều quan trọng nhất doanh nghiệp cần làm là phân tích và xác định tính khả thi của sản phẩm và mô hình nhượng quyền. Việc làm này giúp doanh nghiệp đánh giá được sản phẩm và mô hình của mình đã sẵn sàng để có thể nhượng quyền hay chưa. Nếu chưa, thì doanh nghiệp cần phải làm gì để có thể xây dựng, chỉnh sửa, hoặc hoàn thiện mô hình. Đây là bước hết sức quan trọng để xây dựng nền tảng nhượng quyền bền vững. Xin giới thiệu tới độc giả bảy yếu tố giúp doanh nghiệp đánh giá được tính khả thi của một mô hình nhượng quyền thành công.

YẾU TỐ 1: SẢN PHẨM, DỊCH VỤ ĐỘC ĐÁO TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT

Thật ra không phải chỉ có nhượng quyền mới cần đến sản phẩm, dịch vụ độc đáo và khác biệt. Bất kỳ ngành nghề nào, sản phẩm nào cũng phải trả lời câu hỏi “Điểm khác biệt cơ bản của sản phẩm, dịch vụ là gì?”, hay nếu đứng từ góc độ của người tiêu dùng mà hỏi thì “Tại sao tôi phải chọn lựa sản phẩm của bạn mà không phải là của một ai đó khác?”. Đối với thương hiệu Starbucks hiện có mặt tại 70 nước trên thế giới thì đó là dòng sản phẩm cà phê đá tuyết frappucino. Đối với thương hiệu BreadTalk của Singapore thì đó là dòng sản phẩm bánh chà bông (floss). Đối với thương hiệu Khách sạn Hampton thì đó là dịch vụ rất hào phóng và thân thiện mang tên “Hamptonality” – dịch vụ hiếu khách kiểu Hampton. Mỗi một mô hình nhượng quyền, vì vậy đều cần có một hay vài sản phẩm, dịch vụ chủ đạo hoặc độc quyền. Nếu không tạo ra được sự khác biệt, nghĩa là đang cạnh tranh bằng những sản phẩm me-too (hàng nhái, hàng bắt chước). Trong môi trường cạnh tranh công bằng khi các hiệp định kinh tế tự do đã ký kết xong, bản khai tử sản phẩm me-too cũng xem như đã ký.



YẾU TỐ 2: SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÓ THỂ PHỤC VỤ CHO ĐỐI TƯỢNG KHÁCH HÀNG CÓ QUY MÔ LỚN

Khi khởi đầu một công việc kinh doanh, ai trong chúng ta cũng bắt đầu từ việc thỏa mãn một nhu cầu hiện có hoặc tạo ra một nhu cầu mới cho một nhóm đối tượng tiêu dùng mục tiêu nhất định. Nếu đối tượng tiêu dùng mục tiêu của doanh nghiệp là một thị trường có sức mua đủ lớn, hiện diện trên một thị trường địa lý diện rộng, thì mô hình đó có cơ hội nhân rộng và do đó có thể áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền. Ví dụ nếu mở một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em cho đối tượng gia đình có con nhỏ từ 1-12 tuổi, có thu nhập hộ gia đình trung bình khá trở lên đang sống và làm việc tại các khu đô thị trên lãnh thổ Việt Nam chẳng hạn, đó chắc chắn là đối tượng khách hàng có quy mô đủ lớn để doanh nghiệp có thể nhượng quyền mô hình kinh doanh bán lẻ đồ chơi trẻ em của mình trên khắp các tỉnh thành lớn tại Việt Nam và có thể vươn ra một số thị trường khu vực. Ngược lại, nếu bạn đang sở hữu một mô hình kinh doanh thành công, sinh lời nhưng phục vụ cho một phân khúc khách hàng mục tiêu rất đặc biệt và hạn chế, ví dụ như dịch vụ thiết kế và sản xuất trang phục cho phim chẳng hạn, thì dịch vụ đó bản thân nó đã khó có thể nhân rộng, tất yếu sẽ khó có thể nhượng quyền.

YẾU TỐ 3: MÔ HÌNH DỄ NHÂN BẢN

Địa điểm kinh doanh là một yếu tố rất quan trọng trong việc kinh doanh chuỗi hay nhượng quyền. Mô hình nào càng dễ dàng trong việc tìm địa điểm kinh doanh thích hợp bao nhiêu thì mô hình đó càng có nhiều cơ hội thành công trong việc xây dựng hệ thống chi nhánh nhượng quyền bấy nhiêu. Thường thì các mô hình kinh doanh nhỏ như kiosk, cửa hàng nhỏ trong khu phố, hay các loại hình dịch vụ không cần sự hiện diện của văn phòng tại những mặt bằng đắt giá là những mô hình dễ nhân bản nhất, dễ đầu tư và kinh doanh nhờ chi phí hoạt động thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp nhượng quyền cần đầu tư khai thác những mô hình hoạt động có quy mô lớn nhỏ khác nhau nhằm nâng cao khả năng nhân bản và thích ứng với hoàn cảnh thị trường. Ví dụ tất cả những thương hiệu cà phê lớn trên thế giới như Starbucks, Gloria Jean’s Coffees, Coffee Bean & Tea Leaf, hay Costa Coffee đều có nhiều mô hình cửa hàng, từ mô hình có diện tích lớn 150 – 300m2, trong vài trường hợp ngoại lệ lên đến 600m2, cho đến mô hình cửa hàng nhỏ 80 – 120m2, kiosk 25 – 40m2, và có khi có cả những kiosk hay xe cà phê di động chỉ chiếm diện tích nhỏ hơn 10m2. Sự đa dạng trong mô hình chính là lợi thế giúp các thương hiệu nhân bản dễ dàng trong những hoàn cảnh thị trường khác nhau.


Những thương hiệu nhượng quyền với sản phẩm và mô hình tạo nên sự khác biệt và cũng là những thương hiệu nhượng quyền ẩm thực hàng đầu thế giới. Bạn đọc cũng nên lưu ý xu hướng cắt giảm số lượng chi nhánh tự sở hữu và tăng dần chi nhánh nhận quyền. (Nguồn: Euromonitor)

YẾU TỐ 4: HỆ THỐNG DỄ VẬN HÀNH VÀ QUẢN LÝ

Thường thì lý do người ta phải đi mua nhượng quyền để khởi nghiệp kinh doanh chủ yếu là do thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong ngành, thiếu nguồn lực và khả năng xây dựng hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp. Do đó, việc gia nhập vào một hệ thống kinh doanh có sẵn, đã qua thử nghiệm thành công, có thương hiệu, và được hỗ trợ về mọi mặt trong suốt thời gian cấp phép là một lựa chọn lý tưởng. Như vậy, để có thể hỗ trợ đối tác nhận quyền khởi nghiệp và kinh doanh thành công một mô hình mà không cần kinh nghiệm sẵn có trong ngành, hệ thống vận hành, quản lý mô hình đó phải đơn giản, dễ truyền đạt và dễ học. Doanh nghiệp nhượng quyền càng đầu tư nguồn lực để đơn giản hóa hệ thống vận hành bao nhiêu, khả năng thành công của đối tác nhận quyền càng được nâng cao bấy nhiêu.

YẾU TỐ 5: MÔ HÌNH ĐÃ QUA THỬ NGHIỆM

Điều này có nghĩa là mô hình mà bạn đang kinh doanh, hoạt động hiệu quả, sinh lời và do đó có thể nhân bản ra thành những chi nhánh nhận quyền với quy mô tương tự. Doanh nghiệp nhượng quyền nên lưu ý mô hình nhượng quyền phải là mô hình mà bản thân doanh nghiệp đã kinh doanh thành công. Nếu đang kinh doanh một nhà hàng có quy mô diện tích dưới 100m2 chẳng hạn, thì doanh nghiệp không nên nhượng quyền một chi nhánh nhà hàng với diện tích 500m2, vì đó là mô hình mà bản thân doanh nghiệp chưa qua thử nghiệm, do đó không nên để cho đối tác nhận quyền phải nhận lãnh rủi ro thử nghiệm ban đầu. Cái mà đối tác nhận quyền mua nhất thiết phải là một mô hình đã qua chứng thực thành công.

YẾU TỐ 6: MÔ HÌNH TÀI CHÍNH MANG LẠI KẾT QUẢ KINH DOANH HIỆU QUẢ CHO CẢ ĐÔI BÊN

Trong một quan hệ kinh doanh, chỉ có một lựa chọn: win-win (đôi bên cùng có lợi). Trong nhượng quyền, hơn bất kỳ hình thức kinh doanh nào khác, mô hình tài chính nhất thiết phải mang lại hiệu quả cho cả đôi bên. Doanh nghiệp nhượng quyền phải hiểu rằng bản thân mình cần phải cân nhắc thật kỹ bất kỳ quyết định nào về sản phẩm, dịch vụ, chuỗi cung ứng, tổ chức, phát triển, hay quảng bá tiếp thị nếu quyết định đó có liên quan đến hiệu quả kinh doanh của đối tác nhận quyền. Kỳ thực, vấn đề hiệu quả kinh doanh cho cả đôi bên phải là kim chỉ nam cho doanh nghiệp trước khi đưa ra bất kỳ phương án hay giải pháp kinh doanh nào. Ngược lại, đối tác nhận quyền cần phải được truyền đạt và cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của việc đóng góp của mình vào hiệu quả kinh doanh chung của toàn hệ thống.

YẾU TỐ 7: HIỂU VÀ XÂY DỰNG VĂN HÓA NHƯỢNG QUYỀN

Có một sự khác biệt cơ bản và to lớn giữa văn hóa doanh nghiệp tự sở hữu và kinh doanh với văn hóa của doanh nghiệp nhượng quyền. Trong một tổ chức, đội ngũ nhân sự chủ yếu là làm thuê cho doanh nghiệp, hệ thống tổ chức bắt buộc cấp dưới phải nghe và thực hiện theo chỉ thị của cấp trên. Còn trong tổ chức của một hệ thống nhượng quyền, chúng ta có một sự hợp tác giữa doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền. Văn hóa nhượng quyền là văn hóa của sự tín nhiệm, tin cậy và hỗ trợ để cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung. Văn hóa này đòi hỏi các bên phải minh bạch, chia sẻ thông tin, hợp tác giải quyết mọi vấn đề phát sinh dựa trên tinh thần win-win, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cũng vì vậy, đội ngũ quản lý và hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền cần phải có nền tảng, phẩm chất và kinh nghiệm làm việc phù hợp, đủ tự tin và khả năng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ đối tác nhận quyền. Trong đó, khả năng phân tích và nhìn nhận vấn đề từ góc độ của đối tác nhận quyền là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, xây dựng quan hệ, giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp là những kỹ năng không thể thiếu. Vì vậy, trước khi quyết định xây dựng hay chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hình thức nhượng quyền, doanh nghiệp cần phải xem xét và đánh giá nền tảng văn hóa hiện tại của doanh nghiệp, hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức, nhân sự, hiểu rõ, cam kết và xây dựng văn hóa nhượng quyền trong nội bộ doanh nghiệp trước khi phát triển hệ thống.

Nguyễn Phi Vân (DNSGCT)

Tin khác