Mùa bóng trầm lặng của giới kinh doanh

Không reo hò, không tụ tập xuyên đêm ở các quán nhậu hay cà phê..., mùa bóng đá năm nay diễn ra trong không khí tĩnh lặng, nhất là TP HCM và các địa phương còn bùng phát dịch bệnh. Với nhiều đơn vị kinh doanh, mùa bóng năm nay dường như chỉ bổ sung thêm phần nào doanh thu chứ không thể 'bùng nổ' như các năm trước.

"Mùa bóng này mà không dịch thì là cao điểm tăng thu của cả năm. Giờ không hoạt động được đúng là rất buồn", Minh, chủ hai quán nhậu ở quận 1, TP HCM cho biết. Cả hai mặt bằng kinh doanh của anh đều đang đóng cửa. Gia đình tạm tìm thu nhập từ quán bánh canh bán mang đi buổi sáng ở quận 7. "Tôi đang bàn với vợ bán thêm các món ăn vặt buổi tối qua Facebook", anh nói.

Trước khi Minh có ý tưởng này, nhiều đơn vị kinh doanh khác đã đổ sang mặt trận online để bù lại sự im ắng của hàng quán, với niềm tin rằng các giải bóng vẫn sẽ là một cơ hội kích cầu, hoặc ít nhất là kiếm thêm trong mùa dịch.

Ông Nguyễn Chí Nhân, Giám đốc phát triển kinh doanh của D1 Concepts cho biết đang đưa ra các chương trình giảm giá cho kênh trực tuyến, giao hàng tận nhà. Đơn vị này kỳ vọng số lượng đơn hàng có thể tăng lên nhờ vào lượng người hâm mộ bóng đá đặt hàng để vừa xem bóng vừa dùng bữa.

"So với các năm, mùa vòng loại World Cup và Euro này sẽ có nhiều điểm đặc biệt, khi người Việt Nam gần như chắc chắn sẽ xem bóng đá tại nhà nhiều hơn", ông đánh giá. D1 Concepts là đơn vị sở hữu các chuỗi F&B như Sorae Sushi Sake & Longe, San Fu Lou, Dì Mai, và CAFEDA.

Các nhà sản xuất, phân phối đồ uống và TV cũng chuyển trọng tâm tương tự, để giữ nhiệt thương hiệu và kỳ vọng được người tiêu dùng chọn mua về nhà. Một loạt thương hiệu bia đã đồng loạt ra quân trong mùa bóng.

Sabeco thông báo trở thành đối tác tài trợ đồng hành của đội tuyển Việt Nam. Tiger thì quyết định chi hàng trăm tỷ đồng cho chương trình trúng bóng vàng, huy chương vàng tại 7 tỉnh thành. Trong khi, Budweiser tung với chiến dịch khao một triệu lon bia. Những hoat động này đều được ra sức quảng báo và tương tác trên các phương tiện truyền thông trực tuyến và sàn thương mại điện tử.

Các nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng cũng đồng loạt có ưu đãi cho mặt hàng TV. Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Nguyên Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh Thiên Hòa nói kênh bán online kèm một loạt chính sách như nâng đời TV, thu cũ đổi mới đang được đẩy mạnh. Theo ông, cơ hội bán hàng của nhóm TV mùa bóng vẫn có tiềm năng rất lớn, mặc dù dịch diễn ra phức tạp.

"Nhu cầu về giải trí và thưởng thức các trận cầu đỉnh cao tại nhà vẫn có, và trong năm múi giờ, các trận đấu đều diễn ra vào ban đêm, do đó cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu giải trí của người dân TP HCM nói chung và cả nước nói riêng", ông Tuấn Anh nói.

Hiện tại, theo đánh giá của công ty, người tiêu dùng đang chuộng phân khúc TV 43 inches – 55 inches, với tầm giá 12 đến dưới 20 triệu đồng. Điều này cũng phù hợp với báo cáo quý I/2021 của GFK, cho biết xu hường tiêu dùng đang chuyển dịch sang các TV có kích thước lớn hơn, với dòng từ 55 inches trở lên nhu cầu tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, khi niềm hân hoan của khán giả chỉ thể hiện riêng tư tại nhà, hay trên mạng xã hội, cơ hội để có "điểm bùng nổ" như mùa bóng các năm trước khó diễn ra. Phân khúc TV, màn chiếu cho hàng quán hiện "đóng băng", tiêu thụ đồ uống khó khỏa lấp được kênh offline tại quán. Đơn giản vì người tiêu dùng không tụ tập cùng nhau và thu nhập một số bị ảnh hưởng trong hai năm qua.

Ông Trần Nguyên Tuấn Anh xác nhận, xu hướng tiêu dùng TV màn hình lớn bị ảnh hưởng lớn ở phân khúc hàng quán. Do cấm tụ tập nên việc trang bị TV và màn hình chiếu lớn với mục đích kết hợp kinh doanh loại hình ăn uống không thể như những năm trước.

UBC Việt Nam là một nhà sản xuất TV nội địa. Ông Đào Đặng Duy Huân, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, doanh số TV tháng 6 tăng trưởng hơn so với tháng 4 và 5 khoảng 30% nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với các mùa bóng trước. Ông lý giải, do ảnh hưởng hưởng chung của dịch bệnh nên sức mua giảm so với trước. Mặt khác, giá TV năm 2021 tăng cao hơn, so do tác động của giá nguyên vật liệu chung và đặc biệt là khủng hoảng chip.

"Kết hợp cả 2 yếu tố giá tăng và dịch bệnh làm cho nhu cầu tivi mùa bóng năm nay giảm hơn so với các mùa bóng trước. Tuy nhiên vẫn là một cơ hội tốt để cải thiện doanh số trong bối cảnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp", ông nhận xét.

Dịch căng thẳng hai tháng qua đang đánh vào sức mua của người tiêu dùng. Một vài chỉ số vĩ mô đã ghi nhận mức giảm nhẹ. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 giảm 3,1% so với tháng 4 và giảm 1% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 318.200 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 34.300 tỷ đồng: lần lượt giảm 1,7% và 13,4% so với tháng 4. Một báo cáo mới đây của HSBC cũng bình luận, đợt bùng dịch lần này "gây ra những rủi ro đáng kể cho sự phục hồi mới đây của thị trường lao động và tiêu
dùng cá nhân".

Giới kinh doanh cũng cảm nhận rất rõ điều đó.

"Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã thay đổi người tiêu dùng từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách họ tiêu dùng. Các nhà hàng phải tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động bởi thị trường giảm cầu đột ngột", ông Nguyễn Chí Nhân, nói.

Tại các chuỗi của D1, dịch bệnh từ đầu năm đến nay khiến họ đối mặt với loạt vấn đề như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư các dự án thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Trong lúc tận dụng mùa bóng như một cơ hội ngắn hạn, họ đang nỗ lực các bài toán dài hơi hơn.

"Chúng tôi chú trọng các phương án tăng cường kết nối với các ứng dụng giao hàng trực tuyến và liên tục tung ra các mã giảm giá nhằm tăng số lượng đơn mỗi ngày", ông Nhân nói và cho biết, gần đây còn cho ra mắt dòng sản phẩm đóng gói mới như dimsum, xôi gà, chả giò... để khách hàng trữ dùng dần, khi sử dụng chỉ cần làm nóng lại chỉ mất 2-3 phút.

(Theo Vnexpress)

Tin khác