Chuỗi F&B chật vật giữ giá

Từ 15h ngày 1/3, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 26.077 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.834 đồng/lít. Đây là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp của mặt hàng này và hiện giá bán cả 2 loại xăng đều ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Tương tự, thời điểm đầu tháng 3/2021, giá gas Pacific Petro, City Petro, ESGas gas trong nước ở mức 423.000 đồng/bình 12kg thì đến cùng kỳ năm nay đã tăng vọt lên 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45 kg, 2.184.500 đồng/bình 50 kg...

Thời gian qua, thị trường xăng dầu, gas thế giới tăng sốc do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine đã tác động trực tiếp tới giá hàng hóa, dịch vụ trong nước. Điều đó kéo theo giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn... đã tăng 10-30% và dự báo tăng tiếp trước sức ép của nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển lên cao.

Chuỗi nhà hàng lớn "gồng mình"

Giá xăng, gas tăng cao liên tục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dịch vụ vận tải mà đối với ngành dịch vụ ăn uống cũng lần lượt "thấm đòn". Với các doanh nghiệp F&B kinh doanh theo chuỗi, họ vẫn giữ nguyên giá bán hoặc tăng giá nhẹ một số sản phẩm mặc dù các chi phí nguyên liệu bị ảnh hưởng rất lớn...

Ông Hoàng Văn Tiễn - Chủ chuỗi Coffee Bike - cho biết doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực trước giá xăng, gas tăng mạnh. "Chi phí vận chuyển cà phê hạt từ Đà Lạt, Gia Lai xuống nhà máy rang xay tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam tăng rất cao từ 10% trong thời gian gần đây", ông nói.

Theo ông, trong kinh doanh việc tăng giá là vấn đề nhạy cảm, các cửa hàng cạnh tranh nhau gay gắt, chỉ cần tăng giá lên 1.000-2.000 đồng/ly đã ảnh hưởng rất lớn do đó doanh nghiệp buộc phải chấp nhận lời ít không tăng giá để giữ chân khách hàng.

"Chưa kể, năm nay nguồn cà phê rất khan hiếm khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng khiến doanh nghiệp đau đầu cân đối các chi phí sản xuất", ông nói.

Ông Lê Hoài Nam - Phó tổng giám đốc điều hành Công ty QSR Việt Nam - đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club - cũng thừa nhận tất cả nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và nội địa đều đồng loạt tăng giá gây sức ép lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nam cho biết đơn vị này vẫn cố gắng tìm đủ phương án cân đối giá các mặt hàng sao cho phù hợp nhất với phân khúc khách hàng.

"Một số sản phẩm buộc phải điều chỉnh tăng nhẹ, còn lại vẫn cố gắng 'gồng được đến đâu hay đến đó'. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, đơn vị sẽ phải tính đến việc điều chỉnh mới", ông nói với Zing.

Ngoài ra, đại diện QSR Việt Nam cho biết hiện nay để cân đối các chi phí và lợi nhuận, đơn vị phải cắt giảm thêm nhiều chi phí như tiền thuê mặt bằng...

Trong khi đó, đại diện thương hiệu Vua Cua cho biết khi xây dựng menu, đơn vị đã tính toán, lường trước các rủi ro về chi phí, nguyên liệu. "Với biên độ tăng giảm giá thấp thì đơn vị sẽ không cần phải điều chỉnh giá", đại diện này chia sẻ.

Hiện nay, để đi theo xu hướng tiêu dùng tại nhà và thắt chặt chi tiêu sau dịch, Vua Cua cũng triển khai chương trình giảm giá khoảng 10-20% với riêng mô hình express. "Toàn chuỗi cũng chuẩn bị ra mắt các combo mới để bán mang về, giá tốt hơn, mà đủ 1 bữa ăn cho gia đình nhỏ", đại diện thương hiệu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hoài Phương - CEO Công ty TNHH Golden Trust - đơn vị nhượng quyền và vận hành độc quyền Gong Cha Việt Nam khẳng định giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu người tiêu dùng, đối tác giao hàng, mua hàng hộ đang hợp tác với Gong Cha.

"Đặc biệt, nguyên vật liệu của đơn vị nhập khẩu từ nước ngoài về nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng với 90% chi phí tàu thuyền và 10% chi phí xe vận chuyển trong nước", ông nói.

Ông Phương cho biết thực tế, khi cần điều chỉnh giá, doanh nghiệp đều cân nhắc kỹ khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. "Do đó, từ tháng 3 đến cuối năm, chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá bán", ông nói.

Hiện nay, tình hình kinh doanh vẫn gặp nhiều thách thức do các vấn đề về dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu. "Với các cửa hàng không thể cầm cự thì dứt khoát cắt lỗ, đóng cửa để chuẩn bị kịch bản cho những cơn sóng dịch bệnh ảnh hưởng kinh tế có thể phát sinh mới trong năm nay và năm sau", CEO Gong Cha Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều nhà hàng, quán ăn phân khúc giá bình dân không thể tiếp tục "gồng mình" trước sức ép tăng giá của xăng, gas, chi phí nguyên liệu từ đầu năm nên buộc phải tăng giá bán. Theo khảo sát của Zing, nhiều quán ăn tại Hà Nội đã rục rịch tăng giá bán từ 3.000-10.000 đồng/món.

Giá xăng, gas trong nước tiếp tục tăng?

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao.

Ngày 2/3, tức một ngày sau khi liên Bộ Công Thương - Tài Chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng trong nước, giá cả hai loại dầu là WTI và Brent đều tăng vọt qua ngưỡng 110 USD/thùng và có xu hướng tiếp tục tăng.

Trong 30 ngày qua, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 23,2% và 20,8%. Đây cũng là mức giá cao nhất so với 7 năm trở lại đây.

Tương tự, giá nhiên liệu trên thế giới ngày 2/3 cũng trên đà tăng cao khi xung đột giữa Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, tác động đến nguồn cung khí hóa lỏng trên toàn cầu. Trong khi đó, giá gas trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào giá gas thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.

Theo Bloomberg, giá hàng hóa đã tăng cao nhất kể từ năm 2009 khi chiến sự tại Ukraine đe dọa đến các nguồn cung chủ chốt về năng lượng, cây trồng và kim loại vốn đang khan hiếm sau đại dịch.

Các lệnh trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga từ Mỹ, châu Âu và châu Á khiến các giao dịch thương mại với nước này rơi vào bế tắc. Trong khi đó Nga là nhà cung cấp lớn về dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, phân bón và kim loại.

Với mặt bằng giá cả thị trường tăng trong 2 tháng đầu năm và tác động diễn biến của dịch Covid-19 đang gây áp lực lên công tác điều hành giá của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Với diễn biến CPI của 2 tháng đầu năm 2022, các Bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.

(Theo Zing)

Tin khác