Doanh nghiệp nội đã sẵn sàng nhượng quyền?
Phương thức nhượng quyền thương mại (franchise) đang được các thương hiệu nước ngoài tận dụng triệt để tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt muốn “franchise” ra nước ngoài lại gặp khó, tại sao lại như vậy?
Theo thông tin tại cuộc Triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu diễn ra vào cuối tuần qua tại Tp.HCM, hiện có khoảng 40 thương hiệu nước ngoài, trong đó khoảng 90% thương hiệu là của doanh nghiệp đến từ châu Âu và Mỹ, đang tìm đối tác Việt Nam để nhượng quyền độc quyền khai thác tại thị trường trong nước.
Muốn xuất ngoại để nhượng quyền kinh doanh, các doanh nghiệp nội cần có sự thay đổi
Thiếu tầm nhìn
Phát biểu tại cuộc triển lãm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định rằng nhượng quyền thương hiệu là mô hình tiến bộ của ngành bán lẻ có hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro đã được phát triển phổ biến ở nhiều quốc gia khác trên thế giới và ở Việt Nam phương thức kinh doanh này cũng được phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các bộ, ngành Việt Nam đang tích cực hoàn thiện và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo cho việc quản lý và thúc đẩy phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại tại thị trường Việt Nam.
Còn theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT công ty Bán lẻ & Nhượng quyền châu Á (Retail & Franchise Asia), các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đang muốn nhượng quyền ở thị trường Việt Nam là xu hướng chuyển kinh doanh sang khu vực châu Á của những công ty này trong bối cảnh thị trường châu Âu chưa hồi phục. Các doanh nghiệp này đánh giá thị trường châu Á, thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang có nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, khi trao đổi thêm với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ điều bà trăn trở là tầm nhìn các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ trong việc tìm đường “franchise” ra nước ngoại lại rất hạn chế. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp nội vẫn làm theo cách nghĩ cũ, nghĩa là phát triển nhượng quyền ở thị trường Việt Nam rồi mới xuất ngoại. Chính vì thiếu tầm nhìn ra khu vực nên khi nhắc đến “franchise”, các thương hiệu Việt hầu như lép vế.
Chính vì vậy, bà Vân đưa ra khái niệm “ngày số 0” là ngày mà các doanh nghiệp Việt nếu muốn “franchise” nên đặt lại định nghĩa thị trường, phải xem thị trường châu Á, thị trường ASEAN là thị trường trọng điểm của thế giới như các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ đang hướng đến. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp nội phải “franchise” như thế nào, có đủ chuẩn và đủ chuyên nghiệp để xuất ngoại hay không?
Trong khi trên thực tế, việc nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài của các doanh nghiệp nội hiện nay đa phần đều có vấn đề vì thương hiệu chưa uy tín, các sản phẩm, dịch vụ chưa có tính độc đáo, riêng biệt, chưa phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.
Khi tham vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giới chuyên gia quốc tế về nhượng quyền thương mại cho biết hạn chế lớn của thương hiệu Việt khi muốn “xuất ngoại” để nhượng quyền kinh doanh là thiếu kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm để bước ra thị trường khu vực và nhất là thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.
Chẳng đâu xa, như các doanh nghiệp Malaysia, nếu xét về chất lượng sản phẩm, họ không hơn các doanh nghiệp Việt, nhưng nếu xét về mức độ chuyên nghiệp và trải nghiệm ra thị trường khu vực khi nhượng quyền thương hiệu thì doanh nghiệp Việt còn kém xa.
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp của Singapore, Thái Lan, Philippines cũng là bậc thầy về nhượng quyền kinh doanh trong khu vực ASEAN. Điều dễ thấy nhất ở các doanh nghiệp này là họ hiểu “ngày số 0” đã đến nên họ quá sẵn sàng để thay đổi, làm mọi thứ để thay đổi.
Càng chậm càng thua
Giới chuyên gia cho rằng ở những quốc gia trên, khi các doanh nghiệp muốn phát triển nhượng quyền thương hiệu ra bên ngoài, chính phủ của họ hỗ trợ hết mình, liên tục mở hội thảo và huấn luyện kỹ năng cho các doanh nghiệp của họ để xây dựng những thương hiệu “chuẩn” khi bước ra thị trường thế giới.
Đồng thời, họ thường xuyên đưa các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các nước trong thị trường châu Á, thị trường ASEAN để tìm kiếm các cơ hội.
Còn với các doanh nghiệp Việt hiện nay thì sao? Giới chuyên gia chỉ thẳng rằng ngay như việc các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhượng quyền thương hiệu trong nước cũng còn lấn cấn thì việc bước chân ra nước ngoài còn khó khăn hơn nhiều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam không hiểu rõ các quy định, quy luật về nhượng quyền kinh doanh trên thị trường thế giới.
Một chuyên gia thương hiệu đưa ra so sánh, các thương hiệu ngoại dễ nhượng quyền tại thị trường Việt Nam vì có quy trình làm việc chuẩn và thời gian phát triển thương hiệu tương đối lâu, độ phủ toàn cầu nên dễ được người tiêu dùng Việt tiếp nhận.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt muốn nhượng quyền ra nước ngoài lại gặp nhiều khó khăn bởi thị hiếu tiêu dùng của các nước không giống Việt Nam. Cho nên, điều cốt lõi là các doanh nghiệp có xây dựng được bản sắc thương hiệu riêng, có dễ dàng chấp nhận thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường bên ngoài hay không?
Bà Nguyễn Phi Vân, người đã đưa thương hiệu Gloria Jean’s Coffees vào Việt Nam và chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động của thương hiệu này, chia sẻ thêm với Thời báo Kinh Doanh rằng muốn “franchise” thành công, các doanh nghiệp Việt cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ.
Ngoài ra, vẫn theo bà Vân, các doanh nghiệp Việt không nên vội vã nhượng quyền nếu chưa xây dựng được tiềm lực và nội lực đủ mạnh. Doanh nghiệp nội nên thật lòng với mình về “sức khỏe” chuỗi cung ứng, về hoạt động của từng chi nhánh trước khi “franchise”.
Thế Vinh
Đăng trên thoibaokinhdoanh.vn, ngày 9/11/2015
Theo thông tin tại cuộc Triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu diễn ra vào cuối tuần qua tại Tp.HCM, hiện có khoảng 40 thương hiệu nước ngoài, trong đó khoảng 90% thương hiệu là của doanh nghiệp đến từ châu Âu và Mỹ, đang tìm đối tác Việt Nam để nhượng quyền độc quyền khai thác tại thị trường trong nước.
Thiếu tầm nhìn
Phát biểu tại cuộc triển lãm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định rằng nhượng quyền thương hiệu là mô hình tiến bộ của ngành bán lẻ có hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro đã được phát triển phổ biến ở nhiều quốc gia khác trên thế giới và ở Việt Nam phương thức kinh doanh này cũng được phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các bộ, ngành Việt Nam đang tích cực hoàn thiện và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo cho việc quản lý và thúc đẩy phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại tại thị trường Việt Nam.
Còn theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT công ty Bán lẻ & Nhượng quyền châu Á (Retail & Franchise Asia), các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đang muốn nhượng quyền ở thị trường Việt Nam là xu hướng chuyển kinh doanh sang khu vực châu Á của những công ty này trong bối cảnh thị trường châu Âu chưa hồi phục. Các doanh nghiệp này đánh giá thị trường châu Á, thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang có nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, khi trao đổi thêm với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ điều bà trăn trở là tầm nhìn các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ trong việc tìm đường “franchise” ra nước ngoại lại rất hạn chế. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp nội vẫn làm theo cách nghĩ cũ, nghĩa là phát triển nhượng quyền ở thị trường Việt Nam rồi mới xuất ngoại. Chính vì thiếu tầm nhìn ra khu vực nên khi nhắc đến “franchise”, các thương hiệu Việt hầu như lép vế.
Chính vì vậy, bà Vân đưa ra khái niệm “ngày số 0” là ngày mà các doanh nghiệp Việt nếu muốn “franchise” nên đặt lại định nghĩa thị trường, phải xem thị trường châu Á, thị trường ASEAN là thị trường trọng điểm của thế giới như các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ đang hướng đến. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp nội phải “franchise” như thế nào, có đủ chuẩn và đủ chuyên nghiệp để xuất ngoại hay không?
Trong khi trên thực tế, việc nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài của các doanh nghiệp nội hiện nay đa phần đều có vấn đề vì thương hiệu chưa uy tín, các sản phẩm, dịch vụ chưa có tính độc đáo, riêng biệt, chưa phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.
Khi tham vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giới chuyên gia quốc tế về nhượng quyền thương mại cho biết hạn chế lớn của thương hiệu Việt khi muốn “xuất ngoại” để nhượng quyền kinh doanh là thiếu kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm để bước ra thị trường khu vực và nhất là thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.
Chẳng đâu xa, như các doanh nghiệp Malaysia, nếu xét về chất lượng sản phẩm, họ không hơn các doanh nghiệp Việt, nhưng nếu xét về mức độ chuyên nghiệp và trải nghiệm ra thị trường khu vực khi nhượng quyền thương hiệu thì doanh nghiệp Việt còn kém xa.
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp của Singapore, Thái Lan, Philippines cũng là bậc thầy về nhượng quyền kinh doanh trong khu vực ASEAN. Điều dễ thấy nhất ở các doanh nghiệp này là họ hiểu “ngày số 0” đã đến nên họ quá sẵn sàng để thay đổi, làm mọi thứ để thay đổi.
Càng chậm càng thua
Giới chuyên gia cho rằng ở những quốc gia trên, khi các doanh nghiệp muốn phát triển nhượng quyền thương hiệu ra bên ngoài, chính phủ của họ hỗ trợ hết mình, liên tục mở hội thảo và huấn luyện kỹ năng cho các doanh nghiệp của họ để xây dựng những thương hiệu “chuẩn” khi bước ra thị trường thế giới.
Đồng thời, họ thường xuyên đưa các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các nước trong thị trường châu Á, thị trường ASEAN để tìm kiếm các cơ hội.
Còn với các doanh nghiệp Việt hiện nay thì sao? Giới chuyên gia chỉ thẳng rằng ngay như việc các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhượng quyền thương hiệu trong nước cũng còn lấn cấn thì việc bước chân ra nước ngoài còn khó khăn hơn nhiều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam không hiểu rõ các quy định, quy luật về nhượng quyền kinh doanh trên thị trường thế giới.
Một chuyên gia thương hiệu đưa ra so sánh, các thương hiệu ngoại dễ nhượng quyền tại thị trường Việt Nam vì có quy trình làm việc chuẩn và thời gian phát triển thương hiệu tương đối lâu, độ phủ toàn cầu nên dễ được người tiêu dùng Việt tiếp nhận.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt muốn nhượng quyền ra nước ngoài lại gặp nhiều khó khăn bởi thị hiếu tiêu dùng của các nước không giống Việt Nam. Cho nên, điều cốt lõi là các doanh nghiệp có xây dựng được bản sắc thương hiệu riêng, có dễ dàng chấp nhận thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường bên ngoài hay không?
Bà Nguyễn Phi Vân, người đã đưa thương hiệu Gloria Jean’s Coffees vào Việt Nam và chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động của thương hiệu này, chia sẻ thêm với Thời báo Kinh Doanh rằng muốn “franchise” thành công, các doanh nghiệp Việt cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ.
Ngoài ra, vẫn theo bà Vân, các doanh nghiệp Việt không nên vội vã nhượng quyền nếu chưa xây dựng được tiềm lực và nội lực đủ mạnh. Doanh nghiệp nội nên thật lòng với mình về “sức khỏe” chuỗi cung ứng, về hoạt động của từng chi nhánh trước khi “franchise”.
Thế Vinh
Đăng trên thoibaokinhdoanh.vn, ngày 9/11/2015
Tin khác