Tấn công thị trường bán lẻ, MobiFone tung con bài gì?


Giải pháp được MobiFone lựa chọn là sử dụng phương thức bán thiết bị kèm hợp đồng nhà mạng để tạo ra ưu thế cạnh tranh...

TS Phùng Trung Nghĩa, Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông chia sẻ góc nhìn của mình về việc MobiFone gia nhập thị trường bán lẻ.

PV: - MobiFone vừa chính thức tham gia thị trường bán lẻ với việc khai trương cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối đầu tiên tại TP.HCM và dự tính sẽ phát triển hơn 100 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố lớn trong năm đầu. Để cạnh tranh với các nhà mạng khác, MobiFone tiếp tục phát triển xu hướng đang phổ biến ở các nước phát triển là bán thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng mà hãng này đã áp dụng tại Việt Nam từ vài năm trước. Với cách làm này, ông hình dung MobiFone sẽ có được quyền lực như thế nào trên thị trường viễn thông di động?

TS Phùng Trung Nghĩa: - Các hãng bán lẻ thiết bị di động ở Việt Nam như Thế giới di động và FPT Shop đã có số lượng cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc rất lớn. Các nhà mạng Viettel và Vinaphone cũng đã xây dựng chuỗi các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Do vậy việc MobiFone tiến vào thị trường bán lẻ thiết bị di động sẽ có nhiều cạnh tranh và khó khăn.


MobiFone dự tính sẽ phát triển hơn 100 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố lớn trong năm đầu tiên

Giải pháp được MobiFone lựa chọn là sử dụng phương thức bán thiết bị kèm hợp đồng nhà mạng để tạo ra ưu thế cạnh tranh cho các nhà mạng so với các hãng bán lẻ thiết bị như Thế giới di động hay FPT Shop. Đây là một ý tưởng hay, khuyến khích các nhà mạng tập trung phát triển, nâng cấp các dịch vụ mạng thay vì chỉ tập trung bán lẻ thiết bị như trước. Đối với khách hàng, mua thiết bị kèm hợp đồng nhà mạng có thể sẽ được 2 trong 1, vừa mua được thiết bị với giá tốt vừa ký được hợp đồng ưu đãi với nhà mạng.

Tuy nhiên, phương thức kinh doanh bán thiết bị kèm hợp đồng nhà mạng cũng không thể là yếu tố duy nhất quyết định được thành công trên thị trường viễn thông di động. Đặc biệt khi thói quen người tiêu dùng vẫn không muốn bị trói buộc vào các hợp đồng có thời hạn của nhà mạng khi mua thiết bị. Ngoài ra, việc cung cấp thiết bị di động gắn với một nhà mạng cụ thể sẽ khiến không nâng cấp sản phẩm và dịch vụ khó khăn hơn.

Người dùng Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với người dùng Trung Quốc và châu Á nói chung. Nếu nhìn sang thị trường Trung Quốc, chúng ta thấy những hãng điện thoại nội địa thành công nhất như Xiaomi vẫn đã và đang sử dụng cách bán lẻ smartphone độc lập với nhà mạng. Người tiêu dùng mua điện thoại, sau đó có thể sử dụng SIM của nhiều hãng viễn thông giống như cách thức Thế giới di động hay FPT Shop vẫn đang làm.

Rõ ràng, những yếu tố tâm lý khách hàng như nói đến ở trên sẽ là một thách thức không nhỏ cho MobiFone khi tham gia thị trường bán lẻ với phương thức bán thiết bị kèm hợp đồng nhà mạng. Do vậy, để tạo ra quyền lực và xác lập vị trí trên thị trường, MobiFone cần phải có những biện pháp kinh doanh và tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng phù hợp, đặc biệt là các đối tượng dùng dịch vụ di động lần đầu như học sinh phổ thông. Nếu gắn được việc bán thiết bị với các ưu đãi về dịch vụ như giảm giá cước, tích hợp với các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo trong Nhà trường, MobiFone có thể chiếm lĩnh được thị phần rất lớn này.

PV: - Hiện cuộc cạnh tranh giành thị phần giữa Mobi, VNPT và Viettel vẫn đang hết sức quyết liệt. Liệu nó có là động lực để thúc đẩy VNPT, Viettel nối gót MobiFone hòa nhập vào xu hướng bán thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng và vì sao? Một khi cả ba nhà mạng cùng vào cuộc, với tiềm lực hiện tại, lợi thế sẽ thuộc về ai?

Nếu không áp dụng bán theo thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng nói trên, ba nhà mạng này có thể cạnh tranh trên thị trường bán lẻ như thế nào vốn đã lộ diện nhiều ông lớn, những doanh nghiệp có thị phần lớn như FPT shop, Thế giới di động...?

TS Phùng Trung Nghĩa: - Như tôi đã phân tích ở trên, phương thức kinh doanh bán thiết bị kèm hợp đồng nhà mạng có ưu điểm nhưng không phải là không có nhược điểm. Mặc dù phương thức này tạo ra ưu thế cạnh tranh của các nhà mạng so với các doanh nghiệp bán lẻ thiết bị, tôi cho rằng hiệu quả kinh doanh cần phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn và nhiều khả năng Viettel và VinaPhone sẽ đợi, nghe ngóng kết quả kinh doanh của MobiFone với chiến lược mới trước khi tham gia cuộc đua hướng bán thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng (nếu có).

Trong trường hợp cả 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, VinaPhone đều sử dụng phương thức kinh doanh bán thiết bị kèm hợp đồng nhà mạng, lợi thế sẽ thuộc về nhà mạng nào tiếp cận được đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ di động lần đầu như học sinh phổ thông. Còn đối với các đối tượng hiện đã sử dụng các dịch vụ di động, họ sẽ không thay đổi nhà mạng chỉ để mua thiết bị mới mà sẽ chọn lựa dịch vụ bán lẻ thiết bị độc lập dịch vụ của các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động khi cần nâng cấp, mua mới thiết bị di động.

Nếu không áp dụng phương thức bán thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng, các nhà mạng vẫn có thể tham gia thị trường bán lẻ bằng nhiều biện pháp khác, ví dụ như bắt tay với các doanh nghiệp bán lẻ, bắt tay với hãng cung cấp thiết bị di động để cùng ăn chia lợi nhuận bán lẻ thiết bị gắn với các gói hỗ trợ dịch vụ mà không bắt buộc khách hàng phải theo các hợp đồng dịch vụ “cứng” với nhà mạng.

PV: - Về phía người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi như thế nào khi xảy ra cuộc cạnh tranh thị phần của các nhà mạng? Đặc biệt, với xu hướng bán smartphone kèm hợp đồng của nhà mạng, ông hình dung ra cơ hội người Việt được "lướt sóng" các sản phẩm công nghệ cao như thế nào? Thị trường tiêu thụ sản phẩm này ở Việt Nam sẽ thay đổi ra sao?

TS Phùng Trung Nghĩa: - Rõ ràng có cạnh tranh thì người dùng luôn được lợi.Tuy nhiên theo tôi, nếu xu hướng bán smartphone kèm hợp đồng của nhà mạng trở nên phổ biến và được các nhà mạng lớn ở Việt Nam áp dụng, người dùng sẽ bị hạn chế cơ hội “lướt sóng” các thiết bị di động mới do bị ràng buộc bởi hợp đồng và khó thay thế, nâng cấp thiết bị. Ngược lại, về khía cạnh dịch vụ, người dùng sẽ được sử dụng các gói dịch vụ rẻ hơn, các dịch vụ sẽ có thêm các tính năng, tiện ích cho người sử dụng… Bản thân các thiết bị cũng sẽ được bán với giá rẻ hơn.

Nếu xu hướng bán smartphone kèm hợp đồng với nhà mạng được áp dụng rộng rãi, thị trường tiêu thụ thiết bị di động tại Việt Nam cũng sẽ có nhiều thay đổi, trong đó thiết bị luôn đi kèm với dịch vụ, và yếu tố dịch vụ trước đây chưa được các nhà mạng quan tâm đúng mức sẽ trở thành con bài cạnh tranh chính của các nhà mạng.

Thành Luân
Đăng trên baodatviet.vn, ngày 26/10/2015
Tin khác