Tài xế xe công nghệ bức xúc vì thường xuyên phải đón khách xa

Cứ sau bữa trưa, Bảo Tài - 22 tuổi, tài xế GrabBike tại Hà Nội - lại bật ứng dụng để tiếp tục hoạt động. Song, sau khi được gán cuốc xe với lộ trình không hợp lý, tài xế này tỏ ra bực mình.

“Tôi đang đứng ở Cửa Bắc đoạn giao Nguyễn Trường Tộ, nhưng ứng dụng yêu cầu vòng về Nguyễn Hữu Huân để lấy hàng rồi giao ngược cho khách ở Tân Ấp. Tức là tôi phải đi 2 km để lấy hàng và tốn thêm 1,5 km để giao cho khách trong khi giá cuốc xe là 12.000 đồng”, anh chia sẻ.

Sau khi trừ chiết khấu và nghĩa vụ thuế, anh Tài ước tính nhận về khoảng 9.000 đồng, đó là chưa kể tiền xăng. Như vậy, lợi nhuận trung bình trên toàn bộ quãng đường di chuyển là 2.500 đồng/km.

“Cứ nghĩ đứng ở phố cổ thì sẽ bắt được nhiều đơn ‘ngon’, giờ hủy cuốc này thì ảnh hưởng đến hiệu suất, rồi lỡ đâu mất thưởng cuối ngày. Giờ nếu đi thì đã không được đồng nào mà còn mất thêm tiền”, lái xe này nói.

Mất thu nhập, mất thời gian

Giá xăng tăng cao đi kèm thời tiết khắc nghiệt khiến cánh tài xế phải tìm mọi cách để giảm thiểu chi phí. Do đó, việc bị ứng dụng gán đơn có điểm đón khách hay lấy hàng xa khiến họ không khỏi bức xúc.

Theo Quốc Tuấn - tài xế beBike từng có kinh nghiệm làm việc tại một số hãng gọi xe - tình trạng này không chỉ xảy ra cục bộ mà còn xuất hiện trên nhiều ứng dụng khác nhau. Mỗi ngày hoạt động, tài xế có thể gặp phải 3-4 đơn tương tự.

“Nói đâu xa ngay sáng nay tôi nhận được đơn lấy hàng ở Tôn Thất Thuyết giao ngay Duy Tân. Vấn đề là tôi đang đứng ở Hoàng Quốc Việt, cách đó hơn 3 km. Chả lẽ cả khu vực đó có mỗi mình tôi là tài xế”, anh phàn nàn.

Mặt khác, Khải Biền - tài xế Gojek - thắc mắc về công nghệ định vị của ứng dụng khi bị gán đơn đón khách ở phủ Tây Hồ trong khi đang hoạt động tại Xuân La, nơi cách vị trí đón 1/3 vòng hồ Tây, tức hơn 6 km.

Với những lái xe thiết lập sẵn chế độ ghép đơn tự động, họ chỉ có hai sự lựa chọn là đi hoặc hủy. Tuy nhiên, dù ở bất cứ trường hợp nào, cả tài xế và khách hàng đều là những người chịu thiệt thòi về cả thời gian lẫn công sức.

Chia sẻ với Zing, đại diện các hãng gọi xe dẫn đầu thị trường Việt Nam lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể xuất phát từ yếu tố công nghệ và lực lượng lao động.

Đại diện Grab - hãng nắm giữ thị phần lớn nhất cả nước - cho biết nhu cầu di chuyển trong giai đoạn bình thường mới đang tăng trưởng ổn định và vượt mức gia tăng số lượng đối tác. Do đó, tại một số thời điểm và khu vực nhất định, thuật toán có thể ghép đơn hàng/chuyến xe có khoảng cách khá xa cho đối tác tài xế.

Cùng chung lý do này, Gojek cho biết tình trạng mất cân bằng cung - cầu cục bộ vẫn xảy ra vào những khung giờ cao điểm khi nhu cầu sử dụng dịch vụ gọi xe tăng đột biến, tại những điểm nóng giao thông hay khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Do đó, hệ thống Gojek sẽ điều phối đối tác ở khu vực khác tới, không tránh khỏi tình trạng một số tài xế đang ở vị trí xa hơn.

“Việc phân bổ đơn hàng cũng phụ thuộc hiệu suất hoạt động và hành vi hoạt động của tài xế do hệ thống ghi nhận, ví dụ như thời điểm đối tác thường bắt đầu mở ứng dụng hoạt động, khung thời gian hoạt động cố định mỗi ngày, mức độ hạn chế hủy đơn hàng, mức độ sẵn sàng nhận đa dạng các đơn hàng GoRide, GoFood, GoSend”, đại diện hãng lưu ý những tài xế hoạt động tích cực và duy trì được hiệu suất tốt sẽ được ưu tiên phân bổ đơn hàng phù hợp hơn.

Đối với be, hãng cho biết việc tài xế có điểm đánh giá tốt từ khách hàng, tần suất hoạt động cao, hoạt động ở khu vực thuận tiện cho đôi bên sẽ có lợi thế hơn khi nhận được cuốc xe. be cũng thừa nhận đối tác phải đến điểm đón/lấy hàng xa do một số thời điểm, khu vực có mật độ tài xế thấp.

Các hãng đua nhau củng cố lực lượng

Theo số liệu cập nhật lần cuối, Grab, Gojek, be đang có số lượng tài xế dao động trên dưới 600.000 người (tính cả tài xế 2 bánh và 4 bánh). Đến nay, cả 3 hãng vẫn tiếp tục bổ sung thêm đối tác.

Để giữ chân lao động cũ trong bối cảnh giá cả thị trường leo thang kèm thời tiết xấu, phần lớn hãng gọi xe đều triển khai chương trình hỗ trợ, thưởng nóng cho lao động.

Gần đây nhất, Grab thông báo thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt 3.000-5.000 đồng đối với một số dịch vụ tại các thành phố lớn.

Thời gian qua, với các chuyến đón xa hơn 2 km, be áp dụng chính sách hỗ trợ 5.000 đồng/chuyến cho tài xế beBike và 10.000 đồng/chuyến cho tài xế beCar. Gojek cũng áp dụng chính sách hỗ trợ 25.000 đồng/chuyến với tài xế GoCar nếu quãng đường đón khách trên 3 km.

Tuy nhiên tài xế xe hai bánh của Grab và Gojek chưa được hưởng chế độ này.

Về mặt công nghệ, các hãng khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện hệ thống để dự đoán tốt hơn nhu cầu di chuyển hành khách và điều hướng đối tác đến khu vực có nhu cầu cao. Riêng Gojek có riêng tính năng dự báo điểm nóng trên ứng dụng để tài xế có thể chủ động nắm bắt.

(Theo Zing)

Tin khác