Thông tin trên được bà Tiêu Yến Trinh – Tổng giám đốc Talentnet, công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự toàn diện – cho biết tại hội thảo Quản trị nhân sự giữa hiện thực mới cuối tuần này. Đại diện Talentnet nhận định, sau mỗi đợt dịch bùng phát rồi lắng dịu, doanh nghiệp lại có nhu cầu tuyển dụng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bà Trinh dẫn kết quả khảo sát thực hiện cuối năm ngoái cho thấy có 20% doanh nghiệp dự định tuyển thêm nhân viên. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và xây dựng. Phân theo vùng miền thì khu vực phía Nam đang thiếu hụt nhân sự chăm sóc sức khoẻ và dược. Còn công ty công nghệ cao, công nghệ thông tin là những ngành thời thượng ở phía Bắc do ngày càng nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động.
Trong khi đó, chỉ 10% trong số hơn 600 công ty tham gia khảo sát lên kế hoạch cắt giảm nhân viên. Hầu hết họ đang hoạt động trong lĩnh vực chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh như nhà hàng, khách sạn, vận tải. 70% còn lại khẳng định sẽ tập trung vào chiến lược tái đào tạo, nâng cao kỹ năng mới để nhân viên bắt kịp với đòi hỏi ngày càng cao.
Đồng quan điểm, ông Đào Ngọc Thắng - Trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng dịch bệnh hoành hành nhưng tình trạng thiếu hụt nhân tài vẫn xảy ra ở mọi cấp bậc, từ công ty Việt Nam đến công ty vốn nước ngoài. Xu hướng chuyển đổi số trong giai đoạn này cũng khiến nhu cầu tuyển dụng mảng kỹ thuật số và thương mại tăng cao.
"5 lĩnh vực có tỷ lệ thiếu hụt lao động cao nhất năm nay là bất động sản, tài chính - ngân hàng, sản xuất, kinh doanh, công nghệ thông tin và những lĩnh vực liên quan đến công nghệ (E-Commerce, Fintech...)", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng, việc thiếu hụt nhân tài là lý do rất nhiều doanh nghiệp chú tâm và đầu tư mạnh cho các chương trình thu hút, giữ chân nhân sự chất lượng. Doanh nghiệp cũng bắt đầu nhìn nhận lại vai trò của từng bộ phân trong giai đoạn khủng hoảng để xem xét và đánh giá lại các chi phí, lợi ích khi đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Theo bà Trinh, điều chỉnh hay trả lương thế nào cho người lao động trong mùa dịch là bài toán hóc búa. Các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thay đổi chiến lược trả lương để thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn. Nguyên nhân là hiện doanh nghiệp nội trả lương thấp hơn công ty vốn nước ngoài khoảng 23%. Mức chênh lệch càng lớn khi cấp bậc càng tăng. Cụ thể, chênh lệnh lương của lao động phổ thông ở hai nhóm công ty này là 7%; còn cấp chuyên viên tăng lên 21%, quản lý đến 31%.
"Ngân hàng, dịch vụ tài chính – phi ngân hàng là những ngành "hot" nhưng tại miền Bắc chưa được trả lương bài bản do đa phần ở đây là các ngân hàng nội, ít chú trọng chính sách trả lương như các ngân hàng quốc tế tập trung ở khu vực phía Nam", bà Trinh nói.
Cùng với điều chỉnh xu hướng trả lương, doanh nghiệp cũng cần ứng biến nhanh trong mùa dịch bằng cách chuyển đổi mô hình vận hành từ hình tam giác sang hình tròn. Thay vì quản trị từ trên xuống dưới, qua nhiều cấp quản lý khác nhau khiến quy trình xử lý kéo dài thì doanh nghiệp đã trao quyền nhiều hơn cho cấp dưới và để họ chịu trách nhiệm thực thi.