Từ kịch bản bước ra đời thực
Trước đây, người ta hay nói về kịch bản mong đợi dưới đây. Một người sau khi hết giờ làm việc trong ngày bắt đầu cảm thấy đói khi đang trên đường về nhà. Họ bảo ứng dụng điện thoại thông minh của mình tìm thứ gì đó để ăn. Ứng dụng hiển thị một món ăn ít calorie do đồng hồ thông minh cho thấy họ không tập thể dục đủ nhiều để ăn món gì khác có nhiều calorie hơn vì sợ thừa.
Một camera được lắp đặt trong tủ lạnh tại nhà sẽ kiểm tra xem những gì có sẵn và đưa những thành phần còn thiếu vào trong một danh sách cần sắm. Danh sách này sau đó được chuyển đến hệ thống dẫn đường trên chiếc xe người sử dụng đang lái. Hệ thống lập tức cung cấp thông tin về tuyến đường cần đi để mua những gì có trong danh sách. Trong khi họ lái xe, tủ lạnh điều chỉnh nhiệt độ của nó, và lò nướng được khởi động, sẵn sàng được sử dụng khi chủ nhân trở về ngôi nhà.
Kịch bản nghe không khác gì chuyện khoa học viễn tưởng nói trên lại đang dần trở thành hiện thực đối với các nhà sản xuất thiết bị gia dụng tại IFA năm nay. Với phương châm “Thế giới kết nối”, triển lãm thu hút khoảng 1.800 doanh nghiệp tham dự, giới thiệu đủ loại công nghệ và thiết bị mới nhất, từ ti vi độ phân giải cao, sản phẩm gia dụng cho đến robot gia đình. Tất cả thiết bị này đều có khả năng được kết nối với Internet và trợ lý số để làm theo ứng dụng, khẩu lệnh của người sử dụng hoặc hoạt động độc lập.
Chẳng hạn như nếu đồng hồ thông minh nhận thấy “chủ nhân” của nó không ngủ đủ giấc, thiết bị sẽ gửi mệnh lệnh tới máy pha cà phê để nó pha cà phê đậm hơn thường lệ. Ông Roland Hagenbucher, Giám đốc điều hành bộ phận thiết bị gia dụng của hãng Siemens (Đức), tin rằng những bước tiến như thế là điều khó tránh khỏi. “Việc điều khiển thiết bị bằng giọng nói trở nên tự nhiên hơn. Đó là một chủ đề lớn tại cuộc triển lãm và chúng tôi đang hợp tác với một số công ty để thúc đẩy công nghệ nền tảng”, ông cho biết.
Trợ lý giọng nói (trợ lý ảo) là chương trình AI có thể được truy cập từ điện thoại thông minh, các thiết bị chuyên dụng như loa Echo của Amazon, ti vi thông minh hoặc thậm chí cả xe hơi. Được kết nối thông qua đám mây với các công cụ tìm kiếm, cơ sở dữ liệu, ứng dụng và các thiết bị khác, chương trình này được thiết kế để cho phép người sử dụng truy xuất thông tin và kiểm soát cuộc sống số của họ mà không cần chạm vào chiếc điện thoại hoặc máy tính của mình.
Đáng chú ý là ngày càng có nhiều loa thông minh, như Echo (của Amazon) hoặc Google Home, hiện diện trong ngôi nhà người sử dụng. Chỉ tính riêng ở Đức, khoảng 8,7 triệu người sử dụng loa thông minh và con số này đang gia tăng nhanh chóng – theo nghiên cứu gần đây của nhóm vận động hành lang công nghệ thông tin Bitkom (Đức) và hãng tư vấn Deloitte.
Bạn hay thù?
“Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của trợ lý giọng nói thông minh”, ông Christoph Meineke, chuyên gia của Bitkom, nhận định và nói thêm công nghệ này đang tạo ra một thị trường mới nhiều tỉ euro.
Ngay cả những nhà sản xuất hệ thống âm thanh cao cấp như Harman Kardon (Mỹ) hay Bang & Olufsen (Đan Mạch) cũng nhận thấy họ không thể bỏ qua xu hướng tích hợp trợ lý số nếu không muốn bị mất doanh thu. Tại IFA 2018, Bang & Olufsen đã trình làng mẫu loa tích hợp trợ lý số Google Assistant và năm micro. Thiết bị này không chỉ là công cụ để phát nhạc mà còn được xem là trung tâm điều khiển của ngôi nhà thông minh.
Với sự phát triển ấn tượng của trợ lý giọng nói, điều người tiêu dùng cần làm lúc này là học cách điều khiển thiết bị, máy móc để giúp cuộc sống của mình trở nên tiện lợi, khỏe mạnh và thú vị hơn. Dù vậy, mặt tiêu cực của xu hướng nói trên là số lượng lớn dữ liệu cá nhân được thu thập trong quá trình này, cho phép bất kỳ ai tiếp cận được chúng cũng nắm trong tay một lượng kiến thức khổng lồ. Nhiều người sử dụng tỏ ra không mấy quan tâm đến sự rủi ro này khi cho rằng họ không có gì để che giấu.
Tuy nhiên, ông Markus Preuss, một chuyên gia tại công ty bảo mật Kaspersky (Nga) cảnh báo rằng sự kết hợp của tất cả dữ liệu được thu thập sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. “Dữ liệu thu thập từ chuyện bật hoặc tắt đèn có thể giúp người khác biết được liệu ngôi nhà đang có người ở hay không. Ngoài ra, dựa trên dữ liệu được gửi từ chiếc tủ lạnh thông minh, người ta có thể biết được khá nhiều về thói quen ăn uống của người sử dụng”, ông Preuss giải thích.
Cũng theo chuyên gia này, các nhà cung cấp thực phẩm và công ty bảo hiểm chắc chắn sẽ quan tâm đến việc truy cập vào các dữ liệu đó này: “Nếu một người theo chế độ ăn uống không lành mạnh, công ty bảo hiểm sức khỏe có thể quyết định sẽ không trả tiền cho một cuộc phẫu thuật cần thiết nào đó”. Tình hình thậm chí còn thêm tồi tệ khi dữ liệu nói trên được gắn kết với hồ sơ truyền thông xã hội của mọi người. “Đây là thời điểm những người khác bắt đầu biết về bạn rõ hơn chính bản thân bạn”, ông Preuss cảnh báo. Ngoài ra, đã xuất hiện những hệ thống có khả năng bắt chước giọng nói của bạn, dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp danh tính.
Dù vậy, ngay cả ông Preuss cũng thừa nhận không thể ngăn chặn hoặc đảo ngược những sự tiến bộ như công nghệ giọng nói nên điều cần làm là nâng cao sự nhận thức của mọi người về những mối rủi ro tiềm tàng. Họ cần phải hiểu rằng lời hứa mang lại sự thuận tiện cũng có cái giá của nó. Trong khi đó, các nhà làm luật cần ban hành quy định kiểm soát việc sử dụng công nghệ có liên quan thay vì chỉ dựa vào sự cam kết của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất thiết bị có thể lại suy nghĩ khác. Ông Reinhard Zinkann, chuyên gia của Hiệp hội các nhà sản xuất điện và điện tử Đức (ZVEI), cho rằng người tiêu dùng cần quen với thực tế rằng sự riêng tư không còn quan trọng như trước. Tại Siemens, ban lãnh đạo công ty này tin rằng các biện pháp thực hiện cho đến giờ có thể bảo vệ hiệu quả dữ liệu nhạy cảm. Họ cũng cho rằng chuyện một công ty bảo hiểm y tế có thể biết được những gì trong tủ lạnh của người sử dụng để phân tích thói quen ăn uống của họ vẫn còn là chuyện xa vời.
Một số công ty công nghệ cũng cung cấp các hình thức bảo đảm an toàn cho dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như Google cho phép người sử dụng xóa lịch sử cuộc hội thoại. Trong khi đó, hãng LG nhấn mạnh chủ sở hữu nhà có thể điều chỉnh nội dung cài đặt cho hệ thống của ngôi nhà từ bất kỳ nơi nào trên thế giới bằng ứng dụng, nhờ vậy khiến cho ngôi nhà trông như có người ở và khiến bọn trộm e dè.
Thời của ngôi nhà thông minh
Chỉ vài năm sau khi trở thành tâm điểm của sự chú ý, trợ lý giọng nói đang học nhiều ngôn ngữ mới và kết nối với ngày càng nhiều thiết bị bên trong hoặc xung quanh ngôi nhà. Dù vậy, vẫn còn một chặng đường dài để công nghệ mới này trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng. Theo công ty tư vấn Canalys, khoảng 100 triệu thiết bị trang bị trợ lý giọng nói dự kiến được bán trong năm nay, tăng 60 triệu chiếc so với năm ngoái.
“Trợ lý giọng nói sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong vòng 2-5 năm tới”, ông Mike J. Walker, Phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner, dự đoán.
Kết quả dự báo này có thể không quá xa vời khi tại IFA 2018, hầu như mọi sản phẩm mới đều được thiết kế để làm việc với các trợ lý giọng nói của Google, Apple, Amazon, Samsung và Microsoft hoặc với tất cả chúng. Những sản phẩm được trưng bày phần nào cho thấy thời của ngôi nhà thông minh, nơi chủ nhà được robot phục vụ và điều khiển thiết bị gia dụng bằng khẩu lệnh hoặc cử chỉ, không còn quá xa. Các phụ kiện thông minh nhỏ như bóng đèn, phích cắm hoặc bộ điều nhiệt có thể được điều khiển bằng ứng dụng hoặc khẩu lệnh đã xuất hiện trên thị trường được vài năm.
Giờ đây, sự phổ biến của loa thông minh hứa hẹn thúc đẩy doanh số những sản phẩm này. Bên cạnh đó, một số công ty bắt đầu trang bị khả năng điều khiển thiết bị gia dụng lớn hơn bằng giọng nói. Chẳng hạn như hãng Panasonic trình làng các thiết bị điều hòa nhiệt độ, hệ thống chiếu sáng và ti vi có thể được bật hoặc tắt tất cả cùng một lúc khi chỉ cần nói với trợ lý ảo của Google những câu “Tôi đã về nhà” hoặc “chúc ngủ ngon”.
Trong khi đó, hãng Electrolux dự định tung ra thị trường loại lò nướng thông minh tích hợp trợ lý giọng nói Google Assistant vào năm 2019. Công nghệ này có thể hữu ích khi bạn rời khỏi nhà và tự hỏi liệu có tắt lò hay chưa. Ngoài ra, robot hút bụi Anker Eufy RoboVac 30C được trang bị trợ lý giọng nói Alexa (của Amazon) và Google Assistant cũng tỏ ra hữu ích khi bạn tổ chức tiệc tùng tại nhà. Một số hệ thống camera an ninh dành cho ngôi nhà thông minh cũng được tích hợp trợ lý giọng nói, cho phép chủ nhà dùng khẩu lệnh để màn hình hiển thị ai ở bên ngoài vừa bấm chuông cửa.
( Theo TBVTSG )