Tại kỳ họp cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Kido (KDC) sáng 23/3, Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên cho biết tập đoàn sẽ mở rộng ngành hàng khô & lạnh, phát triển sản phẩm mới trong mảng thực phẩm thiết yếu và mở rộng chuỗi bán lẻ F&B.
Trong đó chuỗi bán lẻ Chuk Chuk có kế hoạch tiến quân ra các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... kể từ tháng 5.
"Hiện giờ Chuk Chuk có 50 điểm bán và mục tiêu của đến cuối năm là 200-300 điểm trên toàn quốc. Đây là cửa hàng F&B mới bán các sản phẩm sữa tươi, trà sữa, cà phê và trà", ông Nguyên chia sẻ.
Chuk Chuk chính thức mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 10/2021 và nhanh chóng bao phủ tại TP.HCM. Doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác với nhiều đơn vị bán lẻ lớn để sớm đưa chuỗi này ra thị trường châu Á.
Cụ thể, Kido đã ký hợp tác với Sơn Kim Group để đưa Chuk Chuk có mặt tại chuỗi GS25 trên toàn quốc và xa hơn là thị trường Hàn Quốc. Song song đó tập đoàn còn ký kết với Centrail Retail Group để đưa Chuk Chuk có mặt tại hệ thống siêu thị GO!, Big C and Tops Market, đồng thời phát triển sang thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực.
Ngoài kế hoạch lớn với Chuk Chuk, Tổng giám đốc Kido còn cho biết tập đoàn có 450.000 điểm bán mặt hàng khô (chủ yếu là dầu ăn). Chiến lược sắp tới là bổ sung vào các điểm bán này nhiều mặt hàng mới như nước chấm, gia vị, sản phẩm snacking, các loại thức uống dinh dưỡng…
Đối với hệ thống bán tủ kem và đồ lạnh, Kido dự kiến đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hợp tác với Vinamilk trong năm nay, sau thời gian gián đoạn vì Covid-19.
Về kế hoạch kinh doanh chung năm 2022, Kido đặt ra mục tiêu doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 33% và 31% so với năm ngoái.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết hoạt động trong năm nay sẽ chịu ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự trên thế giới và chính sách Zero Covid, đẩy giá nguyên liệu lẫn nhiên liệu ở mức tăng cao. Từ đó chính sách giao thương và vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn.
Về kế hoạch tái cấu trúc, Kido tiếp tục được thông qua giao dịch mua cổ phiếu cổ phần Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC) và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC) để nâng tỷ lệ sở hữu mà không phải chào mua công khai.
Ông Trần Lệ Nguyên nói thêm hiện tập đoàn đã nắm trên 85% vốn Dầu Tường An và đã ký hợp đồng với Chứng khoán Rồng Việt để thực hiện mua lại cổ phiếu TAC.
Do vậy ngay cả khi cổ phiếu TAC hủy niêm yết thì cổ đông nhỏ muốn bán lại cho Kido đều được thực hiện thông qua Chứng khoán Rồng Việt, việc này sẽ duy trì cho đến khi tập đoàn mua hết 100% vốn Dầu Tường An.