Thepaper.cn tuần trước đưa tin Tencent Holdings đang sa thải khoảng 100 nhân sự mảng kênh thể thao. Tờ này trích nguồn tin thân cận cho biết nhiều phòng ban khác cũng đang cắt giảm nhân sự. Quy mô còn tùy vào từng bộ phận, phụ thuộc vào mảng kinh doanh và lợi nhuận.
SCMP cũng trích nguồn tin cho biết các mảng lỗ nặng, như điện toán đám mây hay video, chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Tencent. Các mảng này đã bị cắt giảm nhân sự ít nhất 2 đợt từ tháng 4. Có lúc, một nhóm hơn 20 người bị cho nghỉ việc toàn bộ.
Trong buổi công bố báo cáo tài chính tuần trước, nhà sáng lập kiêm CEO Tencent Pony Ma cho biết họ sẽ điều chỉnh các mảng kinh doanh không cốt lõi. Quý trước, doanh thu của công ty này đã chững lại.
Giám đốc Tencent Martin Lau hồi tháng 3 cho biết công ty này sẽ rút hoặc giảm quy mô một số mảng kinh doanh không cốt lõi. Tuy nhiên, tổng nhân viên vẫn sẽ cao hơn năm ngoái.
Alibaba Group cũng được cho là đang giảm nhân sự. Tuy nhiên, thay vì cắt giảm trong một lần, công ty này đang sa thải nhân viên theo từng vòng. Các mảng chịu ảnh hưởng là DingTalk, Alibaba Cloud, Taobao và Taobao Deals, theo Economics Weekly.
Hồi tháng 3, Reuters cho biết Alibaba và Tencent đang chuẩn bị cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên năm nay. SCMP cũng đưa tin mảng nội dung và đám mây của Tencent sẽ chịu tác động đầu tiên. Alibaba khi đó đã khởi động việc sa thải tại các mảng dịch vụ đang thua lỗ.
Các hãng công nghệ Trung Quốc ngần ngại công khai việc giảm nhân sự, một phần do luật lao động nước này yêu cầu tham vấn công đoàn và có sự can thiệp của giới chức nếu sa thải hơn 20 nhân viên.
Việc sa thải diễn ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc siết kiểm soát ngành công nghệ và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do chính sách Zero Covid. Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc trong nhóm 16-24 tuổi là 18,2% - cao hơn so với 13,9% tại châu Âu và 8,6% ở Mỹ. Tỷ lệ này tăng từ giữa năm ngoái.
Một số hãng công nghệ cho biết họ chỉ đang điều chỉnh để cải thiện việc kinh doanh. Xiaohongshu – nền tảng tương tự Instagram tại Trung Quốc tháng trước cho biết đang cắt giảm 9% nhân sự vì hoạt động kém hiệu quả.
Chen Rui – CEO nền tảng phát video Bilibili hồi tháng 3 cho biết công ty này muốn "tận dụng tốt từng đồng bỏ ra". Cùng tháng đó, lãnh đạo Kuaishou – nền tảng video ngắn phổ biến thứ nhì Trung Quốc cho biết họ muốn hòa vốn trong năm nay.
Gần đây, giới chức Trung Quốc dường như đã lỏng tay với ngành công nghệ. Đầu tuần trước, họ tổ chức hội nghị với các Big Tech để quảng bá kinh tế số. Đây là dấu hiệu tích cực sau 18 tháng siết kiểm soát ngành này.