Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 1,03 triệu tấn và 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, tăng đột biến là giá cà phê xuất đi Mỹ. Theo Tổng cục Hải quan, giá trung bình 5 tháng đầu năm tăng 42,3% lên mức 3.451 USD một tấn. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu cà phê Việt sang Mỹ bật tăng bất chấp sản lượng giảm.
Cùng với Mỹ, xuất khẩu cà phê sang Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan tăng 10-460% so với cùng kỳ. Trong đó, Đức, Bỉ và Italy 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê tăng mạnh do thị trường thế giới tăng nhu cầu trong khi nguồn cung giảm.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tính chung 7 tháng đầu tiên của niên vụ 2021-2022 (từ tháng 10/2021), xuất khẩu toàn cầu tăng nhẹ 0,6% so với cùng thời điểm của niên vụ trước. ICO dự báo, thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao cho toàn niên vụ 2021-2022. Thị trường vẫn chịu ảnh hưởng bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng cà phê chưa được giải quyết trong khi kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức.
Quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới là Brazil tiếp tục phải đối mặt tình trạng thiếu container mặc dù tình hình đã cải thiện trong những tuần gần đây. Mặt khác, nước này cũng có một vụ mùa sản lượng thấp hơn theo chu kỳ hai năm một lần của cây cà phê Arabica.
Chung xu hướng, sản lượng cà phê của Indonesia cũng sụt giảm mạnh. Lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta của Indonesia trong 8 tháng đầu của niên vụ cà phê 2021-2022 đạt tổng cộng 1,9 triệu bao, giảm 25% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê vối nhân xô (cà phê thô, chỉ trải qua khâu tách vỏ, chưa qua bất kỳ quá trình chế biến hoặc xử lý) của các tỉnh Tây Nguyên ở mức 42.800-43.300 đồng một kg, tăng 1.200-1.300 đồng một kg so với tháng trước. 6 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước tăng 1.700-2.000 đồng một kg so với cùng kỳ.