Hàn Quốc cấm cốc dùng một lần trong nhà hàng, quán cà phê

Trang Korea Bizwire đưa tin việc sử dụng các vật dụng dùng một lần, ví dụ cốc nhựa hay dĩa, dao, kéo, sẽ bị cấm trong các nhà hàng và quán cà phê theo quy định bảo vệ môi trường mới.

Đây được xem là hành động đánh dấu sự khôi phục của luật chống sử dụng đồ dùng một lần của Bộ Môi trường nước này, có hiệu lực từ năm 2018.

Việc thực thi luật nói trên bị tạm ngưng do dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, trong bối cảnh lo ngại việc dùng chung đồ đựng cà phê có khả năng làm lây lan virus.

Tuy nhiên, Bộ Môi trường đã quyết định khôi phục lại quy định cấm do dịch kéo dài đã dẫn đến lượng chất thải tăng cao.

Theo quy định mới nhất có hiệu lực từ ngày 2/4, 18 mặt hàng dùng một lần, bao gồm tăm xỉa răng và khăn trải bàn bằng nylon, bị cấm sử dụng trong các quán cà phê và nhà hàng.

Các cơ sở kinh doanh đồ uống và thức ăn cũng bị cấm cung cấp miễn phí túi nylon hoặc các loại túi sử dụng một lần khác, ngoại trừ túi giấy.

Một số mặt hàng mới như ống hút nhựa, que khuấy và cốc giấy sẽ được đưa vào danh sách cấm từ ngày 24/11, Bộ Môi trường cho biết.

Bên cạnh đó, theo thông báo của Bộ, "vật liệu chính cho cốc nhựa phải là polyethylene terephthalate [(PET, CAS 25038-59-9)], không màu và trong suốt", không có in bên ngoài để đảm bảo "cốc có thể được tái chế với chất lượng cao".

Việc ô nhiễm PET cấp thực phẩm trong quá trình tái chế đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt và khó khăn ở các khu vực khác. Việc in lên bề mặt cốc giấy dùng cho đồ uống nóng "nên được giảm thiểu" và cốc chỉ được phép có lớp phủ bên trong nếu nó "không gây ra bất kỳ vấn đề tái chế nào cho các công ty giấy".

Một số hành vi vi phạm có thể bị phạt tùy thuộc vào tần suất vi phạm và quy mô cửa hàng. Tuy nhiên, phía nhà chức trách cho biết họ đang có kế hoạch hướng dẫn và chỉ đạo hành chính thay vì xử phạt để đảm bảo tuân thủ trước khi dịch bệnh lắng xuống.

Theo The Korea Times, Hàn Quốc là một trong những quốc gia sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới, khoảng 98,2 kg/người/năm. Chính phủ muốn cắt giảm một nửa vào năm 2030.

(Theo Zing)

Tin khác