Cứ thu 100 đồng, chuỗi nhà hàng Golden Gate bị lỗ 13 đồng

Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) - đơn vị vận hành hàng loạt chuỗi ăn uống nổi tiếng như lẩu Manwah, Cowboy’s Jacks, Hutong, Sumo BBQ, Vuvuzela, Gogi... tiếp tục chịu những ảnh hưởng lớn từ đại dịch.

Công ty thông báo đạt 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2021, giảm 27% so với năm liền trước. Đây là năm thứ 2 doanh nghiệp bị thu hẹp về doanh số.

Ban giám đốc trình bày đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành ăn uống, nhất là đợt phong tỏa từ tháng 4/2021 khiến hoạt động nhà hàng trở nên tê liệt. Công ty đã phải đóng cửa các nhà hàng 1/3 số ngày hoạt động trong năm.

Công ty vẫn có lợi nhuận gộp hơn 1.926 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là biên lãi gộp của doanh nghiệp vẫn được duy trì khá tốt khi chỉ giảm nhẹ về mức 58%.

Dù sụt giảm mạnh về doanh số nhưng tổng các chi phí kinh doanh vẫn còn lớn hơn 3.700 tỷ đồng (đồng nghĩa thu 100 đồng thì phải chi 112 đồng). Điều này đã khiến Golden Gate ghi lỗ 431 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ khi công khai tài chính năm 2008 đến nay.

Trong cơ cấu chi phí, công ty phải chi đến 907 tỷ đồng cho nhân công (chiếm 24% tổng chi phí và 27% doanh thu), chi phí thuê mặt bằng và sửa chữa hơn 594 tỷ đồng (chiếm 16% tổng chi phí và 18% doanh thu). Hai khoảng chi phí này đã chiếm tổng cộng 45% doanh số, tăng mạnh so với mức 37% các năm về trước.

Điều này đồng nghĩa, cứ trung bình cứ 100 đồng thu về từ khách hàng đến ăn uống thì Golden Gate phải dành đến 45 đồng để trả cho nhân viên và duy trì mặt bằng.

Ngoài ra với mức lỗ gần 431 tỷ đồng trong năm vừa qua, đồng nghĩa chủ chuỗi nhà hàng ăn uống này đang phải bù lỗ 13 đồng cho mỗi 100 đồng nhận về từ khách hàng.

Đối với năm 2022, ban lãnh đạo khẳng định đại dịch cũng tạo cơ hội để công ty khẳng định vị thế trong ngành F&B, tối ưu hóa vận hành và phát triển các kênh bán hàng. Doanh thu dự kiến năm nay sẽ tăng trưởng mạnh so với 2 năm vừa qua.

Golden Gate là doanh nghiệp được sáng lập vào năm 2005 bởi ba doanh nhân là ông Thế Vinh, Xuân Tường và Việt Hồng. Chuỗi này phát triển thần tốc với mức tăng trưởng doanh thu bình quân hơn 58%/năm giai đoạn trước 2018, chững lại trong năm 2019 và suy giảm trong đại dịch.

Tính đến cuối năm ngoái, chủ chuỗi nhà hàng trên có quy mô tổng tài sản tăng nhẹ lên 2.387 tỷ đồng. Tổng vay nợ tăng gấp đôi lên 1.075 tỷ đồng, chiếm 45% nguồn vốn.

Vay nợ tăng mạnh là do Golden Gate thực hiện thương vụ phát hành 493,7 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 11,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.

Tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phần của Golden Gate. Theo chứng thư thẩm định giá do Công ty CP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng.

Tạm tính theo mức định giá trên, với tổng cộng hơn 7,6 triệu cổ phần đang lưu hành, Golden Gate được định giá ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD).

Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp mới đây đã có những thay đổi lớn. Vào ngày 15/3, Seletar Investments Pte Ltd (trực thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings của Chính phủ Singapore) đã mua gần 1,54 triệu cổ phần phổ thông. Tiếp đến là Seatown Private Capital Master Fund nhận chuyển nhượng 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd. cũng mua 436.358 đơn vị.

Bên bán là Prosperity Food Concepts Pte. Ltd với toàn bộ khối lượng hơn 2,5 triệu cổ phần và chủ tịch HĐQT Trần Việt Trung bán 161.871 cổ phần. Theo đó tổng tỷ lệ gần 36% vốn công ty đã được chuyển sang cho nhóm nhà đầu tư Singapore.

(Theo Zing)

Tin khác