Cơn sốt mua bán NFT ở Việt Nam

Vài tháng nay, những nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam đã bắt đầu tham gia kinh doanh NFT (Non-fungible token). Trung tuần tháng 3, rapper Binz kết hợp cùng Công ty blockchain Tuniver ra mắt bộ sưu tập NFT cho ca khúc mới "Don’t Break My Heart". Bản quyền bài hát này được anh phân chia thành các NFT với 4 hạng khác nhau, tương ứng với 4 mức tỷ lệ chia sẻ bản quyền doanh thu.

Điều này có nghĩa, người sở hữu NFT có thể cùng được chia tiền kiếm được từ doanh thu bản quyền bài hát. Ngoài ra, họ còn được nhận các vật phẩm dành riêng và các sự kiện giới hạn của BinZ.

Đầu tháng 4, Nguyễn Văn Chung - tác giả "Nhật ký của mẹ", "Bay giữa ngân hà", "Con đường mưa", trở thành nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành NFT. Cách làm của anh là chia quyền nhận thu nhập từ kênh YouTube 200.000 lượt theo dõi của mình thành các NFT thông qua hợp tác với NFT5.

Anh gọi đó là "cổ phần hóa" kênh này. Nhờ đó, người mua NFT sẽ nhận doanh thu của kênh theo một tỷ lệ nhất định, giống như nắm giữ "cổ phần" của kênh. Tự tin với kho hơn 300 bài hát về tình yêu, 300 bài hát thiếu nhi và 100 bài hát đa thể loại, nhạc sĩ này kỳ vọng nguồn thu nhập thụ động và ổn định từ tiền tác quyền và kênh YouTube sẽ hấp dẫn được giới đầu tư NFT.

Hay mới đầu tuần này, siêu mẫu Vĩnh Thụy, người tự nhận mình là đam mê công nghệ, cũng chuẩn bị "lấn sân" NFT với bộ sưu tập "1988Dragon" sau hơn một năm nghiên cứu.

NFT là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Nó được lưu trữ trong một chuỗi khối (blockchain) và được sử dụng để đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử. Nhờ vào bản chất của công nghệ blockchain, hồ sơ về quyền sở hữu luôn có sẵn, không thể được sửa đổi và đảm bảo rằng chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm.

Việc các nghệ sĩ tham gia kiếm tiền và quảng bá tên tuổi bằng NFT đã góp thêm không khí cho thị trường sản xuất NFT tại Việt Nam, ngoài mảng game NFT đã phát triển đến cấp độ có tiếng vang quốc tế.

Theo ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, NFT hiện phổ biến với hai dạng. Một là NFT dựa trên tài sản thực, ví dụ hình thức chia nhỏ tài sản bất động sản bằng blockchain để đầu tư chung đã xuất hiện ở Việt Nam. Các xác nhận sở hữu phần chia nhỏ đó chính là các NFT.

Hình thức thứ hai của NFT là thuần tài sản kỹ thuật số (Digital Asset). Chúng có thể là vật phẩm trong các game blockchain hoặc các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ từ âm nhạc đến hội họa. Nhiều người sản xuất sản phẩm số và họ làm thêm động tác là biến nó thành NFT để chứng thực quyền sở hữu tài sản số đó.

"Hiện còn có trào lưu là sau khi một bức tranh thực được biến thành NFT và đấu giá thành công, tác giả hủy nó để NFT trở thành tài sản số duy nhất về tác phẩm đó", ông Bảo chia sẻ tại buổi tọa đàm do Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) - một doanh nghiệp xã hội về blockchain, tổ chức hôm 19/4.

Thực tế, trước khi các nghệ sĩ Việt tham gia kinh doanh NFT, một số ngành khác cũng đã có những thử nghiệm hay manh nha ý tưởng. Bên cạnh việc chia nhỏ bất động sản bằng blockchain để mua chung, giới kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng cũng bước đầu có động thái.

Hồi tháng 2, Crystal Bay và Beowulf Blockchain ra mắt một nền tảng du lịch NFT, cho phép khách hàng mua bán trao đổi lượt đặt phòng. Cũng tại tọa đàm, Nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi Sanova Hotel cho biết cũng đã có kế hoạch bắt tay với đối tác Hàn Quốc để làm NFT lĩnh vực khách sạn.

"Đây chỉ ý tưởng chứ chúng tôi chưa triển khai vì còn khá mới trong ngành dịch vụ du lịch", bà Quyên nói. Bản thân Sanova cũng đang sở hữu đội bóng rổ Thang Long Warriors (Chiến binh Thăng Long) và cũng ấp ủ mong muốn làm NFT lĩnh vực thể thao.

"Chúng tôi có làm việc với huấn luyện viên để thử ý tưởng về NFT bóng rổ nhưng chưa triển khai vì dự án còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ một đội bóng mà còn ở cấp liên đoàn", bà Quyên cho biết thêm.

Nếu thị trường cung ứng NFT chỉ mới manh nha gần đây thì phía cầu ở Việt Nam khá sôi động, nhất là khi tựa game NFT có tên Axie Infinity nổi tiếng toàn thế giới. Cùng với những người nhảy vào chơi game NFT, nhiều người bắt đầu đổ tiền mua các vật phẩm NFT bày bán trên các sàn để chờ cơ hội lên giá để bán kiếm lời.

Một số người cảm thấy việc "con khỉ buồn chán" rẻ nhất của Bored Ape Yacht Club (BAYC) có giá 500.000 USD, hay phải chi 50.000 - 100.000 USD để mua một vật phẩm NFT thời trang Azuki là hoang đường. Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư, bao gồm người Việt, chấp nhận rót tiền vào một thị trường như vậy.

Theo một báo cáo của Finder vào tháng 11/2021, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam có sở hữu NFT là 17,4%, cao hơn trung bình toàn cầu là 11,7%. Báo cáo này cho hay, Việt Nam cũng nằm trong top 5 thế giới sở hữu nhiều NFT nhất.

Khảo sát do Statista và Milieu tiến hành tại Đông Nam Á vào tháng 11/2021 cho biết, 68% người Việt Nam được hỏi tin rằng giá trị NFT sẽ tăng trong 5 năm nữa, so với 21% nghĩ ngược lại. Đây cũng là con số lạc quan nhất trong 6 nước họ khảo sát, bao gồm với Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Lý giải việc một số người xem bỏ tiền lớn mua NFT là lãng phí nhưng số khác vẫn lao vào, ông Nguyễn Trung Anh, Nhà sáng lập Cộng đồng MetaHub cho biết, sự hợp lý theo những nhà đầu tư ủng hộ là họ đánh giá triển vọng vật phẩm sẽ tiếp tục tăng giá, và tính hữu hạn. Cùng với đó, sở hữu NFT giá trị cũng là một chiếc "vé vào cửa của nhiều hội nhóm nhà giàu".

"Một số công ty đang xây dựng những KOL (nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội) về NFT và mang đi đấu giá. Những nhân vật này có thể xuất hiện ở thế giới Metaverse (vũ trụ ảo) sau này nên giá cả tôi cho là khá hợp lý", ông nói thêm.

Tuy nhiên, sự sôi động của thị trường NFT còn mang tính "hoang dã" nên cũng đi kèm nhiều thách thức. Đầu tiên, tình trạng đầu cơ bơm giá và NFT rác là không thể tránh khỏi. Một số báo cáo năm 2021 đã ghi nhận nhiều NFT có giá trị cao trên thế giới tăng giá liên tục tới mức không tưởng nhưng thực chất chỉ được giao dịch qua lại giữa một vài ví nhất định.

Hay như việc tạo NFT quá dễ dàng chỉ với vài thao tác như trên nền tảng giao dịch NFT lớn nhất thế giới là OpenSea, NFT rác cũng tràn lan. "NFT rác thì có rất nhiều vì tình trạng nhái bản quyền hay dựa vào ý tưởng người khác xảy ra ở thế giới thực như thế nào thì trong thế giới ảo cũng như vậy", ông Trung Anh, đánh giá.

Lo ngại tiếp theo là liệu thị trường NFT có đang bong bóng? Có người so sánh nó với cơn cuồng hoa tulip ở Hà Lan thế kỷ 17. Ông Trung Anh cho rằng nếu đặt cược vào những tác phẩm NFT của những nghệ sĩ thực thụ và tài năng đã được chứng minh trong đời thực sẽ tốt hơn.

Vấn đề tiếp theo là hành lang pháp lý cho những tài sản kỹ thuật số như NFT chưa rõ ràng, đầy đủ nên đây là thị trường "hoang dã" đúng nghĩa và ít nhiều "có chơi có chịu".

Hiện tại, Việt Nam đã có những bước đầu tiên về chính sách cho công nghệ blockchain mà NFT là một ứng dụng của nó. Công nghệ này là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Quyết định số 2117 của Thủ tướng năm 2020.

"Chúng ta cần tạo ra nhận thức về hành lang pháp lý. Lĩnh vực này (blockchain) đang hoạt động nên cần có hành lang pháp lý nhất định để vừa quản vừa phát triển được", ông Trịnh Xuân An, Phó chủ tịch Nhóm các đại biểu quốc hội trẻ khóa XV, nhận định.

Hôm 23/3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa chỉ đạo các bộ Tài chính, Tư pháp, Thông tin - Truyền thông, và Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo.

Đầu tháng này, Ngân hàng Nhà nước công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Văn bản có nội dung về ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng.

"Dự thảo này có quy định ứng dụng blockchain và sổ cái phân tán nhưng chỉ mới dành riêng cho ngân hàng. Nếu có quy định để mở rộng cho việc ứng dụng nhiều lĩnh vực khác thì sẽ tốt hơn", ông Đào Tiến Phong, Luật sư điều hành hãng luật Investpush Legal kỳ vọng.

Còn trước mắt, vẫn còn phải chờ một thời gian nữa để biết nghệ sĩ Việt "ăn nên làm ra" đến mức nào với hướng kinh doanh NFT, sau các nghề tay trái quen thuộc như đầu tư chứng khoán, bất động sản, mở nhà hàng hoặc bán mỹ phẩm. Kể cả thị trường chia nhỏ bất động sản bằng blockchain hay NFT du lịch cũng tương tự.

(Theo Vnexpress)

Tin khác